Trang chủPhóng sựNước mắt ngày trở lại

Nước mắt ngày trở lại

 

Trong dịp kỷ niệm 40 năm khởi công xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh vừa qua, chúng tôi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đã đầy nếp nhăn và đen sạm vì nắng gió của rất nhiều người từng đồng cam cộng khổ trên công trường ngày ấy…

Ông Lê Doãn Chi xem lại những hình ảnh về một thời gian khó.
Ông Lê Doãn Chi xem lại những hình ảnh về một thời gian khó. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Theo kế hoạch, đúng 9 giờ sáng 25.3 UBND tỉnh mới chính thức tổ chức lễ kỷ niệm. Vậy nhưng, chưa tới 7 giờ dòng người đã nối đuôi nhau vượt con dốc dài để lên phía khán đài được dựng gần khu vực đập chính hồ chứa nước Phú Ninh. Trong số đó, đa phần là những người đã lớn tuổi, đến từ nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng 40 năm trước họ đã từng làm một chỗ, ăn một mâm, ngủ cùng chiếc chiếu và nếm trải biết bao cơ cực.

Đứng trên đồi Tư Yên thuộc địa phận xã Tam Đại của huyện Phú Ninh, ông Lê Doãn Chi (69 tuổi) ở số nhà 03 đường Hùng Vương (TP.Đà Nẵng) đảo mắt nhìn quanh bốn phía rồi trầm ngâm trước hồ nước trong vắt, rộng mênh mông. Dường như, ông đang hồi tưởng lại những ngày xưa cũ với quá nhiều kỷ niệm trên vùng đất này. Bất chợt, phía sau có một nhóm người đi tới, đồng loạt gọi tên mình, ông quay lại và ôm chặt từng người bạn một thời cùng trải qua bao gian khó, những giọt lệ cứ thế tuôn rơi. 

Cụ ông Trần Viết Tỵ (85 tuổi) - nguyên Phó ban B3 Đà Nẵng đã bật khóc khi xem những thước phim tài liệu.
Cụ ông Trần Viết Tỵ (85 tuổi) – nguyên Phó ban B3 Đà Nẵng đã bật khóc khi xem những thước phim tài liệu. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Ông Chi quê ở huyện Hòa Vang, năm 29 tuổi, khi đang làm Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ông nhận lệnh lên đường vào huyện Tam Kỳ cũ tham gia xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh. Ông bảo, trong suốt 9 năm ròng rã, từ 1977-1986, ông cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, người dân ở khắp nơi phải ăn bo bo, sắn và uống nước lấy từ các con suối để gánh đất đắp hồ, đắp kênh. Từ ngày công trình thủy lợi trọng yếu ấy khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay, vì bận bịu với cuộc mưu sinh nhọc nhằn, ông ít có dịp quay lại chốn xưa. Bây giờ, tìm về nơi này, ông thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay quá lớn. Nhưng, điều khiến ông hạnh phúc nhất là hơn 30 năm qua dòng nước trong xanh từ hồ chứa Phú Ninh đã theo các con kênh chảy về tưới mát rất nhiều cánh đồng của xứ Quảng. Vỗ vai tôi, ông Chi bộc bạch: “Thật lòng mà nói, sáng nay đi ngang qua các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh… thấy những đồng lúa xanh mơn mởn đang trổ đòng rộ, tôi mừng lắm. Ngày trước, do không có nước tưới, việc sản xuất của người dân ở mấy địa phương đó gặp rất nhiều khó khăn và tình trạng thiếu gạo ăn trong kỳ giáp hạt cứ thường xuyên xảy ra. Giờ đây, chuyện buồn ấy đã lùi vào quá vãng, bởi nước Phú Ninh liên tục mang lại cho nhà nông những mùa bội thu”.

Chụp ảnh lưu niệm tại bia ghi công những người đóng góp công sức, tiền của xây dựng hệ thống thủy lợi Phú Ninh.
Chụp ảnh lưu niệm tại bia ghi công những người đóng góp công sức, tiền của xây dựng hệ thống thủy lợi Phú Ninh. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Trước khi bước vào phần lễ chính thức, ban tổ chức cho chiếu những thước phim tài liệu về 40 năm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác đại công trình thủy nông Phú Ninh. Xem phim, nhiều người một thời trực tiếp tham gia thi công đã không khỏi bùi ngùi, xúc động vì quá khứ như ùa về trong tâm trí họ. Rút chiếc khăn nhỏ trong túi quần lau những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đã đầy nếp nhăn, cụ ông Trần Viết Tỵ (85 tuổi, hiện trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) tâm tình: “Tôi tham gia xây dựng hồ Phú Ninh từ tháng 3.1977 đến cuối năm 1982. Hồi đó, ở Đà Nẵng có 3 ban gồm B1, B2, B3 với tổng cộng 8.900 người được điều động vào đây thực hiện nhiệm vụ. Tôi là Phó ban B3, trực tiếp chỉ huy 1.700 người. Bây giờ, xem lại những thước phim tài liệu này, dù mắt hơi mờ nhưng tôi vẫn kịp nhận ra những người bạn cũ đã từng cùng với mình lăn lộn trên công trường suốt 6 năm trời. Hôm nay, về lại nơi đây, tôi chỉ gặp được vài người bạn xưa, còn phần lớn thì đã về cõi vĩnh hằng vì bệnh tật hoặc đau ốm, già yếu nên không đi được”.

Hồ Phú Ninh nhìn từ đồi Tư Yên. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG
Hồ Phú Ninh nhìn từ đồi Tư Yên. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG

Tuổi cao, sức yếu nhưng hôm 25.3 ông Nguyễn Cảnh Dinh – nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi vẫn cố gắng về Quảng Nam tham dự lễ kỷ niệm và có đôi lời tâm sự cùng cán bộ, nhân dân địa phương cũng như những người bạn cũ. Ông Dinh nói: “Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh là một kỳ tích của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, đây thực sự là một biểu tượng lớn của ý Đảng và lòng dân. Đã 40 năm trôi qua, bây giờ kẻ còn, người mất nhưng công lao to lớn của hàng vạn người tham gia đóng góp công sức, tiền của để xây dựng hệ thống thủy lợi trọng yếu này thì không ai có thể quên, như những lời khắc trên bia đá mà hôm nay lãnh đạo tỉnh đã cho dựng lên ngay tại khu vực đập chính của hồ chứa nước Phú Ninh”. Dứt lời, ông Dinh đưa tay chùi vội những giọt lệ đang ngấn trên hai bờ mi…

Những cột mốc trong quá trình xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh

– Ngày 23.2.1977: Bộ Thủy lợi lúc bấy giờ chính thức trình Nhà nước nhiệm vụ thiết kế công trình.

– Ngày 25.3.1977: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) chính thức phê duyệt nhiệm vụ.

– Ngày 29.3.1977: Khởi công xây dựng kênh mương công trình Phú Ninh.

– Ngày 14.7.1977: Khởi công xây dựng công trình đầu mối bằng loạt nổ 29 phát mìn tại chân đèo Tư Yên thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh bây giờ.

– Ngày 29.3.1979: Hợp long chặn dòng sông Tam Kỳ.

– Ngày 8.7.1979: Nước qua cống Nam, đánh dấu ngày đầu tiên phát huy tác dụng của công trình.

– Ngày 20.4.1983: Nước về đến Duy Xuyên, báo hiệu dòng nước Phú Ninh chảy thông toàn tuyến kênh chính Bắc.

– Ngày 1.5.1983: Nước qua cầu máng Tam Hòa để tưới cho vùng khó khăn nhất về nguồn nước ngọt. Và cũng trong ngày này, điện từ nhà máy thủy điện Phú Ninh chính thức hòa được lưới điện Tam Kỳ.

– Ngày 15.6.1983: Nước qua cầu máng Trường Giang để tưới vùng cát phía đông Tam Kỳ.

– Ngày 31.12.1985: Toàn bộ công trình đã căn bản hoàn thành.

– Ngày 27.3.1986: Tổ chức lễ khánh thành công trình đại thủy nông Phú Ninh.

 

(Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU