Cũng như nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơtu Quảng Nam có trang phục rất riêng, đàn ông đóng khố, cởi trần, phụ nữ chỉ buộc một mảnh vải như cái yếm để che ngực, váy ngắn đến đầu gối… Những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa người Cơ Tu đã góp phần tạo nên bức tranh …
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên dãy Trường Sơn, đồng bào Cơtu Quảng Nam có trang phục rất riêng, đàn ông đóng khố, cởi trần, phụ nữ chỉ buộc một mảnh vải như cái yếm để che ngực, váy ngắn đến đầu gối… Những trang phục mang đậm bản sắc văn hóa người Cơ Tu đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, Quảng Nam đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những trang phục thổ cẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ tu, nhất là trong các dịp lễ hội.
Trang phục của các cô gái Cơ tu trong lễ hội Mừng lúa mới. |
Làng truyền thống Cơtu Tây Giang, mở hội “Mừng Lúa Mới”, từ sáng sớm, các cô gái Cơtu đã chọn cho mình những bộ thổ cẩm truyền thống đẹp nhất, để đem ra mặc tại lễ hội. Bên cạnh bộ thổ cẩm, các cô gái Cơtu còn điểm thêm vòng hạt cườm, vòng đá trang sức quanh cổ. Và kèm theo đó là những chiếc nơ thắt ngang, giữ cho mảnh vải che ngực thêm chắc chắn …Trong trang phục thổ cẩm dành cho ngày hội thật sặc sỡ, các cô gái nhanh chóng hòa mình vào điệu tung tung za zá đầy quyến rũ. Đây được coi là một hình ảnh đẹp, một điểm nhấn của lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Cơtu. Chị Bling Hon-xã Gary, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Khi được mặc bộ trang phục Cơtu em thấy rất là vui, khi khoác lên bộ đồ này thì lúc đó tinh thần người Cơtu, những nét đẹp văn hóa người Cơtu đều gom hết trên người mình, mình cảm thấy rất tự hào.
Dân tộc Cơtu ở Quảng Nam tập trung tại 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nếu như trước đây, việc sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống thường diễn ra trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày. Thì ngày nay, hình ảnh thanh niên cởi trần đóng khố, phụ nữ mặc váy ngang đầu gối, che ngực, chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội. Thay vào đó cách ăn mặc của đồng bào Cơtu, đặc biệt là giới trẻ tại các huyện miền núi Quảng Nam đang âu hóa dần. Anh Pơ Loong Hiếu, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam cho rằng: Mặc đồ như thế này (âu phục) thì thấy gọn gàng hơn, đi chơi cũng thuận tiện và dễ hơn rất nhiều.
3 năm trở lại đây, việc khôi phục các lễ hội truyền thống như: Mừng lúa mới, tình đoàn kết anh em, dựng đất lập làng…cũng như việc khôi phục các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống như : Za Ra, huyện Nam Giang, Đhơ Rồng huyện Đông Giang và Tà Vàng huyện Tây Giang, được lãnh đạo các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và ngành Văn hóa tỉnh Quảng Nam chú trọng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy những trang phục thổ cẩm đặc sắc của đồng bào dân tộc Cơ tu. Ông Đỗ Tài – Chủ tịch UBND huyện Đông cho biết thêm hướng bảo tồn và phát huy văn hóa Cơtu: Trong nghị quyết có quy định một số văn hóa đặc sắc, bảo tồn theo hướng cha truyền con nối, thông qua việc người dân trực tiếp dạy lại cho người dân và hiện nay chúng tôi đang phát triển ở thôn Bhơ hồồng, các nghệ nhân dạy lại cho các em, các cháu.
Khôi phục các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Cùng với các cách làm trên, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quy định về việc mặc trang phục truyền thống đối với học sinh theo học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú và các điểm trường có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số. Với mong muốn giáo dục cho các em tình yêu, lòng tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, do những bất tiện của các bộ trang phục đối với nam, sự nóng bức khi khoác những tấm vải dày đối với nữ, nên việc một bộ phận giới trẻ Cơtu ở Quảng Nam không còn mặn mà với trang phục truyền thống cũng là điều dễ hiểu. Do đó, cùng với việc phục dựng các lễ hội, mở rộng quy mô các làng nghề dệt thổ cẩm …thì việc quy hoạch, thiết kế nhiều sản phẩm thổ cẩm đẹp, phù hợp với yếu tố thị trường, thị hiếu của lớp trẻ và quy định về những nơi, những dịp bắt buộc phải mặc đồ thổ cẩm truyền thống cũng cần được các địa phương tính đến.
Tấn Sỹ