Đó là những dòng tâm sự mà mỗi lần nói về nghề văn và cuộc dấn thân vì văn chương, nhà văn Vũ Hạnh – một người con xứ Quảng đã trải lòng. Hơn 60 năm đến với lâu đài văn chương, nhà văn Vũ Hạnh đã ghi dấu ấn đặc biệt trên trường văn, trận bút giữa Sài Gòn với một nhân cách văn học khó quên…
Cụ Nguyễn Đức Lang nổi tiếng là người hiền lành, đức độ nhưng cực kỳ nghiêm khắc với các con. Những lễ giáo truyền thống, đạo đức làm người đã được ông truyền dạy cho con cháu trong nhà như một lẽ bắt buộc. Và, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách và tâm hồn nhà văn Vũ Hạnh sau này. Không chỉ là người ham học, học giỏi ngay từ nhỏ, Vũ Hạnh – Nguyễn Đức Dũng còn có ý thức cách mạng và tình cảm đặc biệt với quê hương khi sớm gia nhập Mặt trận Việt Minh sau đảo chính Nhật năm 1945. Ông hoạt động trong đội vũ trang tuyên truyền, tham gia Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình, cùng đồng bào hăng hái đấu tranh chống đàn áp, khủng bố bằng bom xăng, súng đạn của kẻ thù dã man ở cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được. Có thể nói, quê hương xứ Quảng chính là nơi ươm vào lòng nhà văn biết bao dấu ấn kỷ niệm trong cuộc đời từ lúc còn là cậu học trò, cho đến khi tham gia hoạt động tuyên truyền và đấu tranh cách mạng, dạy học trên những vùng tản cư ở Quế Sơn…rồi bị bắt cầm tù.
Từng là học trò của nhà văn Vũ Hạnh ở trường tản cư Quế Sơn 2 – nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Hương Việt nhớ lại: “Tôi nhớ thầy Vũ Hạnh là một người trẻ trung, năng động. Đặc biệt ở thầy có cách dạy văn rất khác biệt. Thầy luôn kể và dẫn ra những câu chuyện xung quanh bài giảng, đã làm phong phú giờ học văn và khiến chúng tôi say sưa học giờ văn của thầy…”.
Bà Nguyễn thị Thuần là em gái nhà văn Vũ Hạnh, hiện đang sống ở Hà Lam, Thăng Bình thì nói: “Anh Hạnh là một người rộng lượng, bao dung. Khi cha tôi mất, anh như người cha trong gia đình, thương yêu, bảo bọc các em. Anh rất lo lắng mọi thứ cho em nhưng chưa bao giờ nói ra bằng lời. Sau này nghĩ lại những việc làm của anh mới thấy tình cảm của anh lớn lao biết bao…”
Bị cầm tù sau cuộc đấu tranh Hà Lam – Chợ Được, Nguyễn Đức Dũng may mắn trốn thoát vào Sài Gòn và bắt đầu dấn thân vào con đường đấu tranh đầy gian khổ, cam go trên trường văn trận bút. Chính giai đoạn bị tù đày ở nhà lao Hội An, bút danh Vũ Hạnh ra đời. Đây là tên một người bạn thân cùng ngồi tù, hai người đổi tên cho nhau, thề sống chết chiến đấu, chờ ngày thống nhất gặp nhau vui khúc khải hoàng.
Mở đầu tuyển tập có nhan đề “Văn học yêu nước tiến bộ – cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954 – 1975”, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1997, ông Trần Trọng Đăng Đàn viết: “Trong các vùng bị địch tạm chiếm ở Nam Việt Nam, thời những năm 1954, đã tồn tại và phát triển một luồng văn học như là một trong những lực lượng quan trọng của văn hóa, văn nghệ cách mạng, yêu nước, tiến bộ, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp đem lại thống nhất vẹn toàn cho đất nước”. Và trong số 48 tác giả được giới thiệu ở tuyển tập, người đọc bắt gặp 12 tác giả là người đất Quảng. Trong số đó, nhà văn Vũ Hạnh nổi lên với một bút lực dồi dào, tư tưởng tiến bộ và tinh thần tự tôn dân tộc rất cao qua các tác phẩm của mình. Dấu ấn đầu tiên, có thể khẳng định như một tuyên ngôn văn chương của nhà văn Vũ Hạnh, trước hết cho chính bản thân ông và sau nữa là để phản ứng, phê phán gay gắt đội ngũ bồi bút trên văn đàn Sài Gòn lúc bấy giờ, đó chính là “Bút Máu” – tác phẩm được viết năm 1958.
Cái ẩn dụ trong tác phẩm “Bút máu” mang tính cách giáo dục, tựa như một thứ luận đề văn chương, nhưng lại là câu chuyện làm người, là một thứ đạo lý mang tính nhân loại. Cái ẩn dụ ấy cũng đồng thời như một thứ nhân quả báo đền, chẳng ai có thể thoát khỏi, nếu không biết quy hướng cuộc đời theo những lối đi phong quang, mà cứ mù quáng, tham lam và nuôi dưỡng dục vọng để không ngừng bước vào bóng tối của thế quyền…
Nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ – một người đồng hương và cũng là thế hệ sau của Vũ Hạnh, hoạt động văn chương trong đô thị Sài gòn mấy chục năm trước nhớ như in rằng:
Không chỉ có “Bút máu”, các tác phẩm xuất hiện liên tiếp sau đó của nhà văn Vũ Hạnh như truyện dài “Lửa rừng” (viết năm 1960), các tập truyện ngắn “Vượt thác” (1963), “Chất ngọc” (1964), rồi truyện vừa “Ngôi trường đi xuống” (viết năm 1966), các truyện dài “Cú đấm”, “Người chồng thời đại” (1972), “Con chó hào hùng” (1973) và tiểu thuyết “Cô gái xà niêng” viết năm 1973…; đặc biệt, “Đọc lại Truyện Kiều” (viết năm 1966)… đều gây được sự chú ý trong giới văn nghệ, trí thức, công chúng Sài Gòn và cả nước.
Đáng chú ý và cũng là một tác phẩm được tái bản đến 50 lần trong gia tài văn học Vũ Hạnh giai đoạn này chính là “Người Việt cao quý”. Bối cảnh ra đời của tác phẩm này là năm 1965, khi Mỹ chuẩn bị đổ quân ồ ạt vào miền Nam. Ở trên nhận định, sự kiện này sẽ làm tổn thương đến tinh thần dân tộc chúng ta, do đó khuyên Vũ Hạnh nên viết những gì đề cao ý chí để gián tiếp đánh Mỹ. Trong một tuần lễ Vũ Hạnh suy nghĩ và viết xong tập tản văn “Người Việt cao quý”, đề tên tác giả là A. Pazzi, người Ý, để dễ kiểm duyệt và mượn tên người nước ngoài này ca ngợi chúng ta được dễ nghe hơn.
Vũ Hạnh gửi một chương ca ngợi “Đôi mắt và nụ cười” in thử trên nhật báo Đất Tổ để xem phản ứng người đọc ra sao và tác động vượt khỏi sự chờ đợi. Người đọc vồ vập, bàn tán, thích thú vì người Việt được nước ngoài ca ngợi quá cỡ như thế. Thế là mấy tuần sau, sách in xong. Tác phẩm đáp ứng tâm lý người đọc, nên được tái bản nhiều lần. Ở trong nhà tù, sách cũng được tìm đọc. Dĩ nhiên, bấy giờ chẳng mấy ai biết Vũ Hạnh là tác giả.
Trong suốt thời chống Mỹ, nhà văn Vũ Hạnh là cơ sở ở nội thành Sài Gòn với nhiệm vụ là chống văn hóa nô dịch. Cấp trên chỉ định cho ông “đóng vai một người quốc gia có đôi chút tiến bộ”, hoạt động đơn tuyến, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy, thỉnh thoảng mới ra mật khu để học tập tình hình vài ngày. Được người quen giới thiệu, ông tiếp xúc với nhiều báo, qua các bút hiệu Minh Hữu, Nguyên Phủ… và chọn tạp chí Bách Khoa làm mảnh đất chính cho việc cầm bút, ký dưới các truyện là Vũ Hạnh và các tiểu luận, phê bình là Cô Phương Thảo.
Hoạt động đơn tuyến trong giai đoạn hết sức khốc liệt, viết mà lơ tơ mơ là không xong. Trách nhiệm của một người cầm bút đứng giữa chiến tuyến, có quan điểm chống lại chính sách của chế độ đương thời thì phải hết sức khéo léo. Để tiện cho việc hoạt động theo chỉ thị cấp trên, ông đã gia nhập Trung tâm văn bút Sài Gòn, một tổ chức có hệ thống quốc tế, để mượn diễn đàn này đấu tranh trực diện với kẻ thù qua những lần đăng đàn diễn thuyết, qua những bài viết, tiểu luận phê bình…để nói rõ văn chương đích thực là bản sắc dân tộc, truyền thống yêu nước, chống cái ác, hoặc lai căng, bại hoại…Ở phương diện này, Vũ Hạnh nổi lên như một ngoài bút sắc sảo, đầy bản lĩnh, tả xung hữu đột giữa đô thành Sài Gòn đầy rẫy cảnh sát, mật vụ, tình báo Mỹ – Việt Nam cộng hòa luôn theo dõi, rình rập…
Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh nói: “Cái thời nhà văn Vũ Hạnh còn hoạt động đơn tuyến ở Sài Gòn quả thật là cực kỳ khó khăn, đầy thử thách. Thời đó, để sống được cũng là khó rồi, nhưng ông đã sống và viết với sức chiến đấu dũng cảm như vậy thì phải nỗ lực biết là bao nhiêu…”
Còn nhà văn Lê Tú Lệ – Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học thành phố Hồ Chí Minh, thì khẳng định: “Ông 5 lần bị bắt vào tù không phải chỉ vì các tác phẩm văn học, mà chính vì những bài bút chiến, những tiểu luận phê bình văn học, những lần đăng đàn diễn thuyết, đối kháng với những thế lực cầm bút phía bên kia…”
Với văn chương, nhà văn Vũ Hạnh đã để lại trong lòng người đọc dấu ấn sâu đậm ngay từ những tác phẩm đầu tiên. Ở đời thường, ông trước hết là một người chồng, người cha mẫu mực, rất đổi nhân hậu thủy chung. Với cuộc đời, ông luôn gần gũi, cởi mở tấm lòng với mọi người, đặc biệt sẻ chia, cảm thông với những cảnh đời khốn khó. Nhiều câu chuyện xúc động về lòng nhân ái của ông được người thân, bạn bè…kể lại, càng minh chứng thêm cốt cách của một con người được sinh ra và giáo dục trong một gia đình có truyền thống Nho học ở mảnh đất xứ Quảng. Và, khi ở cương vị Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, chủ biên các tạp chí Mỹ thuật thời nay, Cảo thơm, Văn hóa gia đình,…sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Vũ Hạnh đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng những hạt nhân văn chương thế hệ trẻ cho thành phố Hồ Chí Minh trong vô vàn bộn bề khó khăn của những năm đầu giải phóng.
Gần gũi, sẻ chia và truyền ngọn lửa văn chương ấm nóng tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, tự do cho lớp nhà văn đi sau được ông xem như sứ mệnh mình cần hoàn thành trong cuộc đời và văn nghiệp. Khi còn làm việc hay lúc đã nghỉ hưu, bao giờ nhà văn Vũ Hạnh cũng thể hiện một tác phong làm việc cần cù, nhanh nhẹn, xông xáo trên mọi nẻo đường quê hương đất nước thu thập tư liệu viết báo viết văn. Lúc đã ngoài tuổi 90, vẫn khỏe khoắn chạy xe phân khối lớn vượt hàng trăm cây số đi Vũng Tàu, Đà Lạt, để tìm chất liệu cho những tác phẩm tiếp theo của mình, mới thấy cuộc sống của nhà văn vô cùng thú vị. Và, dù giờ đây, ông đã đi xa nhưng trong trái tim những nhà văn, những người thân thiết…vẫn còn đó một Vũ Hạnh gần gũi, chân thành nhưng cũng rất mực hào hoa.
Những hoạt động văn hóa – văn học, báo chí của nhà văn Vũ Hạnh thật khó ghi lại, khắc họa trọn vẹn trong một bài viết. Có thể ghi lại nhận xét của lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn -Gia Định về quá trình công tác của Vũ Hạnh: “Trên lĩnh vực đấu tranh văn hóa nội thành, đã tích cực thực hiện tất cả các chủ trương cách mạng đề ra trong thời chống Mỹ và chỉ có mỗi khuyết điểm là đã làm trên mức yêu cầu của Đảng”. Còn Từ điển văn học bộ mới của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Việt Nam thì viết: “Trong dòng văn học yêu nước cách mạng phát triển trong vùng thành thị miền Nam (1954 – 1975), Vũ Hạnh là một trong những cây bút nổi tiếng, đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng...”. Vũ Hạnh được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cùng với những tác phẩm xuất sắc của mình.
Chừng đó thôi cũng quá đủ để người đọc nhiều thế hệ tin yêu Vũ Hạnh, cũng quá đủ để Vũ Hạnh vui sống và tự hào nếu ông còn tại thế, vì ông là nhà văn lấy văn để thể hiện lòng yêu nước vô bờ, từ đó hình thành một nhân cách văn học lớn trong dòng văn học yêu nước cách mạng Việt Nam. Đúng như hai câu thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải mà sinh thời nhà văn Vũ Hạnh rất tâm đắc: “Đời không duyên nợ thà không sống / Văn chứa non sông mới có hồn”.
Tác giả: Đặng Trương
Đồ họa: Hiền Vi