Không chỉ khó khăn trong việc đi lại do sạt lở đất, hàng trăm héc ta hoa màu cùng nhiều nhà cửa của người dân tại các địa phương miền núi cũng bị hư hại, mất trắng hoàn toàn sau mưa lũ.
Sạt lở đất gây tắc đường lên các xã vùng cao Bắc Trà My. Ảnh: M.C |
Nhiều ngày qua, ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài khiến hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại các tuyến đường huyết mạch lên các huyện miền núi Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My,… Do lượng đất đá đổ xuống rất lớn nên việc đi lại của người dân trở nên khó khăn. Trong khi đó, tại một số điểm sạt lở tại tuyến đường từ xã Phước Hiệp lên thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) gây tắc đường trong suốt nhiều ngày liền. Tình trạng này khiến không chỉ gây cô lập đường sá vùng cao mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân do tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm cung ứng từ miền xuôi lên.
Tại hầu hết khu vực xảy ra sạt lở, hàng chục chiếc xe ô tô nối đuôi nhau suốt nhiều ngày liền chờ thông tuyến. Nhiều hành khách trên các chuyến xe Bắc – Nam cũng tỏ sự mệt mỏi khi phải chờ trong khoảng thời gian khá dài do tắc đường. Anh Ngọc Tân, một hành khách trên chuyến xe đi từ TP.Đà Nẵng lên Gia Lai tâm sự, phải mất một đêm dài anh cùng nhiều hành khách khác cùng ngủ trên xe giữa rừng để chờ thông tuyến tại điểm sạt lở gần thị trấn Khâm Đức. Do khu vực sạt lở cách xa khu dân cư nên nhiều hành khách phải ăn tạm mì tôm sống để đỡ đói, rất vất vả. “Mưa lũ khiến công việc của mình bị chậm trễ, khổ quá!” – anh Tân chia sẻ.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều đoạn đường đi lên các huyện miền núi cơ bản đã được thông tuyến, nhưng vẫn đang trong tình trạng bùn đất lầy lội, với ngổn ngang đất đá tràn xuống từ ta luy dương. Để đi qua các đoạn đường này, người dân chỉ còn cách băng qua dắt bộ xe máy, thậm chí “mở” thêm đường tránh nhỏ cạnh hố sâu phía ta luy âm đầy hiểm họa. Tại huyện miền núi Nam Giang, mưa lũ cũng khiến hàng chục cây số đường đất lên các xã biên giới La Êê và Chơ Chun “ngập” trong bùn đất trơn trượt. Xe máy không thể lưu thông, người dân địa phương buộc phải vượt bộ hàng giờ đồng hồ để xuống trung tâm xã hoặc mua thực phẩm từ xã Chà Vàl. Chứng kiến cảnh những ông bố, bà mẹ dắt tay con đến trường mới thấy hệ lụy của mưa lũ không hề nhỏ đối với đồng bào vùng cao.
Người dân ở xã Chơ Chun (huyện Nam Giang) lội bùn đất đưa con đến trường. Ảnh: C.R |
Theo ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, trong đợt mưa lũ vừa qua, ngoài xảy ra tình trạng sạt lở ở nhiều tuyến đường và khu dân cư, tại địa phương còn có nhiều diện tích lúa nước, hoa màu của người dân bị sạt lở nặng, cuốn trôi hàng nghìn cây keo vài năm tuổi. Đó là chưa kể nhiều công trình mặt bằng, hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. “Mưa lũ cũng làm một ngôi nhà của người dân ở thôn Bhlố, xã A Vương bị vùi lấp hoàn toàn, cùng nhiều khối đất đá tràn xuống nhà các hộ dân ở xã Ch’Ơm. Trước tình hình mưa lũ phức tạp, chính quyền địa phương đã kịp thời huy động lực lượng dân quân cơ động, các đội thanh niên xung kích đến hỗ trợ, giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, nạo vét bùn đất và khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ” – ông Blúi cho biết thêm.
Hệ lụy của mưa lũ trong ở vùng cao còn kéo theo nhiều mặt hàng lên giá khi các chuyến xe cung ứng lương thực, thực phẩm không thể lên được do nhiều đoạn đường huyết mạch bị chia cách, cô lập. Bên cạnh đó, người dân vùng cao còn đang đối mặt với những hiểm họa từ tình trạng sạt lở đất khi ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt tại các khu vực dân cư, đường giao thông nông thôn,… Dù công tác khắc phục đang được triển khai đầy nỗ lực từ chính quyền địa phương, nhưng xem ra hậu quả của các đợt mưa lũ vẫn còn để lại nhiều nỗi lo cho người dân miền núi, nhất là khó khăn trong việc đi lại, cũng như những thiệt hại nặng nề về nông nghiệp và nhà ở. (nguồn: quangnam.gov.vn)