Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Chớm thu. Nắng dịu lại, gió heo may thổi lao xao khắp nơi. Khi trời sẩm tối, tiếng trống múa lân từ Hương Trà đồng vọng lại khiến tôi bồi hồi xao xuyến. Các cháu nhỏ ở “làng trong phố” bên sông Tam Kỳ cùng nhau tập dượt đánh trống, nhảy múa để Tết Trung thu đi khắp làng biểu diễn cho mọi người xem. Nghe tiếng trống “cắc… cắc… tùng”, “cắc… tùng… tùng… cắc… tùng”, bất giác tôi lại nhớ Tết Trung thu ở xóm Cầu Cây Gáo, nơi gia đình tôi cư ngụ trước khi rời quê ra phố. Dẫu đã hơn hai mươi năm trôi qua, những đứa trẻ ngày ấy, bây giờ đã lớn khôn trưởng thành, đi khắp các nơi.
Tôi vẫn còn nhớ, hồi ấy xóm Cầu Cây Gáo chỉ có mươi mái nhà trải dọc hai bên đoạn đường ĐT.616 (nay là Quốc lộ 40B) chừng ba trăm mét, thuộc mạn đông thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước. Cầu Cây Gáo là nơi phân chia địa giới giữa hai thôn. Bên này cầu là thôn Phái Nam. Bên kia cầu là thôn Bình An. Cuối những năm 90, thời bao cấp đã qua và thời kinh tế thị trường chỉ mới manh nha hình thành, cuộc sống mọi người vẫn còn khó khăn vất vả trăm bề. Thế nhưng, Tết Trung thu hằng năm, các gia đình ở xóm Cầu Cây Gáo vẫn mua sắm kẹo bánh và đồ chơi cho con em mình. Lồng đèn ông sao, lồng đèn quả bí, lồng đèn cá chép… và các loại bánh kẹo được các em góp lại vui đón Ông Trăng Rằm và phá cỗ. Hồi ấy, Trang Tử và Du Tử – hai con gái tôi, rất thích lồng đèn ông sao cây “nhà lá vườn”. Thương hai con, tôi kiếm tre làm khung lồng đèn, mua giấy gương xanh đỏ tím vàng… rồi lấy bột sắn khuấy hồ dán. Với sự trợ giúp của ba mẹ, non một buổi hì hụi làm, Trang Tử và Du Tử cũng đã có được hai chiếc lồng đèn ông sao xinh xắn. Khi màn đêm buông xuống, tôi thắp cây nến hồng gắn bên trong chiếc lồng đèn ông sao rồi đem treo ở nhánh cây mận trước sân nhà. Hai con gái tôi thích thú í ới bạn bè tới khoe.
Những năm tháng ấy, Tết Trung thu không có nhiều đầu lân và cũng không đẹp như bây giờ. Quà Tết Trung thu của các đoàn thể và chính quyền địa phương chỉ là gói nhỏ bánh kẹo thập cẩm gồm năm, bảy loại, nhưng được nhận quà các em hết sức mừng vui, nói cười hỉ hả. Ở xóm Cầu Cây Gáo ngày ấy, sàn sàn tuổi hai con gái tôi có thằng cu Phong, thằng cu Trường, thằng cu Huy, thằng cu Em, thằng cu Tý, hai anh em thằng Bi lớn và Bi nhỏ, con bé Phương, con bé Hằng, con bé Vương… Khi được chính quyền địa phương phát quà Tết Trung thu, các em túm tụm ở sân nhà tôi “góp bánh kẹo” ăn chung, không đợi chờ phá cỗ. Bởi cha mẹ các em đều có mua quà và đồ chơi cho con cái mình. Đó là những hộp bánh da khá bắt mắt, những hộp kẹo đủ màu sặc sỡ. Đó là những chiếc trống nhỏ nhắn xinh xắn. Đó là những chiếc lồng đèn có hình dáng đẹp, chạy pin sáng nhấp nháy và phát ra những thanh âm nghe thật vui tai.
Tôi nhớ mãi Tết Trung thu năm ấy…
Bảy giờ tối. Hai con gái tôi cơm nước xong cũng là lúc Ông Trăng rằm tháng 8 “đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”. Bọn trẻ xóm Cầu Cây Gáo cầm lồng đèn, trống cơm í ới gọi nhau tập trung dưới tán cây mận trước sân nhà tôi để dung dăng dung dẻ vui Tết Trung thu. Mấy đứa con trai đi trước. Mấy đứa con gái tiếp bước theo sau. Đèn lồng chạy pin sáng nhấp nháy. Tiếng trống cơm “cắc… cắc… tùng”, “cắc… tùng… tùng… cắc… tùng” rộn ràng xen lẫn tiếng cười nói rộn vang. Người lớn trong xóm ra đứng bên lề đường xem bọn trẻ rồng rắn kéo nhau đi hết nhà này đến nhà khác… Đi một vòng, bọn trẻ lại quay về dưới tán cây mận trước sân nhà tôi. Mắc những chiếc lồng đèn lên các cành nhánh cây mận, bọn trẻ lấy kẹo bánh bày lên chiếc bàn con và cùng nhau ngồi quây quần vui Tết Trung thu. “Một! Hai! Ba! Chúng ta cùng phá cỗ đón Ông Trăng rằm…”. Sau tiếng hô của mấy đứa con trai, tiết mục phá cỗ của bọn trẻ diễn ra sôi nổi và đầy hứng thú.
Bây chừ, những đứa trẻ ở xóm Cầu Cây Gáo ngày ấy đã trở thành những chàng trai, những cô gái đang làm việc ở các cơ quan công sở nhà nước, hoặc các công ty, doanh nghiệp tư nhân. Không ít người trong số họ đã lập gia đình. Không rõ họ có còn nhớ một thời bé thơ sống ở xóm Cầu Cây Gáo, cùng nhau vui đón Tết Trung thu dưới tán cây mận trước sân nhà tôi ngày ấy? Trang Tử và Du Tử – hai con gái tôi, mỗi khi về thăm nhà đúng vào dịp Tết Trung thu, nghe tiếng trống cơm “cắc… cắc… tùng”, “cắc… tùng… tùng… cắc… tùng” rộn ràng từ làng Hương Trà đồng vọng tới lại hỏi tôi có còn nhớ tết của tuổi thơ ở xóm nhỏ nơi quê… Hẳn nhiên là tôi vẫn còn nhớ như in tất cả, cho dù thời gian đã lùi xa vào dĩ vãng…
Duy Uyên