Trang chủGóc nghề nghiệpVĩnh biệt người anh cả ngành Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng

Vĩnh biệt người anh cả ngành Phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng

Vậy là trái tim người anh cả của ngành Phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng (QN-ĐN) đã ngừng đập. Ông là Nguyễn Quỳnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh QN-ĐN sau một thời gian lâm bệnh nặng và do tuổi cao, sức yếu đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17 tháng 12 năm 2023 (nhằm ngày 05 tháng 11 năm Quý Mão); thượng thọ 96 tuổi. Tri ân với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Quỳnh, nhà báo – Giám đốc, Tổng biên tập Đài PT-TH Quảng Nam Mai Văn Tư có bài viết: “Vĩnh biệt người anh cả ngành Phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng”. Mời quý vị cùng lắng nghe.

Quê ông ở cuối nguồn của con sông Thu Bồn trước khi chảy ra biển lớn. Tôi may mắn được biết đến ông từ cuối những năm 80, khi ông còn đang công tác trong ngành phát thanh QN-ĐN trước đây. Những kỷ niệm với ông, người anh Cả của ngành phát thanh QN-ĐN vẫn trọn vẹn, nghĩa tình và đong đầy như hôm nào…

Lớp Phóng viên biên tập phát thanh khoá 1 năm 1982

Còn nhớ ở những năm đất nước còn trong thời kỳ bao cấp, hoạt động của ngành phát thanh, truyền thanh gặp vô vàn những khó khăn, thách thức. Làm sao để tiếng nói đài tỉnh đến được các địa bàn trong tỉnh không phải là chuyện dễ. Bởi theo ông, hệ thống truyền thanh cơ sở phải đảm nhận thực hiện chức năng tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân về các chủ trương chính sách của Trung ương, địa phương, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, trong đó có việc góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của nhân dân về các vấn đề của xã hội từ cơ sở. Trong hệ thống phát thanh 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện rồi đến xã thì Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn được đánh giá là khâu quan trọng, cuối cùng, trực tiếp nhất đối với công chúng; là phương tiện điều hành nhanh nhạy, thông tin kịp thời nhất, nhất là khi thông tin tình hình bão lụt, dịch bệnh.

Những năm bao cấp, có dịp đi nhiều nơi, đến nhiều vùng, ông nhận thấy điều bất cập khá phổ biến là nguồn kinh phí cho hoạt động và đầu tư cho hệ thống truyền thanh còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hiện trạng, chưa nói đến yêu cầu phát triển; cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở thì kiêm nhiệm nhiều việc, lại thường bị điều động, thay đổi, đa số chưa được bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, viết tin, bài cũng như kỹ thuật vận hành máy truyền thanh. Mặt khác, việc cung cấp thiết bị truyền thanh cơ sở thiếu đồng bộ, chất lượng còn hạn chế; tình trạng hư hỏng sau lắp đặt một thời gian ngắn còn xảy ra khá phổ biến. Ông tâm sự, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác, hệ thống truyền thanh cơ sở vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội ở mỗi địa phương. Nó không chỉ là kênh thông tin chủ yếu, là món ăn tinh thần của nhân dân mà còn là tiếng nói của chính quyền địa phương nhằm truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh tới nhân dân. Truyền thanh cơ sở là cánh tay vươn dài của đài tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam. Tất nhiên, bây giờ phải tính cách cho truyền thanh cơ sở sống như thế nào cho phù hợp, chứ không thể tồn tại như trong thời bao cấp.

Trưởng thành từ cơ sở, khi chuyển ra làm Giám đốc Đài Phát thanh QN-ĐN, ông Nguyễn Quỳnh đã thấu hiểu được thực trạng và đã cùng với tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của đài không ngừng chăm lo xây dựng, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở. Được anh em kể lại và chứng kiến thời buổi khó khăn của những năm 1980, khi đất nước chịu cấm vận, không có trang thiết bị, linh kiện, ông đã động viên anh em kỹ thuật lặn lội dưới cơ sở, sáng chế điện từ quạt gió, làm pin rồi cải tiến radio VEB của Liên Xô để trang bị, phát triển mạnh truyền thanh cho cơ sở vùng sâu, vùng xa thuộc địa bàn miền núi, vùng biển, hải đảo. Chính nhờ những cố gắng lớn lao ấy, trong đó đáng kể là vai trò của đồng chí Giám đốc mà Đài Phát thanh QN-ĐN trở thành là một trong những đài mạnh, có hệ thống truyền thanh cơ sở phát triển toàn diện, dẫn đầu trong cả nước lúc bấy giờ. Phong trào thi đua này mãi đến nay vẫn còn nhiều đơn vị trong ngành như Đài Truyền thanh – Truyền hình Điện Bàn (nay là Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Truyền thanh – Truyền hình Điện Bàn) chú trọng gìn giữ và đang vươn lên trở thành ngọn cờ tiêu biểu về phát triển sự nghiệp truyền thanh cơ sở trong khu vực miền Trung và cả nước. Ông kể, có dịp đến thăm Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Phước Sơn, anh chị em phóng viên của đài đưa ông lên thăm lại vùng đất các xã Phước Đức, Phước Mỹ – nơi có nhiều kỷ niệm đẹp hơn 15 năm trước. Được gặp lại các già làng, họ khoe rằng: bây giờ bà con mình được nghe đài và xem tivi nữa, không như ngày xưa, Giám đốc mang lên cho dân bản cái máy Vép Liên Xô, kéo vài chục cái loa Chim ưng vào nóc, giờ sướng cái bụng hơn nhiều.

Với tôi, luôn rất nhớ những ấn tượng về ông luôn là người có tâm huyết đổi mới, kiên trì khắc phục những khó khăn, luôn gắn bó với cơ sở, động viên anh em dồn tâm sức phát triển ngành, nhất là mạng lưới truyền thanh huyện, cơ sở.

Tác giả và ông Nguyễn Quỳnh năm 2016

Để có điều kiện phát triển ngành, điều quan tâm nữa của Giám đốc Nguyễn Quỳnh là công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho lớp trẻ. Những năm bao cấp, nguồn kinh phí gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất hầu như không có gì đáng kể; nhưng ông vẫn tổ chức được các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho công nhân kỹ thuật, mở lớp báo chí nghiệp vụ truyền thanh. Và từ những lớp học, khi thì khóa đào tạo ngắn ngày, khi thì khóa chính quy ấy mà đã có nhiều người trưởng thành, đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp phát thanh, truyền hình sau này. Có anh em ở đài huyện được ông cho đi đào tạo trở thành tiến sĩ đang dạy ở một trường đại học lớn.

Cuối năm 1985, ông tổ chức tuyển chọn được khoảng 10 anh, chị em mới tốt nghiệp phổ thông, gửi đi đào tạo tại Trường Công nhân kỹ thuật truyền thanh Thanh Hóa. Sau đó cứ mỗi chuyến có dịp đi công tác ông đều ra thăm, động viên anh, chị em học tập cùng với món quà nhỏ, có khi chỉ là gói tép khô, chai nước mắm. Tốt nghiệp ra trường, số anh chị em ấy bây giờ vẫn gắn bó với ngành, hầu hết đã trở thành kỹ sư, có người làm Giám đốc một Đài Phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, có người làm trưởng đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, thành phố ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

Tháng 6.1986, ông lại quan tâm mở 01 lớp đào tạo phóng viên truyền thanh. Lớp Phóng viên truyền thanh khóa II (1986-1988) với khoảng 45 học viên, được theo học tại Trường Đảng tỉnh lúc bấy giờ đóng tại Thành phố Hội An. Số anh, chị em này ra trường đã nhận công tác tại nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. 

Cuối những năm 80, với không ít những khó khăn ấy, nhiều anh em kỹ sư người xin đi học, người chuyển công tác, đi làm việc ở nước ngoài; ông đã gặp động viên mọi người vượt qua khó khăn, “bám trụ” ở đài để rèn luyện thực tế, nâng cao trình độ quản lý; trong số đó nhiều người tiếp tục gắn bó với ngành cho đến bây giờ và được phân công giữ những chức vụ trong bộ máy Đảng , Nhà nước lớn hơn.

Trong công tác nội dung, tôi nhớ ở những năm còn bao cấp, khi truyền hình chưa phát triển như bây giờ thì những thông tin hay, thời sự từ Đài Phát thanh QN-ĐN được nhân dân trong tỉnh đón nhận một cách nhanh chóng. Có người nghe tin tức qua hệ thống loa công cộng; nhất là tiết mục: “Mỗi tuần một chuyện”. Những tiêu cực trong đời sống xã hội, những bất cập trong cơ chế chính sách được đài tỉnh phản ánh kịp thời, sâu sắc. Ở bộ phận nội dung, trong công việc ông thường mạnh dạn giao việc, tỉ mỉ trong từng: “câu chữ” của từng bài báo trước khi phát sóng. Đài Phát thanh QN-ĐN được Đài Tiếng nói Việt Nam đánh giá là một trong những đài có nội dung chương trình phong phú và đặc biệt đã làm tốt chức năng của mình là công cụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn thực sự của nhân dân.

Sau khi nghỉ hưu, Giám đốc Nguyễn Quỳnh vẫn thường xuyên gắn bó, động viên, đóng góp cho anh em cả Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng và Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam ngay từ những ngày đầu chia tách tỉnh, xây dựng cơ ngơi mới và cho đến bây giờ. Trong các lần gặp mặt đội ngũ những người làm công tác phát thanh, truyền thanh toàn tỉnh, ông thực sự vui mừng khi thấy anh, chị em ở cả 2 đài đều trưởng thành và sự nghiệp phát thanh, truyền hình ở cả 2 địa phương đều có những bước phát triển bền vững.

Đối với Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam, ngay từ buổi đầu chia tách tỉnh, ông đã có sự động viên, chia sẻ thực sự trước vô vàn những khó khăn về nơi ăn chốn ở, về hoạt động nghiệp vụ. Trong bài viết cho Đặc san 20 năm xây dựng và phát triển của Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam của ông có đoạn viết:

“Tôi cảm nhận rất rõ những gian khó của đồng nghiệp ở đây. Ngôi nhà làm việc là căn nhà cấp 4 nằm trên một vùng đất ruộng bỏ hoang cùng biết bao những khó khăn, thiếu thốn khác. Thấm thoát đã 20 năm trôi qua, một quãng thời gian không dài nhưng thành tựu của ngành phát thanh, truyền hình tỉnh Quảng Nam đáng tự hào biết mấy. Rõ ràng là vạn sự khởi đầu nan…”.

Ông cho rằng đối với đài Quảng Nam đã làm được việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị phát thanh, truyền hình tương đối hiện đại và đã xây dựng được một đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên trẻ xông xáo, nhiệt tình với công việc; đồng thời đã biết chọn hướng đi riêng cho mình khi cả vườn hoa phát thanh, truyền hình có đến hàng trăm kênh khoe sắc.

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, theo ông mỗi đài phải chọn cho mình một hướng đi và giữ cho được bản sắc, cốt cách của mình. Với Quảng Nam, ông phấn khởi khi đài mở các chuyên mục như: “Đất và người xứ Quảng”, “Những miền quê xứ Quảng”, “Sắc màu cuộc sống” và thực hiện nhiều phim tài liệu về danh nhân xứ Quảng, về đề tài truyền thống đấu tranh cách mạng. Ông đánh giá những nỗ lực của đài Quảng Nam trong việc tuyên truyền gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông để lại như việc đưa tuồng vào trường học, khuyến khích dạy hát dân ca bài chòi, tuyên truyền các lễ hội dân gian…

Những lần có dịp về với ngôi nhà phát thanh, truyền hình Quảng Nam, có một điều ông thường ưu tư là việc hiện nay các đài phát thanh – truyền hình trong cả nước phải cùng một lúc làm 2 chức năng của một tờ báo nói, một tờ báo hình. Theo ông có vẻ như nhiều đài nặng làm truyền hình hơn là phát thanh và vì thế thời lượng, mức đầu tư cho phát thanh còn hạn chế. Ông tâm sự, truyền hình và phát thanh có những điểm tương đồng nhưng viết cho phát thanh khác viết cho truyền hình, vì viết cho phát thanh là viết để nói. Ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp bổ ích, cụ thể cho đài.

Về công tác quản lý ngành, ông rất mừng khi các đài huyện được giao về Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý nhưng đài tỉnh vẫn làm tốt chức năng được tỉnh giao; quan hệ giữa tỉnh và huyện không ngừng được tăng cường. Theo ông, việc các đài huyện được mở chuyên mục, có chương trình phát thanh và cả truyền hình phát định kỳ trên sóng đài tỉnh, việc tổ chức định kỳ Liên hoan phát thanh, truyền hình 2 năm một lần là những hoạt động không chỉ là hoạt động mang tính phong trào đơn thuần mà qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên đài huyện, thành phố.

Là người từng có thời gian làm công tác báo chí, ông luôn rất tự hào khi nói về những người đồng đội đã một thời làm báo, cùng nhau vui buồn chia sẻ trong thuận lợi cũng như trong những lúc khó khăn. Ông luôn căn dặn thế hệ những người làm phát thanh, truyền hình chúng tôi rằng:

“Người làm báo phải luôn có đôi mắt sáng, tấm lòng trong và cây bút sắc. Làm được điều ấy sẽ đưa đến với người nghe, người xem một lượng thông tin nóng hổi, bổ ích, một hình ảnh chân thực, sống động và sẽ sống mãi với thời gian. Anh chị em làm báo hình, báo nói Quảng Nam mới xứng danh là binh chủng chủ lực trong làng báo chí đất Quảng… “.

Đất nước đi lên, cơ chế có sự thay đổi, sự nghiệp phát thanh – truyền hình có nhiều cơ hội nhưng cũng chịu nhiều áp lực và không ít khó khăn, thách thức. Tinh thần và tâm huyết của ông đối với sự nghiệp đã, đang và sẽ động viên nhiều anh em tiếp tục đóng góp sức mình cho sự nghiệp phát thanh – truyền hình Quảng Nam và Đà Nẵng không ngừng phát triển trong chặng đường sắp tới.

Tuổi cao, sức yếu và rồi đến lúc ông đã phải rời xa mọi người. Thắp nén hương tiễn biệt ông về miền âm cảnh mà nghe lòng nghẹn ngào, thương tiếc. Vĩnh biệt Ông, vĩnh biệt người lão thành cách mạng trăm mến ngàn thương của quê hương Quảng Nam, của quê hương Duy Xuyên và của anh em trong ngành phát thanh, truyền hình Quảng Nam và Đà Nẵng chúng tôi.

M.V.T

1.3/5 - (3 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU