Sáng nay 7/12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm nhằm xem xét tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và bàn nhiều nội dung quan trọng khác theo luật định.
Tham dự phiên khai mạc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội Tạ Văn Hạ; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh; Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Võ Xuân Ca.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh hình hình có những thuận lợi, thách thức đan xen. Chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 11,2%, là mức tăng trưởng cao trong những năm qua; 08 chỉ tiêu kinh tế, môi trường đạt và vượt so với kế hoạch; Khu vực công nghiệp – xây dựng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng đạt 16,5%, trong đó, riêng ngành công nghiệp, chế tạo tăng 17,5%; Khu vực dịch vụ được phục hồi, tăng trưởng khởi sắc trở lại tăng 7% so với cùng kỳ, lượng khách tham quan, lưu trú tăng cao với hơn 4,7 triệu lượt khách, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ, đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế của tỉnh; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giữ ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng thấp 2,5%.
Thu ngân sách nhà nước năm 2022 tiếp tục vượt dự toán, tăng cao so với với kế hoạch đề ra, ước thực hiện thu nội địa 25.210 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 6.934 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trên 36.034 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường, chuyển đổi số được tăng cường; công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện…
Thay mặt UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế – xã hội năm 2022, trong đó nhấn mạnh, so với 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra năm 2022, dự kiến vượt đối với 5 chỉ tiêu quan trọng; nền kinh tế xã hội tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực; Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế; Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ; Khu vực xây dựng tăng trưởng khá, tuy còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy chịu ảnh hưởng yếu tố thời tiết bất lợi nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng, nổi bật: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 11,2%, thuộc nhóm các tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất của cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng khá cao so với cùng kỳ, vượt so với dự toán.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 19,1% so với cùng kỳ; Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được đẩy mạnh; Công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong khu kinh tế khu công nghiệp được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ; Công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọn; An sinh xã hội được bảo đảm, hỗ trợ kịp thời người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, thiết thực; Công tác thanh tra, giải quyết đơn thư được tập trung chỉ đạo giải quyết; Quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, chủ động…
Xác định năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và các Nghị quyết, Kết luận, Chương trình của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XXII. Nhìn nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, trong các nhiệm vụ chủ yếu của năm 2023, Quảng Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, khôi phục sản xuất, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão lũ, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi.
Đẩy nhanh thực hiện thủ tục các dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 thúc đẩy tăng trưởng. Khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định. Triển khai và thực hiện tốt công tác quy hoạch và chương trình chuyển đổi số, chính quyền số. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Cũng tại phiên làm việc sáng nay, thay mặt UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh lần lượt trình bày tình hình thu chi ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính – ngân sách 03 năm 2023-2025;Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 36/2021 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; Kế hoạch đầu tư công năm 2023, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; Kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; Kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Kỳ họp cũng nghe các báo cáo về tình hình công tác năm 2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; tình hình công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh; Báo cáo trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa X;Ủy ban MTTQVN tỉnh thông báo về kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2022.
Trong phiên họp chiều nay, Đại diện UBND tỉnh tiếp tục trình bày các Tờ trình: Đề án Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2026; Quyết định biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2023; Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành, nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.
Thông qua một số đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quy định mức chi cụ thể thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các Ban Kinh tế – Ngân sách; Ban Văn hóa – Xã hội; Ban Pháp chế; Ban Dân tộc HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các tờ trình, dự thảo nghị quyết trên lĩnh vực do ban phụ trách…
Ngày mai 8/12, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa X, buổi sáng, các đại biểu chia tổ thảo luận về các tờ trình, báo cáo, đề án trình kỳ họp. Buổi chiều, Kỳ họp tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Viết Tuyên – Quốc Thành