Chiều 30/9, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chủ trì buổi làm việc với các chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp để nghe báo cáo tiến độ thực hiện và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Dự họp có Phó Chủ tịch UBND Trần Anh Tuấn, lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của Quảng Nam hơn 8.884 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn năm 2024 cho các ngành và địa phương hơn 6.607 tỷ đồng, đạt gần 94%.
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 30/9/2024, vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân trên 3.623 tỷ/8.884 tỷ đồng, đạt trên 41%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo báo cáo, có 15 sở, ban, ngành và 5/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả tỉnh.
Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chậm do nhiều nguyên nhân như: điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài… ảnh hưởng đến việc triển khai thi công; công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư còn chậm, kéo dài; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; đơn giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, tình trạng thiếu đá, cát sỏi …
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có trách nhiệm của các tổ chức Đảng và người đứng đầu, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt…
Do vậy từ nay đến cuối năm áp lực giải ngân rất lớn; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các chủ đầu tư phải tập trung thực hiện 5 giải pháp cụ thể, trong đó các cấp uỷ, người đứng đầu đơn vị phải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, lãnh đạo điều hành soát xét tiến độ giải ngân một cách cụ thể.
Các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai được ở mức phải điều chuyển, thu hồi… thì người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị phải có trách nhiệm báo cáo giải trình với UBND tỉnh để điều chuyển hoặc thu hồi và theo đó xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân không làm tốt công tác giải ngân.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong những tháng cuối năm phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải ngân, 2 tuần một lần các chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ với UBND tỉnh. Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng, định mức về đền bù, GPMB. Đồng thời rà soát, xem xét nhà thầu nào không đủ năng lực thực hiện, chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản để UBND tỉnh xem xét, xử lý.
Trung Hiếu