Trang chủĐất và người xứ QuảngSắc phong thời Tây Sơn ở vùng Tam Kỳ

    Sắc phong thời Tây Sơn ở vùng Tam Kỳ

    Ở huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ hiện còn mấy bản sắc phong, sắc chỉ lập vào thời Tây Sơn. Trong đó, ngoài các bản sao sắc phong lưu tại tộc Lê phường Trường Xuân đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng công bố, người viết vừa tìm thêm được bản chính của bốn đạo sắc cấp cho người vùng Tam Kỳ xưa.
    Hậu duệ ông Nguyễn Viết Kiểm làng Quảng Phú giới thiệu bản Sắc. Ảnh: PHÚ BÌNH
    Hậu duệ ông Nguyễn Viết Kế làng Quảng Phú giới thiệu bản Sắc. Ảnh: PHÚ BÌNH

    Hai bản sắc phong ở làng Chiên Đàn

    Tại nhà thờ chính của tộc Đống làng Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam Đàn, Phú Ninh), hậu duệ trực hệ còn bảo quản hai bản sắc phong thời Tây Sơn cho một người trong tộc là võ tướng Đống Công Trường.

    Sắc phong đầu được cấp vào năm Quang Trung thứ hai (1789) bị mối mọt làm hỏng phần đầu nên không còn nhận được tên, chức vụ và quê quán của người được ban sắc nhưng nội dung tỏ rõ sự nhất quán với đạo sắc thứ hai được ban cho ông Đống Công Trường vào năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793). Hai đạo sắc này đã được gia tộc nhờ Viện Sử học dịch. Nội dung phiên âm và dịch nghĩa như sau:

    Sắc phong ngày 21.12 năm Quang Trang thứ hai (1789) có nguyên văn: (Mất 13 chữ toàn dòng đầu tiên) củ hùng phong oai dương hảm hổ hoàng thái  nhất nãi tâm, (mất 1 chữ) miễn dõng cổ siêu cừ đầu thạch vi vương trảo nha hàm lệ ký trứ phỉ lao sư tích gia mậu thưởng khả thăng vi cai cơ Miên trường hầu. Nhĩ kỳ khắc địch quả nghị phỉ giải trì khu. Ô hô! Như ty như luân, tư ký vinh tích mệnh đồng thường đồng trạch nhĩ miễn đáo đương trung. Khâm tai! Cố sắc! Quang Trung nhị niên, thập nhị nguyệt, nhị thập nhất nhật. (Ấn: Sắc mệnh chi bửu).

    Dịch: “… Hùng mạnh, oai phong,… Một lòng một dạ, gắng sức mạnh mẽ, như bờ ngăn đá chắn, là nanh vuốt của vua, công lao đã rõ! Sao chẳng hậu thưởng? Đáng thăng làm Cai cơ, tước Miên trường hầu, người đã đi đầu, quả cảm cương nghị, rong ruổi vất vả. Ô hô! Như tơ như chỉ (ý nói sự lớn lao của lời khen tặng này – NV), đã vinh hiển, lệnh cho được cùng hàng áo mão, cùng ở (nguyên văn “đồng trạch”: ý nói được hưởng ân huệ của nhà vua – NV). Ngươi phải gắng gỏi để tỏ lòng trung. Kính thay! Ban cho sắc này!”.

    Sắc phong ngày 2.10 năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) có nguyên văn: “Sắc Thăng Hoa phủ, Kim hộ thuộc, Đức Hòa xã, A Vó thôn, Trung Thành đạo, Trung Nghĩa tiền cơ Cai cơ Đống Công Trường lịch tòng chiến trận, phả hữu cần lao, khả gia Anh Liệt tướng quân Chỉ huy sứ Miên Tài bá suất bổn quân phân sai bạc. Thảng quyết chức phất cần, triều chương cụ tại. Khâm tai! Cố sắc! Cảnh Thịnh nguyên niên, thập nguyệt, sơ nhị nhật. (Ấn: Sắc mệnh chi bửu)”.

    Dịch là: “Sắc cho Đống Công Trường, quê ở thôn A Vó, xã Đức Hòa, thuộc Kim Hộ, phủ Thăng Ba là Cai cơ của Tiền cơ Trung Nghĩa thuộc đạo quân Trung Thành, đã từng chiến trận, có công lao cần mẫn, đáng thưởng (danh hiệu) Anh liệt tướng quân, Chỉ huy sứ (tước) Miên tài bá. (Người phải) đốc suất các bộ phận quân dưới quyền mình sai bát cho tốt. Nếu trễ lười, không tròn chức trách, thì có ngay khuôn phép triều đình. Kính thay! Nay sắc. Ngày mùng 2 tháng 10 năm Cảnh Thịnh thứ nhất”.

    Nghiên cứu của tộc Đống làng Chiên Đàn đã chứng minh các vua thời Tây Sơn cấp hai đạo sắc trên chỉ duy nhất cho một người là ông Đống Công Trường và cho biết ông Trường thuộc một chi của họ Đống đã rời vùng Chiên Đàn đến ngụ cư tại thôn A Vó, xã Đức Hòa, thuộc (tương đương đơn vị tổng) Kim Hộ, phủ Thăng Hoa (nay là thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành).

    Bản sắc ở làng Quảng Phú

    Tại nhà ông Nguyễn Thanh Lê (SN 1958, ở khối phố Phú Phong phường An Phú, Tam Kỳ) có lưu bản chính một đạo sắc được cấp ngày 21.4 năm Quang Trung thứ tư (1791) có nguyên văn như sau: “Sắc: Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện, Quảng Phú xã tòng quân Trung Thủy cơ, Thắng Nhất hiệu, Thắng Tứ thuyền, lính phụng Nguyễn Viết Kế cung tiến duyên tiền tứ bách quan thiểu (?) tư binh dụng, ứng hứa vi Thủ Hợp bản thân như binh phân, hộ phân, kiều lương đạo lộ sưu sai chư vụ duy miễn kỳ phân. Tri quan cập bổn xã: xã chính, xã sử đẳng tịnh y tuân cứ. Nhược vi giả, hữu quốc pháp tại. Khâm tai! Cố sắc! Quang Trung tứ niên, Tứ nguyệt, Nhị thập nhất nhật. (Ấn: Sắc mệnh chi bửu)”.

    Dịch: Sắc ban cho (người) ở xã Quảng Phú, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa có tên Nguyễn Viết Kế là lính thuộc thuyền Thắng Tứ, hiệu Thắng Nhất, cơ Trung Thủy đã cung tiến bốn trăm quan tiền kẽm thiếu để dùng cho việc binh. Được cho giữ chức Thủ Hợp, các việc sưu sai liên quan đến việc binh, việc hộ, việc làm đường sá cầu cống đều được miễn. Các viên tri quan, xã chính, xã sử ở địa phương nói trên phải tuân theo sắc này. Nếu trái lệnh, sẽ có phép nước xử trị. Sắc đã ban ra! Hãy kính cẩn vâng theo! Năm Quang Trung thứ tư (1791) tháng Tư, ngày Hai mươi mốt. (NV dịch).

    Tìm hiểu qua bản lược đồ gia phả bằng chữ Nho lập khoảng cuối triều Nguyễn lưu tại gia tộc Nguyễn, biết được ông Nguyễn Viết Kế thuộc đời thứ bảy (tính từ ông thủy tổ tộc Nguyễn Văn là Nguyễn Văn Tô từ vùng Thanh Hóa vào khai phá vùng đất ven phía đông ngã ba sông Tam Kỳ lập nên xã hiệu Quảng Phú). Xã này, hồi đầu thời Nguyễn thuộc tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa; đến cuối thời Nguyễn thuộc tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Phú và xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ).

    Bản sắc ở làng An Hà

    Gia đình ông Nguyễn Văn Tân (ở khối phố An Hà Trung, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) – hậu duệ trực hệ của ông Nguyễn Văn Mạo hiện còn bảo quản bản chính một đạo sắc ký năm Quang Trung thứ Ba (1790) cấp cho ông Mạo có nguyên văn như sau: “Sắc: Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện, Hạ tổng, Tứ Chánh An xã, xã Huy Nguyễn Văn Mạo phả hữu thức tự, cần cán sự vụ bổn xã bảo trí (?) ưng hứa vi Xã sử, xướng suất xã nội trục hạng nhân số thường niên tri thu tô dung quan thuế chư vụ tòng bổn phủ phụng nạp. Nhược triển mạn bất cần cập ẩn hoặc nhũng tệ hữu tội. Khâm tai! Cố sắc! Quang Trung tam niên, Nhị nguyệt, Nhị thập cửu nhật. (Ấn: Sắc mệnh chi bửu)”.

    Dịch nghĩa: Sắc: Ở xã Tứ Chánh An, tổng Hạ, huyện Lễ Dương có xã Huy (Nguyễn Văn Mạo) là người có chữ nghĩa, siêng năng làm việc trong xã. (Nay) cho ông ta giữ chức Xã sử, có nhiệm vụ kêu gọi đốc thúc dân trong xã thực hiện việc xếp loại nhân số (để) tiến hành mọi việc thu tô dung, quan thuế để đem về phủ nạp. Nếu trễ nãi, khinh nhờn, không chuyên cần hay ẩn giấu hoặc nhũng lạm sẽ phải chịu tội. Đây là sắc mệnh đã ban! Hãy kính cẩn vâng theo! Năm Quang Trung thứ ba (1790) tháng Hai, ngày Hai mươi chín (NV dịch).

    Tên tổng và xã trong sắc này được ghi gọn (tổng Hạ: tổng Hưng Thạnh Hạ/ xã Tứ Chánh An: xã Tứ chánh An Hà); chưa rõ đây là cách ghi tắt hay do người viết sắc không rành địa danh trên vùng đất quê ông Nguyễn Văn Mạo?

     PHÚ BÌNH – QNO
    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU