Trang chủChưa được phân loạiKết quả thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội của tỉnh Quảng Nam trong năm 2021

Kết quả thực hiện nhiệm vụ Kinh tế – Xã hội của tỉnh Quảng Nam trong năm 2021

  1. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục thiên tai

– UBND tỉnh tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và khắc phục thiên tai, bão lụt, sạt lở đất,…Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt; đã tổ chức đón hơn 5.091 người từ thành phố Hồ Chí Minh và hơn 2.390 người từ thành phố Đà Nẵng về Quảng Nam; đón và cách ly gần 28.000 công dân Việt nam ở nước ngoài về cách ly có thu phí tại trên 20 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh; thí điểm đón hơn 350 khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam,…

– Bên cạnh đó, đã triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch vừa không làm đứt gãy sản xuất.

  1. Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu hồi phục, tình hình phát triển kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn

– Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 60.460 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 5,04% so với cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng -5,5%). Xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ tăng trưởng.

– Quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 102.654 tỷ đồng, xếp vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố về quy mô GRDP. Xếp vị trí thứ 2 tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng và quy mô của nền kinh tế.

– Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 14,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,7%, trong đó công nghiệp chiếm 28,4%; khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 32,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18,4%. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người đạt 67,6 triệu đồng, tăng 7,5% so với năm 2020.

   – Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 gần 30.342 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP; trong đó vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỷ đồng.

– Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự phục hồi, sản xuất công nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ (trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng 9,1%). Trong những tháng đầu năm 2021 sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc và dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, tuy nhiên về cuối năm do ảnh hưởng dịch bệnh nên giảm mạnh. Do đó, cả năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng gần 4,8% so với năm 2020. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% và chỉ số tồn kho tăng 0,93% so với năm 2020.

– Thương mại – dịch vụ chưa hồi phục, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, so với năm 2019 mức tăng trưởng khu vực dịch vụ vẫn còn giảm 7,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.

– Tổng lượt khách lưu trú ước năm 2021 đạt hơn 476 nghìn lượt khách, giảm 52,8% so với năm 2020; trong đó lượt khách quốc tế ước đạt hơn 13 nghìn lượt khách, giảm 96,6%; lượt khách trong nước ước đạt hơn 463 nghìn lượt khách, giảm -24,5% so với năm 2020. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt gần 6,5 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt gần 11 tỷ đồng, giảm 81%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt gần 4,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4%. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt trên 3,6 nghìn tỷ đồng, giảm 14,5%, trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt trên 265 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020.

– Nông, lâm và thuỷ sản tiếp tục duy trì với mức tăng trưởng ổn định 3,6%. Sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 và vụ Hè Thu 2021 được mùa, đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

– Tỷ lệ che phủ rừng xấp xỉ đạt kế hoạch năm 2021 (đạt 59,25%).

  1. Thị trường tài chính ổn định, thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, vượt dự toán năm

– Thị trường tài chính ổn định; tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt gần 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Tín dụng ngân hàng đạt trên 87 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2020. Dư nợ cho vay hơn 87,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,82%, trong đó tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,6%, giảm 23% so với đầu năm.

– Thu ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ, dự kiến vượt dự toán. Tổng thu ngân sách mình đạt 23772 tỷ, vượt dự toán 4.422 tỷ, thu nội địa đạt 19560 tỷ, vượt dự toán 3.568 tỷ, thu nội địa không tính tiền sử dụng đất, xskt là 17181 tỷ, vượt 2696 tỷ, tiền sử dụng đất là 2302 tỷ, vượt 872 tỷ, xuất nhập khẩu là 4123 tỷ, vượt 773 tỷ

– Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 40,5%; nhập khẩu đạt 2,01 tỷ USD, tăng 16%.

  1. Về đầu tư phát triển

 – Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 gần 30.342 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2020 và chiếm 29,7% GRDP; trong đó vốn đầu tư công năm 2021 hơn 5.015 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 giải ngân hơn 5.773/6.077 tỷ đồng, đạt 95%.

  1. Tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

– UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 154 chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

– Đã trình Tỉnh uỷ các Đề án, Báo cáo quan trọng theo chương trình công tác của Tỉnh uỷ về: giảm nghèo bền vững; kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh cải cách hành chính; định hướng phát triển vùng Đông Nam; nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản,… giai đoạn 2021-2025.

– Chú trọng công tác lập các Quy hoạch vùng huyện, các quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh,…; triển khai bước đầu lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Kết luận số 29-KL/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025.

– Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

  1. Phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, chương trình nông thôn mới, giảm nghèo đạt được một số kết quả nhất định

– Triển khai Nghị quyết Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; triển khai cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu; chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

– Đến nay, có 118 xã/194 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 60,8%, vượt 02 xã so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đề ra.

– Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững, đến nay số hộ nghèo còn 19.279 hộ, tỷ lệ 4,45% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020); năm 2021 giảm 3.098 hộ (so với 2.000 hộ kế hoạch năm 2021).

  1. Quản lý tài nguyên, môi trường được quan tâm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt

– Tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh. Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025.

– Công tác quản lý tài nguyên, môi trường được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh.

  1. Văn hóa, xã hội, y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo

– Chủ động triển khai công tác phòng, chống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng y tế, mở rộng quy mô giường bệnh, nhất là y tế tuyến cơ sở.

– Tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm 15.000/16.000 người, đạt 93,75% kế hoạch. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động động, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

– Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 97,3%. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học.

Hoạt động văn hóa chủ yếu tập trung tổ chức thành công các sự kiện lớn như: bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; 46 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng tháng 8 thành công và Ngày Quốc khánh (02/9). Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam, hội thảo Khoa học quốc gia “Quảng Nam – 550 năm hình thành và phát triển” phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

  1. Cải cách hành chính được tập trung thực hiện

– Đẩy mạnh công tác phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực đất đai, đầu tư, quản lý thu – chi ngân sách, tổ chức bộ máy, biên chế,… Đến nay, UBND tỉnh đã ủy quyền cho các Sở, ngành thuộc tỉnh giải quyết hơn 136 thủ tục hành chính, chiếm tỷ lệ 52% tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

– Cải cách thủ tục hành chính được được tập trung chỉ đạo. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 73.412 hồ sơ và đã giải quyết 61.183 hồ sơ; trong đó, trước và đúng hạn 61.053 hồ sơ, chiếm 99,8% tổng hồ sơ và trễ hạn 130 hồ sơ, chiếm 0,2% tổng hồ sơ.

– Công tác vận hành, quản lý Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (LRIS), Trung tâm giám sát, điều hành thông minh Quảng Nam (IOC Quảng Nam) cơ bản đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành.

– Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, số hóa và tích hợp dữ liệu của ngành, địa phương tích hợp dữ liệu của các Sở, ngành, địa phương qua trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) để kết xuất thông tin lên IOC Quảng Nam.

  1. Quốc phòng – an ninh được đảm bảo, đối ngoại được tăng cường

– Công tác quốc phòng, quân sự địa phương của tỉnh được triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo được tăng cường.

– Toàn tỉnh xảy ra 133 vụ tại nạn giao thông, làm chết 100 người, bị thương 87 người, thiệt hại tài sản hơn 1,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ, tai nạn giao thông tăng 09 vụ, giảm 02 người chết, giảm 05 người bị thương.

– Đã tổ chức tiếp hơn 10.213 lượt, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tiếp nhận, xử lý 8.414 đơn khiếu nại, tố cáo, tăng 9,5% so với cùng kỳ; hạn chế đơn thư vượt cấp và không phát sinh điểm nóng.

– Thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác với đối tác nước ngoài. Tổ chức lễ công bố quyết định và nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oọc lên cửa khẩu quốc tế. Thực hiện quản lý nhà nước về quản lý đoàn ra, đoàn vào theo đúng quy định.

Bình chọn

ĐỌC NHIỀU