Trang chủPhóng sựQuy hoạch lại khu dân cư miền núi: Cần mang tính bền vững

Quy hoạch lại khu dân cư miền núi: Cần mang tính bền vững

 

Là một trong những chương trình nằm trong Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh về phát triển KTXH miền núi giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020, việc di dân, giãn dân, bố trí tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi có ý nghĩa then chốt để giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế lâu dài. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết, khi những mô hình tái định cư trước đó của các thủy điện đã thất bại. Báo Quảng Nam đã có cuộc khảo sát tại các khu tái định cư mới ở các huyện miền núi cùng các ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Những khu tái định cư mới được xây dựng khang trang với hệ thống điện, đường bê tông... sẽ giúp bà con ổn định được cuộc sống, tìm đường thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Khu tái định cư thôn 1A, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.Ảnh: N.D
Những khu tái định cư mới được xây dựng khang trang với hệ thống điện, đường bê tông… sẽ giúp bà con ổn định được cuộc sống, tìm đường thoát nghèo bền vững. Trong ảnh: Khu tái định cư thôn 1A, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.Ảnh: N.D

ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN AN SINH CHO DÂN

Đối với những vùng miền núi cao, có mật độ dân số thưa thớt thì việc bố trí tái định cư, sắp xếp tập trung thành một khu dân cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm là hết sức cần thiết để giúp người dân có thể ổn định cuộc sống và dần dần thoát nghèo.

Gom lại để phát triển

Ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – cho biết, hơn 70% dân số ở huyện thuộc diện đói nghèo (theo chuẩn đa chiều), việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cơ bản của nhân dân còn rất hạn chế, tình trạng du canh, du cư và một số phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại ở các thôn nóc vùng sâu, vùng xa. Do phân bố dân cư rải rác, việc đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh rất khó khăn vì chi phí đầu tư quá lớn, vượt khả năng của ngân sách.

Theo thống kê đến năm 2015 toàn huyện mới có xấp xỉ 25% số hộ được sử dụng điện, khoảng 25% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhiều thôn nóc phải duy trì tình trạng dạy ghép để học sinh có điều kiện đến lớp, các thiết chế văn hóa thể thao còn rất tạm bợ. Toàn huyện hiện có 10 xã, 42 thôn, với 224 điểm dân cư phân bố rải rác, mật độ dân số không đồng đều. Mới chỉ có 59 điểm dân cư có đường giao thông đến khu dân cư; hầu hết các điểm dân cư đều chưa có đường giao thông nội bộ. Nếu giữ nguyên hiện trạng như hiện nay thì cần đầu tư thêm 348km đường giao thông các loại. Hầu hết điểm dân cư chỉ có phòng học tạm, do vậy để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh tại các khu dân cư cần đầu tư thêm 333 phòng học, phòng công… “Vì vậy, huyện đã có đề án để di dời, tập trung dân từ 224 điểm vào 115 khu dân cư để người dân có thể hưởng lợi từ những điều kiện cơ sở hạ tầng cũng như sinh hoạt được ổn định. Làm như thế cũng sẽ tiết kiệm được ngân sách mà hiệu quả cao”- ông Bửu cho hay.

Ở huyện Phước Sơn cũng đang đẩy mạnh triển khai công tác di dân, giãn dân, bố trí lại dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2013-2016, UBND huyện đã thực hiện giãn dân, bố trí sắp xếp dân cư tại 12 điểm định canh định cư tập trung trên địa bàn, với tổng kinh phí 39.914 triệu đồng/396 hộ. “Chúng tôi tranh thủ lồng ghép từ các nguồn vốn Chương trình 135, Nghị quyết 30a, xây dựng cơ bản tập trung và ngân sách tỉnh hỗ trợ để làm chương trình này. Tùy theo từng trường hợp cụ thể của mỗi khu dân cư và tập quán của người dân để có cách bố trí hợp lý, đúng với quy hoạch. Quan trọng là để giúp người dân có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống”, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói.

Khu dân cư mới của thôn 4A, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn vừa mới được hoàn thiện với hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt cho hơn 66 hộ dân tập trung về đây sinh sống. Trước đây, 66 hộ dân này phân bố rải rác ở lưng chừng núi, thiếu thốn nước sinh hoạt, đường sá đi lại khó khăn thì nay đã có hạ tầng cơ bản. Bà Hồ Thị Nhum, 67 tuổi cho biết: “Ở làng cũ nền bằng đất, mưa xuống là nhão nhoẹt, không đi được. Nước thì lúc có lúc không vì đường ống thường xuyên bị bể. Giờ có nhà mới, đường bê tông, sàn nhà cũng được láng xi măng rồi. Chỉ thiếu nhà vệ sinh nữa thôi” – bà Nhum nói.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, mỗi hộ khi di dời từ nơi ở cũ về ở đây sẽ được hỗ trợ 15 – 20 triệu đồng để làm kinh phí dựng nhà. Đây là nguồn kinh phí của huyện trích ra từ ngân sách để hỗ trợ. “Ngoài những khu dân cư đang được đầu tư xây dựng thì huyện cũng đã có bản danh sách, đề án xây dựng 8 điểm dân cư khác ở Phước Kim, Phước Lộc, Phước Công… Tùy theo từng trường hợp, đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương để giãn ra hay gom lại, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống” – ông Hà cho biết.

Sắp xếp theo ý của dân

Việc sắp xếp, bố trí tái định cư cho dân tộc miền núi đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, có ý kiến chủ trương hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng để họ tự cơi nới, sắp xếp. Tuy nhiên, nếu thực hiện như trên thì lại rất khó cho địa phương, bởi họ cầm tiền nhưng không chịu làm nhà thì sao? “Hơn nữa, họ làm nhà rải rác ở khắp sườn núi thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ rất tốn kém, khó cho huyện. Vậy nên, sau khi lấy ý kiến của dân, huyện sẽ chọn địa điểm, san ủi mặt bằng và bố trí dân cư cho hợp lý” – ông Hà kiến giải.

Vì vậy, Phước Sơn chọn cách làm là lựa chọn mặt bằng (chủ yếu là từ mặt bằng cũ rồi cơi nới rộng hơn) theo ý kiến của người dân. Qua những cuộc họp dân, thống nhất ý kiến của họ, rồi huyện mới bắt đầu làm. Như ở thôn 1A, xã Phước Thành cũng đang trong giai đoạn lấy ý kiến của người dân trong việc sắp xếp lại khu dân cư. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 130 hộ, nhưng thực chất đã có đến hơn 150 gia đình sinh sống. “Là bởi không còn đất để con cái khi lấy chồng, lấy vợ tách thửa ra ở riêng nữa nên đành ở chung với cha mẹ. Thành ra trên hộ khẩu là hơn 120 hộ nhưng nếu tách ra thì cũng được gần 160 hộ”,  ông Hồ Công Điểm – Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho hay.

“Nếu cơi nới, mở rộng mặt bằng để bố trí lại khu dân cư cho người dân thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Như gia đình tôi chỉ có được 40,2m2 đất, rất chật chội. Giờ được nâng lên 100m2 thì thoải mái hơn nhiều. Hơn nữa, khi mở rộng diện tích, sẽ có nhiều người có đất để xây dựng gia đình riêng, đó là điều rất phấn khởi. Nhưng một số người vẫn sợ, bởi tâm lý ngại thay đổi, sợ phải làm lại một ngôi nhà mới nên còn chần chừ” – anh Trần Thanh Bảo, trú tại thôn 1A, xã Phước Thành nói.

Để tránh việc bố trí tái định cư bất hợp lý, không hợp với lòng dân dẫn đến tình trạng người dân bỏ sang nơi khác, gây lãng phí như thời gian trước đây, các huyện miền núi chú trọng hơn trong việc khảo sát địa hình cũng như tham khảo ý kiến của người dân. “Ở Nam Giang đã tiến hành xây dựng 3 khu tái định cư mới ở Chà Vàl, Pà Xua và Ta Bhing. Tiêu chí của mỗi khu tái định cư là được bố trí, sắp xếp thế nào cho hợp lý, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất để họ có thể ổn định cuộc sống, sản xuất” – ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thông tin.

Ông Võ Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Tái định cư không tách rời truyền thống văn hóa

Có những khu tái định cư trước đây do các công trình thủy điện xây dựng được xem là “phố giữa rừng”, nhưng cuối cùng cũng bị phá sản. Đó là bởi họ chưa tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán của người dân. Người dân ở miền núi của Quảng Nam xưa nay đều gắn liền với rừng. Rừng không chỉ là sinh kế, sinh lợi mà còn gắn bó mật thiết với những phong tục của họ từ xa xưa. Vì vậy, khi bố trí tái định cư thì ngoài những yếu tố như: đường giao thông, điện, nước, trường, trạm thì phải cố gắng bố trí khu đó gần với rừng, nơi họ sản xuất cho hợp lý.

Hiện nay, trong số những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế – xã hội ở miền núi thì việc bố trí sắp xếp lại khu dân cư được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Tỉnh đã quyết định hỗ trợ 150 tỷ đồng để quyết tâm làm được việc này, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó chủ tịch HĐND tỉnh: Nên hạn chế những can thiệp cơ giới hóa vào khu tái định cư

Mỗi tộc người có một phong tục riêng rất khác nhau, nên khi bố trí, sắp xếp tái định cư cho dân cần phải chú ý đến những vấn đề này. Ví dụ như ở Nam Trà My, người dân thích ở cách xa nhau cho thoải mái thì ngược lại, ở Phước Sơn lại thích được ở quây quần với nhau thành một khu đông đúc. Chính vì vậy, cần có cách sắp xếp hợp lý, quan trọng là đúng theo ý của họ.

Người dân có tâm lý sợ thay đổi lớn, nên nếu có thể thì tổ chức xen kẽ. Nghĩa là trên khu đất đồi cũ của họ ở bao lâu nay, mình chỉ nên mở rộng thêm mặt bằng cho những người không có đất để tách hộ, đồng thời mở rộng diện tích để người dân có thêm không gian sống. Như thế cũng sẽ giảm bớt được chi phí san lấp mặt bằng, vừa hợp ý của người dân. Nên lưu ý là cố gắng để mỗi nhà vẫn có được một mảnh vườn nhỏ, khu vệ sinh…, tối thiểu cũng từ 100m2 trở lên.

Nói chung, gọi là sắp xếp lại nhưng nếu hạn chế được sự can thiệp của cơ giới hóa vào môi sinh, môi trường sống của người dân được chừng nào thì tốt chừng đó.

Ông Đinh Văn Hươm – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: Cần bố trí theo thế mạnh sản xuất của người dân

Ngoài những yếu tố tiên quyết là điện, nước sinh hoạt, nước sản xuất và đất nông nghiệp bố trí hợp lý cho người dân thì cần lưu ý đến việc họ cần gì, thế mạnh là gì để từ đó phát huy thế mạnh từng khu vực. Ví dụ như ở khu này, người ta mạnh về trồng lúa nước, các nguồn thủy lợi cũng thuận tiện thì khi sắp xếp khu dân cư phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy triệt để vấn đề này.

Tương tự, cũng có những khu vực người dân chỉ trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, trang trại như Pachepalanh, Cút Chrun… thì mình cũng men theo đó mà có cách bố trí hợp lý nhất. Bởi cái quan trọng nhất, muốn bền vững lâu dài thì phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ sinh sống. Sự thay đổi, xáo trộn trong cuộc sống, sản xuất ít chừng nào thì tốt chừng đó. Một khi đảm bảo được những điều này thì phát triển sẽ bền vững.

KINH NGHIỆM TỪ TÂY GIANG

Tây Giang là một trong những huyện đầu tiên thực hiện bố trí lại khu dân cư và đạt được kết quả rất đáng khích lệ, hình thành những khu dân cư hợp lý, được sự đồng thuận của người dân.

Làng Arầng 1 (xã A Xan, Tây Giang) được hình thành từ việc bố trí dân cư tập trung. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Làng Arầng 1 (xã A Xan, Tây Giang) được hình thành từ việc bố trí dân cư tập trung. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Lập khu dân cư gắn với đất sản xuất

Theo ông Arất Blúi, năm 2003, khi mới tái lập huyện, dân cư chủ yếu sống rải rác theo từng nhóm hộ có quan hệ huyết thống. Mỗi thôn có vài điểm dân cư sống cách xa nhau từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ đi bộ, lại không gắn với vùng sản xuất (chủ yếu là du canh) nên đời sống người dân gặp vô cùng khó khăn, như: nhà ở tạm bợ, nguy cơ sạt lở cao, thiếu nước sinh hoạt, đường giao thông đến thôn chủ yếu là đường bộ, công tác vệ sinh phòng bệnh chưa đảm bảo, học sinh bỏ học nhiều do chưa có trường lớp tập trung… Bên cạnh đó, việc sống rải rác gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không được đồng bộ, suất đầu tư lớn…

“Xuất phát từ thực tế đó, Đảng bộ huyện Tây Giang xác định, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, không còn cách nào khác là phải tập trung quy hoạch tổng thể và chi tiết từng lĩnh vực, trong đó ưu tiên hàng đầu là phải làm sao cho người dân ổn định được chỗ ở, ổn định được đất canh tác. Quan trọng nhất là phải đảm bảo được 2 yếu tố cơ bản: đất và nước. Đất ở đây được hiểu là đất ở (định cư), đất sản xuất (định canh) và nước ở đây là nước sinh hoạt và nước cho người dân sản xuất. Một khi họ có đủ 2 điều kiện này thì việc sinh sống, canh tác sẽ đảm bảo hơn” – ông Blúi chia sẻ.

Với phương châm “nơi nào có đất ruộng, có đất sản xuất, nơi đó có nhân dân”, huyện xác định các địa điểm xây dựng khu dân cư tập trung để người dân định canh, định cư lâu dài, ổn định bền vững và phát triển. Đến nay, huyện đã san ủi và bố trí dân cư ổn định tại 70 mặt bằng, với hơn 3.353 hộ. Bên cạnh việc định canh – định cư cho người dân thì chính quyền cũng đã khai hoang, mở rộng diện tích đất cho trồng trọt và chăn nuôi cho dân. Có đất, người dân sẽ ổn định an ninh lương thực tại chỗ, hạn chế việc phá rừng già, rừng đầu nguồn để làm nương rẫy. Đến nay huyện đã tổ chức khai hoang được gần 50ha ruộng nước để cấp lại cho nhân dân phục vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành 90 mô hình chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện. Ngoài ra huyện còn đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa các công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng…

Phát huy vai trò của dân

Một thực tế mà lâu nay các khu tái định cư, đặc biệt là khu tái định cư của các thủy điện đang gặp phải, chính là việc bố trí không hợp lý giữa đất ở và đất sản xuất cho người dân. Từ chỗ ở đến rẫy canh tác cách nhau cả mấy tiếng đồng hồ đi bộ thì sẽ rất khó khăn cho việc sản xuất của người dân. Hơn nữa, như một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Phước Sơn nói, cứ xây nhà theo kiểu của mình rồi bắt người dân vào ở mà chẳng hề quan tâm đến những phong tục, tập quán của họ ra sao thì rất khó để người dân ở lâu dài.

Theo ông Lê Hoàng Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, rút kinh nghiệm từ những lần trước, huyện luôn gắn việc sắp xếp khu dân cư với đất canh tác. Địa điểm quy hoạch bố trí định cư cho người dân phải phù hợp với quy hoạch sản xuất và điều kiện của từng địa phương. “Trong công tác quy hoạch cần tham khảo các ý kiến của người dân, đồng thời phải tính toán có nguồn nước sinh hoạt để dẫn về điểm định cư và thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất. Đặc biệt là phải phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa bản địa của mỗi dân tộc” – ông Linh nói.

Một kinh nghiệm mà huyện Tây Giang đúc rút được trong quá trình bố trí và sắp xếp dân cư tại địa phương, chính là phát huy vai trò của người dân. Bởi họ chính là những người hiến đất, hoa màu, nhà cửa…, góp phần giảm kinh phí cho việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng. Nhất là phải phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng thôn, kiên trì tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, thuyết phục. Huyện làm một việc chưa đâu có, là chỉ đạo các xã lập một “sổ vàng” để ghi chép đầy đủ những cống hiến của từng hộ dân trong việc xây dựng các công trình tại thôn và kịp thời động viên, biểu dương khen thưởng đối với những tập thể và cá nhân làm tốt công tác này.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại mỗi điểm tái định cư cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm theo hướng này mà tùy theo điều kiện từng nơi để có cách đầu tư có trọng điểm, không dàn trải. Trường hợp thiếu vốn thì có thể ưu tiên thực hiện các hạng mục theo lộ trình ưu tiên: mặt bằng, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, điện, thoát nước. “Việc xây dựng các điểm định canh, định cư tuy ban đầu gặp khó khăn về kinh phí (do đầu tư san ủi mặt bằng), công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất đai, nhà cửa, hoa màu… Tuy nhiên khi đã thực hiện được san ủi bố trí tái định cư thì kinh phí xây các công trình phúc lợi khác như điện, nước sinh hoạt, đường giao thông… phục vụ cho người dân sẽ giảm đáng kể, mà suất hưởng lợi sẽ nhiều hơn vì được đầu tư tập trung, không dàn trải” – ông Lê Hoàng Linh nói. (Nguồn: baoquangnam.gov.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU