Trang chủChính TrịDân là gốc của cách mạng

Dân là gốc của cách mạng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến dân vận, công tác dân vận, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Thực tiễn hơn 40 năm xây dựng, đổi mới đất nước đã minh chứng cho quan điểm “dân là gốc” của mọi công cuộc cách mạng.

Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận

Cách đây 75 năm (ngày 15/10/1949), với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng. Bài báo thể hiện sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Người về bản chất dân chủ của Nhà nước ta – Nhà nước của dân, do dân, vì dân; đồng thời thể hiện sâu sắc phương châm, phương thức tiến hành công tác dân vận, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân – nhân tố có ý nghĩa quan trọng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Người đề ra sáu nhiệm vụ cần thực hiện ngay để vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giải quyết những khó khăn mà chính quyền non trẻ gặp phải, những nhiệm vụ đó thể hiện Người luôn luôn thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu là quan điểm bao trùm trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, công tác dân vận, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Người luôn ý thức rằng: dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết; dân là gốc của nước. Người xác định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhưng nhân dân cần có Đảng dẫn đường. Đảng có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp nhân dân, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng.

Ảnh tư liệu

Vì thế, trong bài “Dân vận”, Người đã nêu lên một luận điểm như một chân lý đối với cách mạng: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Dân vận với tầm quan trọng trong thực tiễn

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đổi mới trở thành dòng chủ lưu mang sắc thái riêng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đây, tư duy dân vận của Đảng được đổi mới rõ nét: Dân vận được tiếp cận một cách đa chiều hơn; nguồn lực, sức mạnh của nhân dân ngày càng được đánh giá đầy đủ, được phát huy phù hợp với đặc điểm thời cuộc và điều kiện mới của đất nước. Nhìn lại thực tiễn lãnh đạo cách mạng, nhất là thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã đúc rút kinh nghiệm: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986). Nguồn Internet

Qua nhiều kỳ Đại hội, đến Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định “quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nguồn Internet

Để hướng tới bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân, Đại hội XIII xác định “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân ”trên cơ sở tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người – coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Thực tiễn qua 94 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt gần 40 năm đổi mới đất nước (1986 – 2024), minh chứng giá trị lý luận và thực tiễn từ tác phẩm Dân vận, mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa Đảng với nhân dân là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm dân là gốc, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trần Ngọc Nhiều

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU