Trang chủVăn hóaThơ nữ trong vườn thơ xứ Quảng

Thơ nữ trong vườn thơ xứ Quảng

Thơ nữ của Chi hội Văn học, Hội Văn học – Nghệ thuật (VH-NT) Quảng Nam đã góp phần làm nên diện mạo của mảnh đất thơ “chưa mưa đà thắm”. Đó là nhận định, đánh giá của nhiều nhà lý luận phê bình, nhà thơ và độc giả. Các nhà thơ nữ xứ Quảng là những cái tên trên thi đàn trong và ngoài tỉnh, tuy mức độ lan tỏa của từng người có khác nhau.   

ĐA SẮC ĐA THANH

Chi hội Văn học – Hội VH-NT Quảng Nam có 75 hội viên, trong đó có tác giả nữ làm thơ: Lê Thị Kiều Chinh, Nguyễn Thị Phương Dung, Lê Thị Điểm, Huỳnh Thu Hậu, Đỗ Thị Kết, Hồ Loan, Ngô Thị Thục Trang, Vương Thi (Vương Thị Bé), Mai Thanh Vinh, Trần Thị Thùy Vy, Nguyễn Thị Minh Thùy.

Các thi phẩm “Khát trăng”, “Góc khuất”, “Một giấc mơ vừa” của Mai Thanh Vinh; “Cánh đồng mật ngữ” của Huỳnh Thu Hậu; “Vừng ơi”, “Phía tàn tro”, “Gởi thương cho nhớ” của Nguyễn Phương Dung; “Điệu biếc”, “Sân cỏ tuổi thơ”, “Chạm phím yêu thương”  của Lê Thị Điểm; “Trăng vẫn sáng” của Đỗ Thị Kết… là những tập thơ đa sắc đa thanh.

Trong đề dẫn tại hội thảo “Thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam” (Chi hội Văn học – Hội VH-NT tỉnh tổ chức), nhà thơ Nguyễn Chiến – Chi hội phó Chi hội Văn học nhận định: “Đọc thơ của các nhà thơ nữ Quảng Nam, thấy thơ họ mở ra phía cuộc đời rộng lớn và cũng là để đi sâu khám phá chính mình. Đề tài thơ họ khá phong phú, từ chuyện chợ búa, con cái, nhà cửa đến chuyện yêu đương, chuyện người, chuyện đời, chuyện quê hương, đất nước, dân tộc, lịch sử… Qua đó, các chị trải lòng, bộc lộ “bản lai diện mục” với những sắc màu khác nhau”.

Một số gương mặt thơ nữ tại hội thảo “Thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam”

Nhận định đó rất công tâm, khái quát về thơ nữ xứ Quảng. Các tham luận tại hội thảo “Thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam”, các phát biểu tại tọa đàm “Thơ nữ trong vườn thơ xứ Quảng” trên sóng QRT đều mong rằng các tác giả nữ nhận ra thế mạnh của mình để tiếp tục trên một cuộc “khởi hành” mới đa sắc, đa thanh hơn.

Nhà thơ Phan Chín – Phó Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Nam, Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng cho biết, lực lượng sáng tác VH-NT là nữ của tỉnh nói chung là ít, ở tất cả các chuyên ngành chứ không riêng trong chuyên ngành văn học. Trong số những tác giả thơ nữ thường xuyên thiên về sáng tác thơ có khoảng 7 người, còn lại vài ba người vừa làm thơ vừa viết văn, có người viết phê bình văn học. Chính sự đa dạng đó làm cho hoạt động sáng tác của các tác giả thơ nữ phong phú, có dấu ấn.

Chương trình tọa đàm “Thơ nữ trong vườn thơ xứ Quảng” do QRT thực hiện

“Trong cái đời sống VH-NT nói chung và đời sống thơ ca Quảng Nam nói riêng, thơ của các tác giả nữ đã góp một phần rất quan trọng làm cho đời sống văn học Quảng Nam sinh động hơn, phong phú hơn và có phần mềm mại giống như bản chất của người phụ nữ” – nhà thơ Phan Chín nói.

BƯỚC “KHỞI HÀNH” MỚI

Nhà thơ trẻ Vương Thi trăn trở để “làm mới” mình trong sáng thơ: “Giọng điệu lạ hay cái gì đó đặc sắc của thơ thì tôi không nghĩ nhiều. Nhưng tôi nghĩ, qua các cuộc hội thảo, có điều kiện tương tác nhiều thì sẽ đúc kết đế viết ra những cái trong mình có mà chưa “khui” ra được. Bản thân tôi sẽ làm được điều đó vì mình chất chứa nhiều cái trong lòng để mà khơi lên, viết lên”.

Nhà thơ – nhà phê bình văn học Nguyễn Tấn Ái cho rằng, thơ nữ Quảng Nam cần tiếp tục được nhìn nhận, ghi nhận bằng sự đồng cảm, đồng điệu, sẻ chia chứ không phải “thông cảm” bởi các lý do giới tính, để nhìn thấy rõ hơn ở những nhà thơ nữ tâm lực, tâm thế và tâm thức sáng tạo. Trong đó, chỉ đơn cử như vấn đề “thiên tính nữ” trong thơ của họ cũng đã là một sự giàu có, đủ để làm nên những cuộc luận bàn sôi nổi, hấp dẫn.

Theo nhà thơ Nguyễn Chiến, nhiều tác giả nữ đến với thơ bằng tâm thức hậu hiện đại, đưa vào thơ cái tôi cá nhân, hoài nghi, đổ vỡ… Các tác giả nữ đã nỗ lực làm mới mình, biểu đạt thơ dạng liên văn bản. Đó là những thành công rất đáng ghi nhận và biểu dương của các tác giả thơ nữ Quảng Nam trong hoạt động VH-NT tỉnh nhà. “Các nhà thơ nữ Quảng Nam đã lựa chọn con đường “khổ hạnh”, đâu đớn và đắm say mà bước tới, và đi hết đời mình lại như mới khởi hành. Mong các nhà thơ nữ, dọc đường đi, hái được những bông hoa thơ ngát hương đời” – nhà thơ Nguyễn Chiến cho biết.

Nhà thơ – nhà lý luận phê bình Phùng Tấn Đông đánh giá: “Thơ nữ Quảng Nam đa dạng về phong cách, cá tính, khả năng thể hiện bằng văn bản nghệ thuật của mình. Thơ nữ Quảng Nam có những nhà thơ trẻ rất tài hoa. Đó là niềm tin để thơ nữ trong tương lai vừa hội nhập với dòng chảy thơ nữ Việt Nam nhưng cũng vừa đậm đà bản sắc rất địa phương, rất cá nhân của xứ Quảng”.

Với tư cách là một văn nghệ sĩ được phân công làm công tác quản lý hội, nhà thơ Phan Chín gửi lời chúc mừng đến các nhà thơ nữ của Quảng Nam nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Trong suốt nhiều năm qua, các tác giả thơ nữ đã nỗ lực sáng tác và đem lại cho công chúng những tác phẩm thơ có chất lượng, góp phần làm cho hoạt động của Hội VH-NT tỉnh nói riêng và đời sống VH-NT của tỉnh Quảng Nam nói chung thật sự có nhiều chuyển biến và khởi sắc.

“Xin gửi đến các tác giả nữ, các nhà thơ nữ Quảng Nam một hi vọng, đó là mong các chị tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, nuôi dưỡng tâm hồn của mình để có thêm nhiều tác phẩm tốt hơn, hay hơn. Và đặc biệt là, mỗi năm một lần tỉnh Quảng Nam đều có một tặng thưởng VH-NT. Mong là mỗi lần công bố kết quả tặng thưởng đó thì các tác giả nữ được xướng tên nhiều hơn” – nhà thơ Phan Chín chia sẻ.

PHƯỚC TRỊNH – LY LAN

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU