Trang chủE-MagazineE-Magazine: Thượng Đức – 50 năm ngày chiến thắng

E-Magazine: Thượng Đức – 50 năm ngày chiến thắng

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) là một trong những cựu chiến binh gắn bó với mảnh đất Quảng Nam từ sau ngày giải phóng. Dù đã ngoài 70 tuổi và đang sinh sống tại Hà Nội, nhưng hằng năm Trung tướng Thệ vẫn sắp xếp thời gian về Đại Lộc, Quảng Nam để thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Thượng Đức.

Theo thống kê, trong trận đánh Thượng Đức cách đây 50 năm, Sư đoàn 304, 324 và các đơn vị phối thuộc của ta hy sinh gần 1000 cán bộ, chiến sĩ. Năm 2014, Trung tướng Thệ cùng với Ban liên lạc CCB Sư đoàn 304,  Sở VHTT&DL và UBND huyện Đại Lộc phối hợp xây dựng Tượng đài chiến thắng và khu tưởng niệm Thượng Đức tại nơi diễn ra chiến dịch Thượng Đức. Địa điểm này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và trở thành địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước.

Bằng tất cả tình cảm, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc, đầu năm 2019, Ban liên lạc Sư đoàn 304 và Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã đi khảo sát và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại điểm cao 1062 (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Đoàn công tác phải cắt núi, băng rừng hơn 10km, đi bộ nửa ngày đường mới đến được điểm cao 1062. Trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ:

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304)

“Bộ đội ta chốt giữ ở điểm cao 1062 bị phi pháo của địch vùi lấp còn đang nằm ở trong các hầm, ngách giao thông hào chưa lấy được. Nguyện vọng trăn trở của chúng tôi là muốn làm sao cố gắng tìm kiếm, cất bốc anh em hy sinh ở trên đỉnh cao 1062 để đưa vào nghĩa trang hoặc đưa về địa phương của anh em nơi bắt đầu bước chân vào Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Ban liên lạc Sư đoàn 304 và Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã đi khảo sát và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại điểm cao 1062

Trận Thượng Đức bắt đầu từ 5h ngày 29/7/1974. Đến 8h30 ngày 7/8/1974, lá cờ Quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 đã phất phới bay trên chi khu Thượng Đức, báo hiệu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, trận chiến vẫn tiếp tục và còn kéo dài suốt 4 tháng sau đó. Chỉ một ngày sau khi Thượng Đức bị thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã lệnh cho sư đoàn dù vào đánh chiếm điểm cao 1062 (nay thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc). Cuộc chạm trán đầu tiên giữa lực lượng tinh nhuệ hai bên đã diễn ra từ ngày 18/8/1974 và kéo dài cho đến tháng 12/1974.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304)

Điểm cao 1062 là đỉnh cao của cuộc đọ sức giữa trung đoàn 66, trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 anh hùng, trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 anh hùng và sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến của địch. Nó trở thành biểu tượng chiến thắng của tập thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, 324 kiên cường. Diễn ra quyết liệt từ giữa cuối tháng 8 đến tháng 11/1974, điểm cao 1062 là cuộc đọ sức nảy lửa nhất, ác liệt nhất kể từ sau khi kí hiệp định Paris, mà sau này nhà văn Nguyễn Bảo, phóng viên chiến trường Thượng Đức đã mô tả lại trong tiểu thuyết “Đỉnh máu”:

Quân dù vốn được coi là “át chủ bài”, là “xương sống” của quân ngụy sau nhiều lần giành giật bằng chiến thuật “phản kích ào ạt” không có kết quả, rồi chuyển sang chiến thuật “lấn dũi” nhưng đều thất bại. Ngày 20 tháng 12 năm 1974, sư đoàn dù mình đầy thương tích rút chạy khỏi chiến trường. Đến tháng 2/1975, sư đoàn thủy quân lục chiến cũng rút khỏi điểm cao 1062. Kế hoạch “tái chiếm” Thượng Đức của địch bị bãi bỏ.

Thượng Đức là quận lỵ đầu tiên của chính quyền Việt Nam cộng hòa được ta giải phóng sau khi có Hiệp định Pa-ri.Chiến thắng Thượng Đức như tiếp thêm sức mạnh cho ta tiến tới tiêu diệt các cứ điểm Hòn Chiêng, Núi Gai, Động Mông, Lạc Sơn, Đá Hàm, ép địch lui về Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn. Nhờ sự giúp sức mạnh mẽ của Quân đoàn 2, lực lượng vũ trang Quảng Nam, Quảng Đà tiếp tục mở rộng vùng giải phóng ở huyện Điện Bàn, tây Tam Kỳ, Quế Sơn, bức hàng trung đội dân vệ Gò Đa, phá sập cầu Thủy Tú, Giao Thủy, Bà Bầu, đánh phá sân bay, đánh chìm tàu quân sự tại quân cảng Đà Nẵng…

Chiến thắng Thượng Đức đã mở toang “cánh cửa thép” bảo vệ phía tây Đà Nẵng, là đòn trinh sát chiến lược, khẳng định chủ lực ta đã đánh thắng lực lượng tinh nhuệ nhất của địch. Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công – nguyên Bí thư Khu ủy Khu 5 từng nói:

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một người lính thông tin đã từng hoạt động tại chiến trường Thượng Đức, hôm nay có dịp về thăm lại chiến trường xưa. Kí ức hào hùng của trận Thượng Đức gợi lại cho nhà thơ bao cảm xúc để rồi khi về Hà Nội, ông đã xúc động viết nên ca khúc “Đại Lộc tôi về”…

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha – người lính thông tin đã từng hoạt động tại chiến trường Thượng Đức

Như một nhân duyên với những người đã hy sinh, năm 2022 tôi được lên thăm Thượng Đức…Tôi có làm bài hát “Đại Lộc tôi về”. Tôi nghĩ rằng sự hy sinh của chúng ta là vô cùng lắm nhưng dù sao chúng tôi cũng đã có những giọt lệ để khóc thương một cách thật sự đối với những người đã hy sinh, và mãi mãi biết ơn các anh. Vì không có các anh sẽ không có Đại Lộc ngày hôm nay, mà lúc ấy những người lính của chúng tôi khi tham gia vào chiến tranh cũng chỉ mong đất nước mình sẽ có những ngày như ngày hôm nay”, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha xúc động chia sẻ.

Đúng như những ca từ trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, “Đại Lộc hôm nay đẹp như giấc mơ ngày xưa của tôi”, từ một vùng quê bước ra khỏi chiến tranh với nhiều cái không như: “không điện, không đường, không trường, không trạm”, đến nay các xã nằm trong chi khu quận lỵ Thượng Đức khi xưa như: Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng và Đại Sơn đã về đích nông thôn mới. Trên những cánh đồng, những đồi núi mà ngày xưa từng chứng kiến những trận đánh ác liệt, sức sống mới đang nảy nở một cách kỳ diệu. Những hạt giống của hy vọng và hòa bình đã được gieo xuống và đang từng ngày đơm hoa kết trái. Ông Nguyễn Hảo – Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết:

Ông Nguyễn Hảo – Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

50 năm trôi qua, nhưng kí ức về trận đánh Thượng Đức năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của những cựu chiến binh và người dân vùng B Đại Lộc. Những ngày này, nhiều hoạt động được tổ chức tại xã Đại Lãnh, nhiều đoàn cựu chiến binh từ khắp các tỉnh, thành về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập tự do cho quê hương. Ai ai cũng tay bắt mặt mừng bởi những đổi thay, những thành quả đạt được của quê hương sau 50 năm Thượng Đức được giải phóng. Người dân nơi đây, mặc dù từng trải qua những năm tháng khó khăn và thử thách, nhưng đã xây dựng lại cuộc sống của mình với sự lạc quan và hy vọng về tương lai.

Hoàng Anh – Trường Sơn

Đồ họa: Hiền Vi

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây