Trang chủĐất và người xứ QuảngNhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng

Nhà lưu niệm chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước lưu giữ nhiều đồ vật cụ dùng lúc sinh thời.

Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng nằm bên đường quốc lộ 40B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35 km, về phía tây.

Đây là ngôi nhà cổ, tọa lạc trong khu vườn rộng 4.000 m2 do thân sinh cụ Huỳnh là Huỳnh Văn Phương xây dựng năm 1869, theo lối kiến trúc thời Nguyễn.

Ngôi nhà rộng khoảng 90 m2, gồm ba gian, hai chái. Nơi đây đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng giữ nguyên kiến trúc xưa. Trong nhà khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo.

Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, quanh bàn thờ có chạm khắc hoa văn cách điệu hình con dơi ngậm chuỗi vòng và một đôi rồng bằng gỗ mít. Chính giữa bàn thờ đặt mục chủ, đề tên các ông bà, thân nhân của cụ Huỳnh đã qua đời. Phía trước là mục thấp hơn, hiện thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Năm 1904, ông đậu Tiến sĩ; năm 1908, ông đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 13 năm mới được trả tự do.

Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, ông từ chức.

Năm 1927, ông thành lập tờ báo Tiếng Dân nhằm tuyên truyền đấu tranh yêu nước. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, ông làm Bộ Trưởng Bộ Nội vụ. Đến năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa một thời gian.

Năm 1947, ông mất tại Quảng Ngãi khi đi kinh lý Miền Trung. Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn, nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi.

Với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Sao vàng cho ông.

Trong ngôi nhà còn bảo tồn được không gian làm việc khi xưa của cụ Huỳnh cùng những đồ vật. Trong ảnh là chiếc kính, hộp đựng và đồng hồ của cụ sử dụng lúc sinh thời.

Một tờ báo Tiếng Dân được lưu giữ. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo này xuất bản tại Huế, đến 1943 bị chính quyền thời bấy giờ đình bản.

Báo Tiếng Dân là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Trong 16 năm hoạt động, tờ báo đã xuất bản 1.766 số. Báo Tiếng Dân đã tập hợp được nhiều trí thức có tinh thần dân tộc trở thành tờ báo có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội ở miền Trung và cả nước; thể hiện tiếng nói của xu hướng chính trị không phục tùng đường lối của thực dân Pháp và Nam triều.

Nhà lưu niệm trưng bày đôi guốc của cụ Huỳnh sử dụng trong năm công tác tại Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ. Đôi guốc này được làm từ phiên bản gốc trưng bày tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Những bức ảnh lúc cụ hoạt động trưng bày. Trong ảnh nhiều vị khách đến tham quan.

Ông Huỳnh Văn Thoàn, cháu của cụ Huỳnh thường ngày chăm sóc, trông giữ khu lưu niệm. Ông cho biết mỗi năm, nơi đây đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương.

Trước nhà và hai bên ngõ được trồng chè tàu. Chúng được cắt tỉa thẳng tắp, xanh ngắt, như nhắc nhớ người đời về tấm lòng của cụ.

Đến Tiên Cảnh ngoài tham quan nhà lưu niệm Cụ Huỳnh, du khách khám phá làng cổ Lộc Yên được hình thành và phát triển vào thế kỷ 15-16 với nhà gỗ, ngõ đá, bờ chè tàu và những vườn cây trái xanh mát.

Ngôi làng có tổng diện tích 279 ha, còn 8 ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít dựa vào lưng núi, phía trước hướng ra cánh đồng lúa rất thông thoáng. Tháng 9/2019, Lộc Yên được xếp hạng Di tích quốc gia và là một trong 4 làng cổ đẹp nhất Việt Nam.

Sơn Thủy

(VnExpress)

Bình chọn

ĐỌC NHIỀU