Truyền thống chí-ký-lục bằng Hán văn
Xứ Đàng Trong nói chung và xứ Quảng nói riêng trước đây chủ yếu được ghi chép trong những thư tịch bằng chữ Hán (Nôm). Mở đầu là tác phẩm “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi vào thế kỷ 15. Kế đó là “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc thế kỷ 16, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thế kỷ 18. Từ thế kỷ 19 về sau là những bộ thư tịch chí của Quốc sử quán triều Nguyễn như “Đại Nam nhất thống chí”, “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, “Đồng Khánh địa dư chí”… Trong đó, tài liệu chí-ký-lục của người Việt về xứ Quảng vào thế kỷ 17 hoàn toàn thiếu khuyết. Bổ sung cho sử liệu giai đoạn này chính là những tác phẩm “du ký” “Hải ngoại kỉ sự”, “An Nam cung dịch kỉ sự” của Trung Quốc và “Trú vĩnh biên” của Triều Tiên.
Về tác phẩm “Hải ngoại kỉ sự”, sách “Hải ngoại kỉ sự – sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII” do Viện Đại học Huế biên dịch (xuất bản năm 1963) ghi: “Nguyên bản in sách “Hải ngoại kỉ sự” do Thích Đại Sán biên soạn, hiện còn tàng trữ tại Đông Dương văn khố Nhật Bản và Quốc lập Trung ương đồ thư quán Trung Hoa”, “sách ấy ghi chép khởi đầu từ tháng 8 năm Giáp Tuất Khang Hi 33 (1694), lúc Đại Sán tiếp kiến Sứ giả Đại Việt tại am Trường Thọ Quảng Đông, cho đến khoảng tháng 11 năm Ất Hợi Khang Hi 34 (1695), lúc ông trở lại Thuận Hóa, vì ngược gió chưa trở về Quảng Đông được, thì chấm dứt”. Linh mục Cao Văn Luận đã đánh giá “Hải ngoại kỉ sự” là một sử liệu quý và tin cậy.
“An Nam cung dịch kỉ sự”, nhà nghiên cứu Vĩnh Sính cho biết, là “hồi ký” của Chu Thuấn Thủy viết về những sự việc xảy ra vào năm 1657, trong khoảng thời gian hai tháng rưỡi kể từ khi Chu bị quản thúc ở Hội An, kế đó được chuyển ra bản doanh của chúa Nguyễn ở Dinh Cát, cho đến khi được cho về lại Hội An”. Vĩnh Sính đánh giá đây là tác phẩm có “một sử liệu độc đáo trên nhiều phương diện”.
“Trú vĩnh biên” được ghi lại trong chính sử Triều Tiên vương triều thực lục năm Tân Hợi (1699). Tác phẩm chép câu chuyện vào “năm Đinh Mão (1687), dưới triều vua Túc Tông, một số người dân đảo Tế Châu, trong đó có Kim Thái Hoàng (Kim Tae-hwang) trên đường chuyển ngựa cống của Lí Thượng Toàn (Ly Son-zon), mục sứ của đảo, thì gặp gió bão và bị trôi dạt trên biển” sau cập vào đảo Cù Lao Chàm. Tiếp đó là những câu chuyện về sự tiếp xúc giữa những người trôi dạt này với người dân, chính quyền sở tại và cuối cùng được triều đình chúa Nguyễn cắt cử người đưa đoàn về cố quốc” (theo Thanh Lê, An ninh thế giới, số ra ngày 6.6.2007).
Bản tường trình khoa học
Thông thường các thư tịch chí-ký-lục nêu trên mang phong cách “văn-sử-triết bất phân”, là một truyền thống của tác phẩm Hán văn. “Xứ Đàng Trong năm 1621” của C.Borri đã mang đến một phong cách mới trong việc ghi chép về địa dư của một vùng đất – xứ Quảng, bởi C.Borri là một nhà truyền giáo cũng là một nhà khoa học – tham gia giảng dạy môn thiên văn và toán học tại Đại học Coimbra ở Bồ.
C.Borri sinh năm 1583 tại Ý, vào Dòng Tên năm 1601, qua Ấn năm 1615 và sau đó tới Đàng Trong. Đến năm 1622 thì về Macao. Trong quãng thời gian 1621 – 1622, ông đã viết một bản tường trình về xứ Đàng Trong bằng tiếng Ý và ấn hành năm 1631. Ngay sau đó, tác phẩm này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng: Pháp, Latinh, Hà Lan, Đức, Anh trong những năm 1631 – 1633 (dẫn theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị). Đến năm 1931, tác phẩm này được phổ biến ở Việt Nam thông qua tạp chí Đô thành hiếu cổ Huế (BAVH).
Tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621” của C.Borri đề cập toàn diện về vùng đất và con người xứ Đàng Trong, cụ thể chia thành 12 chương, mỗi chương là một lĩnh vực. Nội dung lần lượt là: 1: Về quốc hiệu, vị trí và diện tích của xứ này; 2: Về khí hậu và đặc tính lãnh thổ Đàng Trong; 3: Đất đai phì nhiêu; 4: Voi và tê giác; 5: Về tính tình, phong tục, tục lệ người Đàng Trong, cách sống, cách ăn mặc và thuộc men của họ; 6: Về hành chính và dân chính nơi người Đàng Trong; 7: Lực lượng của chúa Đàng Trong; 8: Về thương mại và các hải cảng ở xứ Đàng Trong; 9: Quan trấn thủ Quy Nhơn đưa các cha Dòng đến tỉnh ông cai quản và cho dựng một trú sở và một nhà thờ cho các cha; 10: Quan trấn tỉnh Quy Nhơn qua đời; 11: Thiên văn; 12: Đời sống tinh thần ở Đàng Trong. Mặc dù cấu trúc tác phẩm chưa thuận theo tuyến tính của sách địa chí nhưng khái quát lại cuốn sách này đã bao hàm vấn đề địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, tổ chức quốc gia – xã hội, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của một vùng đất như quy cách thông lệ hiện nay. Ngoài ra, tác phẩm này còn dành một chương (chương 13) trình bày “Về xứ Đàng Ngoài” mặc dù còn rất giản lược.
Đặc biệt, nếu không có thời gian đọc qua 13 chương trên, chỉ cần đọc phần kết luận, có thể hiểu biết tương đối về xứ Đàng Trong đầu thế kỷ 17. Đó là lãnh thổ có khí hậu và các mùa khác nhau rất dễ chịu để ở, đồng ruộng thênh thang, biển nhiều cá tôm, rất nhiều vàng, bạc, tơ lụa, kỳ nam và các thổ sản giá trị; thương mại rất phát triển nhờ nhiều hải cảng; quân đội hùng mạnh; dân cư dễ giao thiệp, không chạy trốn khi thấy người ngoại quốc như các dân tộc khác ở phương Đông, có tình và rất mực quảng đại, thông minh dĩnh ngộ; đời sống tôn giáo tín ngưỡng hết sức phong phú…
Chính nhờ giá trị sử liệu quan trọng, tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621” của C.Borri đã được nhiều người dịch sang tiếng Việt như Đỗ Quang Chính, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị, Thanh Thư… cùng nhiều lần xuất bản (năm 2014, 2016, 2019). “Xứ Đàng Trong năm 1621” của C.Borri là “sách gối đầu giường” cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử thời chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong nói chung và xứ Quảng nói riêng.