Tối 1/8, huyện Nam Trà My tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI, năm 2024, với chủ đề “Ngọc Linh – Mãi mãi tự hào”. Đây là một lễ hội độc đáo và có quy mô lớn, nhằm tôn vinh giá trị của một trong những loại sâm tốt nhất thế giới, đồng thời là dịp để người trồng sâm Ngọc Linh giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và chế biến sâm.
Đến dự buổi lễ có đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết – Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo quận Hamyang (Hàn Quốc); đại biểu vụ 2 – Ban Nội chính TW, cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh.
Cách đây hàng trăm năm, sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng đặt tên là cây thuốc giấu. Đến nay, giá trị kinh tế mà cây sâm Ngọc Linh mang lại rất lớn, giúp người dân Nam Trà My từng bước thoát được đói nghèo, họ tôn sùng sâm Ngọc Linh như một vị thần, sánh ngang với thần rừng, thần núi, và tổ chức lễ cúng thần vào cuối tháng 7 hàng năm ở đền thờ Kon Pin. Trong âm vang cồng chiêng dồn dã, những điệu múa thướt tha của các cô gái người Xơ Đăng, cùng lời khấn vái của già làng, như tiếp thêm sức mạnh và truyền đi tình cảm, lòng thành của người Xơ Đăng đến với đất trời.
Lễ hội sâm Ngọc Linh được huyện Nam Trà My tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017, đến nay đã trải qua 5 kỳ lễ hội. Dù điều kiện mỗi năm có khác nhau, song lễ hội sâm Ngọc Linh đã mang đến cho người dân và du khách xa gần những trải nghiệm mới mẽ, thú vị về vùng đất, con người Nam Trà My, về sự tồn tại, lịch sử phát triển hàng trăm năm của cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.
Bên cạnh đó, lễ hội cũng là nơi mua bán, trao đổi lượng sâm Ngọc Linh có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, giá cả được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng từ mọi miền đất nước về miền cao du lãng và mua sâm bồi bổ sức khỏe.
Với những giá trị to lớn mà cây sâm Ngọc Linh mang lại cho sức khỏe nhân loại, đặc biệt là trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, trở thành loại dược liệu hàng đầu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu của cả nước. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị các ngành, địa phương liên quan, nhất là Nam Trà My, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 611 của Thủ tướng về phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, tập trung bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, kiên quyết đấu tranh chống nạn trồng, buôn bán sâm giả Ngọc Linh, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam.
Tại lễ hội sâm Ngọc Linh năm nay, huyện Nam Trà My cũng đã công bố biểu trưng mới của huyện. Sau gần 3 tháng phát động và trải qua nhiều vòng chấm chọn, góp ý, đã chọn biểu trưng đạt giải nhất, công nhận và đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 2024. Biểu trưng kết hợp các yếu tố kết tinh văn hóa, đại diện cho vùng đất, con người Nam Trà My.
Chương trình khai mạc được diễn ra với 13 tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ; vẽ nên những bức tranh huyền bí, thơ mộng về thiên nhiên, núi rừng Ngọc Linh, về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trà My. Màn pháo hoa kéo dài 15 phút rực sáng trên bầu trời Tăk Pỏ cũng đã khép lại một chương trình khai mạc thành công tốt đẹp.
Phú Thiện – Minh Trang – Trung Lê