Bão số 6 đã đang ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam. Tại các huyện miền núi từ ngày 26/10 đến sáng 27/10, các giải pháp phòng chống bão, nhất là đề phòng sạt lở núi đã được chính quyền địa phương triển khai rất quyết liệt.
Từ sáng sớm, ông Lê Tấn Cưởng, tổ trưởng tổ dân phố Đàng Bộ đã đến từng nhà để vận động 5 hộ dân chuẩn bị phương án di dời. Đây là điểm sạt lở thường xuyên ở khu vực phía Tây thị trấn Trà My. Nhiều năm nay, nơi đây thường xuyên xảy ra sạt lở, do đó khi có thông tin về cơn bão số 6, ông Cưởng và bà con dân phố đã chủ động phương án di dời.
Rút kinh nghiệm từ những đợt thiên tai, sạt lở núi trước đây, từ năm 2023 đến nay, Bắc Trà My đã lập bản đồ phòng chống thiên tai. Trong đó ngoài 400 điểm có nguy cơ sạt lở và 95 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao, thì mùa mưa bão 2024, huyện vùng cao này đã phát sinh thêm hơn 80 điểm nguy hiểm và có thể xảy ra sạt lở núi bất cứ lúc nào.
Do đó, chính quyền từ huyện đến xã đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường và đề ra nhiều giải pháp ứng phó với nhiều kịch bản chi tiết trong việc di dời dân ứng phó với bão số 6.
Vào mùa mưa bão, tại các huyện miền núi, nguy cơ sạt lở đất, sạt núi đang đe dọa hàng ngàn hộ đồng bào vùng cao. Do đó, chủ động các phương án và đề ra nhiều kịch bản ứng phó từ thấp đến cao, đến cực kỳ nguy hiểm hay thảm họa….được coi là cách mà các huyện Bắc Trà My cũng như các huyện miền núi Quảng Nam hướng đến.
Tấn Sỹ – Phúc Lâm