Tiếp nối thành công của sê-ri ký sự truyền hình “Những dòng sông xứ Quảng”, năm 2024 Đài PT – TH Quảng Nam (QRT) tiếp tục thực hiện và đưa vào phát sóng 20 tập ký sự “Tinh hoa nghề xứ Quảng”. Sê-ri ký sự này sẽ kể với khán giả truyền hình câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển của nghề truyền thống trên vùng đất Quảng Nam, xu hướng vận động của nó trong thời đại công nghệ số và hội nhập toàn cầu. Đồng thời ký sự cũng sẽ đưa khán giả truyền hình đến thăm những miền quê xứ Quảng, nơi những người thợ đang từng ngày nâng niu, trao truyền những nét tinh diệu, những bí kíp nghề để Tinh hoa nghề xứ Quảng luôn tỏa rạng với nhịp bước thời gian…
Nằm ở trung độ của cả nước, Quảng Nam có địa hình trải dài từ Tây sang Đông với các vùng núi cao, trung du, đồng bằng, vùng duyên hải và biển đảo. Khảo cổ học trên các hệ thống sông lớn của Quảng Nam, đã phát hiện từ hơn ba nghìn năm trước người cổ Sa Huỳnh đã tạo lập được nền văn minh khá phát triển. Họ đã biết chế tác các loại công cụ đồ đồng, đồ sắt; các vật dụng bằng gốm, các đồ trang sức, đồ thủy tinh, mã não được chạm khắc, trang trí khá tinh xảo, đạt trình độ thẩm mỹ khá cao. Trên nền tảng văn minh Sa Huỳnh, người Chăm xưa đã xây dựng nên vương quốc Champa phát triển rực rỡ suốt nhiều thế kỷ. Người Chăm rất giỏi đóng tàu thuyền đi biển, ngoại thương, cùng các nghề thủ công truyền thống như chế tạo đồ gốm, gạch ngói và nghề xây dựng, chạm khắc. Ngược lên phía Tây, đồng bào các dân tộc thiểu số Cơ tu, Cor, Xê đăng, Giẻ Triêng… đã tạo dựng được một kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo. Với nền kinh tế mang đậm tính tự cấp, tự túc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết khai thác các nguồn sản vật sẵn có để làm nên các vật dụng phục vụ cuộc sống của mình.
Trên hành trình mở cõi về phương Nam, bên cạnh khát vọng đổi đời nơi vùng đất mới, thế hệ cha ông thuở trước còn mang theo những nghề truyền thống từ quê cha đất tổ. Cộng cư với người dân bản địa, nỗ lực khẩn hoang lập làng, nương theo hình sông thế núi, người Việt đã thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng để tiếp tục phát triển, tạo lập các ngành nghề của mình.
Về điều này, Thạc sĩ văn hóa Phùng Tấn Đông cho rằng “Cộng đồng cư dân Đại Việt mang theo nghề truyền thống của mình vào vùng đất mới có sự giao lưu với cư dân bản địa. Đặc biệt ở thương cảng Hội An còn có sự giao lưu với người nước ngoài…Do đó, ngành nghề vừa giữ được bản sắc truyền thống Đại Việt lại vừa có sự tiếp nhận, giao thoa mạnh mẽ với nghề của cư dân Chăm bản địa cũng như thương nhân người Hoa, người Nhật và phương Tây…”
Từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ thứ XVIII, nghề thủ công truyền thống xứ Quảng phát triển khá phong phú. Các làng nghề đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, dệt Mã Châu, Thi Lai, Bảo An; mía đường Đa Hòa, đóng thuyền Hà Mật, trống Lâm Yên đạt đến thời kỳ hoàng kim. Sản phẩm của các nghề, làng nghề cung cấp lượng hàng hóa xuất khẩu rất lớn, góp phần quan trọng làm nên sự phồn thịnh của cảng thị quốc tế Hội An và của cả xứ Quảng.
Dù luôn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng xứ Quảng vẫn còn giữ được nhiều làng nghề nổi tiếng. Những đặc trưng của làng nghề không chỉ tạo lập các di sản vật thể mà còn đúc kết được một kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ, quý giá; bao gồm các tri thức nghề nghiệp, phong tục tập quán, lễ hội; kho tàng văn học dân gian làng nghề… Tất cả các giá trị văn hóa do các nghề, làng nghề tạo ra đã làm phong phú và tạo nên vẻ đặc sắc của văn hóa xứ Quảng, trở thành niềm tự hào của người Quảng Nam.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Chí Trung khẳng định “Yếu tố văn hóa phi vật thể luôn gắn liền với nghề nên đã tạo nên sự phong phú của phong tục, lễ hội. Nghề nào cũng có những bí quyết, có ông Tổ nghề và có những ứng xử với nghề rất riêng biệt. Chính vì thế đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa nghề ở xứ Quảng…”.
Nằm trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, nghề và làng nghề ở Quảng Nam là sự kế thừa, phát huy nghề truyền thống của cha ông trong điều kiện địa lý tự nhiên và lịch sử vùng đất. Với cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các thế hệ nghệ nhân, thợ giỏi hôm nay sẽ tiếp tục giữ vững Tinh hoa nghề xứ Quảng, đưa làng nghề truyền thống phát triển trong thời kỳ hội nhập, góp phần tạo nên sự giàu có và xinh đẹp của một vùng đất.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng ta cần phải phát triển hơn nữa, cần phải có thương hiệu của làng nghề. Muốn vậy thì sản phẩm làng nghề phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì thương hiệu mới đi xa được. Trước hết, làng nghề cần có sự đào tạo, hỗ trợ những nghệ nhân trẻ đồng thời có sự liên kết và mở rộng, đoàn kết giữa các làng nghề để có sự phát triển mạnh hơn…”.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Hiệp hội nghề thủ công Quảng Nam, khằng định: “Nét tinh hoa nghề xứ Quảng luôn có hồn riêng của mình, ai tinh tế nhìn qua là sẽ nhận ra. Trải qua bao thăng trầm, thịnh suy, nét tinh hoa ấy vẫn cứ tồn tại như ngọn lửa không tắt…Và chúng ta cần trân quý và ra sức gìn giữ điều đó cho con cháu mai sau…”.
Không giống như ký sự các dòng sông, khi bắt tay thực hiện sê ri ký sự “Tinh hoa nghề xứ Quảng”, các ê kíp truyền hình đã gặp nhiều khó khăn trong tác nghiệp. Mặc dù là xứ sở của nghề truyền thống nhưng trước sự phát triển ào ạt của công nghệ chế tác, hàng công nghiệp…nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ thoái trào hoặc tồn tại cầm chừng. Chính vì thế, để có những hình ảnh sống động của nghề là chuyện không hề đơn giản. Nhiều tập phim phải tổ chức dàn dựng, phục chế lại bối cảnh của làng nghề ở thời hưng thịnh hoặc sử dụng tư liệu đã ghi hình cách đây mấy chục năm.
Nhà báo Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc, Phó tổng biên tập QRT đã có những trải lòng trước khi các tập ký sự lên sóng truyền hình rằng: “Những nghề và làng nghề xứ Quảng một thời hưng thịnh, vang bóng nay đi về đâu? Phải chăng nó chỉ còn là tiếng thở dài, hoài vọng, tiếc nuối. Mỗi câu chuyện nghề kể trong từng ký sự là số phận đời người, vùng đất, là sợi dây kết nối quá khứ-hiện tại-tương lai. Những gì là tinh hoa sẽ trở thành giá trị bất biến và trường tồn vĩnh cữu với thời gian…”. Và, đó chính là tinh thần chủ đạo để các ê kíp thực hiện ký sự này bám sát, định hình phong cách thể hiện cho từng tập phim.
Không lãng mạn và lung linh như hình ảnh các dòng sông vào buổi bình minh hay chiều tà. Không hào hoa và lộng lẫy như dãi lụa mềm của những làng quê, xóm mạc xứ Quảng nhìn từ trên cao hay là đặc tả chi tiết từng ngôi nhà nằm vắt mình trên sườn non…Làng nghề và nghề truyền thống xứ Quảng đã đi vào ống kính những người làm truyền hình trong sê ri ký sự Tinh hoa nghề một cách lặng lẽ, nóng hổi chất ký sự về số phận thăng trầm trong cơn bão hàng hóa được sản xuất từ ngành công-kỹ nghệ hiện đại. Mỗi thước phim dường như là sự chắt chiu, gìn giữ những gì còn lại của nghề truyền thống đã trải qua hàng trăm năm lịch sử từ thuở cha ông mở đất về phương Nam. Điều chúng tôi hạnh phúc nhất chính là, dù nhiều nghề đã đi vào mai một, chỉ còn là những đốm lửa nhỏ trước gió giông… nhưng mỗi người nghệ nhân, người thợ làm nghề đi vào ký sự đều thể hiện được niềm tự hào về truyền thống mà cha ông họ đã gầy dựng nên.
Đây có lẽ là sợi dây xuyên suốt để các ê kip thực hiện ký sự “nương náu” mà kỳ công tạo nên nhiều cảnh quay đẹp, góc máy ngợi ca, gạt bỏ nỗi buồn tàn phai, làm ánh lên niềm lạc quan về tương lai nghề và làng nghề truyền thống xứ Quảng. Nhiều nghệ nhân dù tuổi đã cao nhưng vì niềm đam mê và khát vọng gìn giữ nghề truyền thống cha ông, vẫn ngày đêm miệt mài giữ nghề, neo lại sợi dây mỏng manh cho con cháu mai sau nhớ về nghề mà tổ tiên đã đổ bao mồ hôi, công sức sáng tạo nên. Họ chính là sự kết nối, dẫn dắt câu chuyện ký sự về mỗi làng nghề, khiến cho câu chuyện được chạm đến đều mang một dấu ấn và ý nghĩa rất cao cả…
Có thể nói, hai mươi tập ký sự “Tinh hoa nghề xứ Quảng” đã và đang khởi chiếu trên sóng QRT và các hạ tầng mạng…là những khắc họa chân thật và sinh động về nghề và làng nghề truyền thống xứ Quảng. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc kể câu chuyện về làng nghề từ trong quá khứ hào hoa cho đến hiện tại, mà còn hướng đến một lối mở khả dĩ cho làng nghề thông qua những đánh giá, nhận định và định hướng phát triển của chính chủ nhân làng nghề, các nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương. Mỗi một tập phim dù là nghề gì cũng đều lưu lại cho người xem bao nghĩ suy, đồng cảm về giá trị bất biến trong lao động, sáng tạo của bao thế hệ tiền nhân. Đồng thời cũng cố gắng làm lóe lên những tia hy vọng phía tương lai…
Và, cũng như sê-ri ký sự “Những dòng sông xứ Quảng”, Đài PT-TH Quảng Nam mong muốn được góp thêm một dư địa chí truyền hình về nghề và các làng nghề truyền thống xứ Quảng ở ký sự này. Hy vọng, sự tâm huyết và đồng cảm sâu sắc của người làm truyền hình với bao lớp nghệ nhân nghề trên vùng đất Quảng Nam sẽ được đón nhận ở 20 tập ký sự “Tinh hoa nghề xứ Quảng”.
Tác giả: Đặng Trương
Đồ họa: Hiền Vi