Trang chủChính TrịPhản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng nay 15.9, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Võ Xuân Ca và các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ – Pháp luật UBMTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan liên quan cùng tham dự.

Cùng với các địa phương trên cả nước, tại Quảng Nam, việc thực hiện Luật Đất đai năm 2013 cũng có những tồn tại như chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Quy hoạch treo đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bên cạnh quy hoạch treo, những khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Tại một số địa phương công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất thu hồi, gây khiếu nại, khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam

Theo các ngành chức năng việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai ngày càng diễn biến phức tạp. Tỷ lệ đơn thư khiếu nại trên lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm; số vụ án liên quan tới cán bộ lãnh đạo các cấp về đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hàng năm. Đây là vấn đề nổi cộm cần có giải pháp sửa đổi, bổ sung vào Luật đất đai nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bám sát, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, nhiệm vụ giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW trong đó có những nội dung mới cơ bản về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo luật cũng đặt ra những nội dung mới về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất; về hoàn thiện các quy định có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; về quản lý sử dụng đất nông nghiệp.

Các ý kiến của đại biểu tập trung nêu rõ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2013, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể nhằm sửa đổi Luật Đất đai sắp tới theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Các ý kiến đóng góp là cơ sở quan trọng để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét tổng thể về kỹ thuật lập pháp, các vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai năm 2013 để có những ý kiến góp ý quan trọng cho Ban soạn thảo trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.

Xuân Hiếu – Trần Chiến

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU