Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn nghe đài thân mến, nếu được lựa chọn sẽ chẳng ai thích chiến tranh, vì những gì nó gây ra và để lại thật kinh khủng. Dầu khói lửa những năm tháng ác liệt nay đã nguội, thời gian dần lùi về quá khứ, nhường chỗ cho những điều tươi đẹp hôm nay, song những mất mát, hi sinh ngày đó luôn được thế hệ sau khắc ghi với lòng biết ơn vô hạn. Kim Quảng có bài viết về những hố bom đã được lấp đầy, xin được chia sẻ cùng bạn nghe đài.
Từ nhỏ mỗi lần về quê ngoại ở Quế Sơn, tôi thấy thật nhiều những hố bom nằm quanh đồi, sau vườn nhà dì Bảy, chị gái duy nhất còn lại của má, trong số chín người con của ngoại. Nghe kể các cậu dì sinh ra trong thời đất nước còn chiến tranh, điều kiện sống thiếu thốn nhiều, nên đa số đã mất khi còn rất nhỏ vì bệnh. Dì Bốn thì đi bộ đội, lần nghỉ phép về thăm nhà dì bị trúng bom mất, hình như đâu trong mấy cái hố bom quanh vườn cũ nhà ngoại ở xóm Muối. Còn má sinh ra trước độc lập mười một năm. Tôi biết chiến tranh từ những kí ức rời rạc của má, nhưng rất thật.
Xóm Muối nằm về ngoài rìa của xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, khi chưa sáp nhập đổi tên thành xã Quế Mỹ như bây giờ. Vườn cũ nhà ngoại cách sông Ly Ly chừng năm phút đi bộ. Khi còn nhỏ, tôi với anh hai thích nhất là được về quê ngoại ở chơi nhà dì Bảy, vì ở đó có sông nước tha hồ ngụp lặn, có rừng sim, có những bụi giúi to cho trẻ con trèo hái, lại có thật nhiều chim Chiền Chiện trên đồi chà là.
Má kể hồi đó ông ngoại đi theo cách mạng, nhà tranh của ngoại lính cứ qua đốt cháy rồi ngoại về làm lại… Dầu bao nhiều lần cháu vợ ở bên kia sông Ly Ly khuyên ông ngoại đi theo “quốc gia” ( bấy giờ là chế độ ngụy ) để sung sướng hơn, nhưng ông ngoại nhất quyết không thay đổi.
Ông ngoại đi suốt, dì Bốn cũng đi bộ đội, nhà chỉ có bà ngoại với má và dì Bảy ở. Trong xóm nhà nào cũng có một căn hầm. Những lần nghe lính ngụy qua, hay tiếng súng, người già trẻ nhỏ vội chui xuống hầm trú ẩn. Có lần má bị lính ngụy bắn trúng, bà ngoại ôm con đang chảy đầy máu chạy theo bắt đền, họ chĩa súng bảo bà quay về đi không tôi bắn chết.
Má tôi kể rất nhiều, về những kí ức tiếng bom ác liệt rền trời, về chuyện đi tản cư, khi bị ngoại la mắng, má hay làm dỗi chạy bương về hướng giới tuyến bảo là giận mẹ về lại nhà, nơi bom đạn đang cày xới ngày đêm. Có lẽ năm đó xóm nhà ngoại rơi vào tọa độ chiến đấu nên mới có nhiều hố bom đến vậy. Hồi còn nhỏ mỗi lần về quê ngoại ở lại chơi, tôi theo lũ bạn cùng trang lứa chạy sau lưng cậu Mạnh quanh các đồi sim, nơi hố bom nằm rải rác, tôi nhẩm nhớ cũng được gần mười cái. Cái hố sâu tầm bốn, năm mét, miệng hố rộng và đáy sâu nhỏ dần lại. Trời mưa nước đọng dưới hố thành vũng cạn lâu ngày có cá, cậu Mạnh lấy cán cuốc dài sục quanh làm mấy con cá mại nhỏ xíu ngoi lên, rồi cậu lấy rổ vớt bắt đem về cho vịt ăn. Cậu Mạnh mồ côi từ thời chiến tranh, sống lủi thủi trong căn nhà tranh cuối xóm, hay uống rượu và cười nói lung tung, áo quần luôn luộm thuộm. Họ gọi cậu là Mạnh khùng, chỉ có bọn trẻ con là chạy theo chơi với cậu. Mà cũng chỉ có cậu là chịu chơi mấy trò của bọn trẻ chúng tôi, như đi đẵm bùn nước dưới mấy cái hố bom đục ngầu.
Má kể những năm má còn nhỏ, chứng kiến biết bao lần người dân bị bắn chết. Cứ chiều chiều, lính ngụy ở bên kia sông Ly Ly bắn qua “ tót, tót” ( là âm thanh má tôi mô tả). Có lần bà ngoại với chị em bạn dì đang cấy lúa gần dưới bờ sông thì một dì bật dựng đứng lên kêu “ ôi chết em chị Tôn ơi”, rồi ngã xuống. Một viên đạn lạc cướp đi sinh mạng một người thật dễ dàng. Kể cả sau này hòa bình, má với bọn trẻ đi chăn bò trên đồi, đang chơi thì một đứa trong nhóm giẫm trúng mìn sót lại, tiếng nổ vang lên… sau đó má thấy cậu bé máu me đầy người gục xuống, ám ảnh đến tận bây giờ. Chuyện như vậy thì nhiều, ông bà nội tôi bên này cũng trúng phải mìn sót mà chết. Chiến tranh và hậu quả của nó thật đáng sợ.
Ông ngoại tôi là liệt sĩ. Tôi không biết mặt ông, đến ảnh thờ cũng không còn, nên chỉ hình dung qua lời má kể, có vẻ ông tôi là kiểu người cứng rắn, cương nghị. Ông từng bắt bà ngoại phải học chữ, từng nói bây giờ ông theo cách mạng sau này con cháu ông sung sướng. Và hòa bình đã đem lại cho con cháu ông cuộc sống tươi đẹp, tiếc là tôi chưa từng được gặp ông.
Má kể lần đó ngoại đi họp ở xóm trong, đến khoảng nửa đêm gần sáng nghe trong đó nhiều tiếng súng nổ. Sáng sớm ra bà ngoại tất tả chạy vào tìm ông. Má kể lúc bà ngoại đi từ ngoài ngõ vào, cái nón lá đội lệch về một bên, má hỏi “ cha đâu rồi mẹ”, bà ngoại nói “ cha mầy chết rồi”… Ông ngoại với đồng đội của mình đã bị tập kích trong đêm, tất cả đều hy sinh.
Mỗi năm giỗ ngoại má với dì soạn mâm cơm cúng, đưa chúng tôi lên đồi dọn cỏ và thắp hương phần mộ của ông bà ngoại. Má bảo lúc bà ngoại còn sống, mỗi năm dịp hai bảy tháng bảy, bà hay đi nhận những phần quà các tổ chức xã hội, chính quyền thăm tặng thân nhân liệt sĩ. Các tổ chức cũng về trường hỏi thăm má lúc còn học sinh. Những người ở lại chưa bao giờ quên đồng đội mình năm xưa. Sau này má với dì có nhận được một khoản tiền hỗ trợ để xây lại mộ cho ông ngoại, thay cho nấm mồ đất trước đó. Ngôi mộ xây đơn sơ, nhưng má bảo vậy cũng thấy ấm lòng. Có biết bao anh hùng, liệt sĩ đến nay vẫn chưa xác định được danh tính, người thân mỏi mắt đợi mong. Thật vui vì mới đây ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân đã chính thức được ra mắt. Ngân hàng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Ngân hàng gen ra đời là hy vọng cho nhiều thân nhân liệt sĩ đến nay vẫn còn đang đi tìm hài cốt người thân.
Tôi nhớ lúc nhỏ mỗi lần má dẫn lên thăm mộ ông bà trên đồi, xung quanh mọc nhiều bụi cỏ dại, nhiều nhất là những bụi tràm cỏ lá mảnh và thơm, mấy dì còn gọi là cây bổi, hay bứt một nhúm về bỏ chung vô nồi nước chè nấu lên uống thơm nồng. Cách mộ ông ngoại khoảng vài chục mét có một hố bom đọng nước. Những lúc má với dì nhổ dọn cỏ mộ ngoại là bọn tôi tranh thủ lội xuống đẵm bùn dưới hố.
Những năm sau tôi lớn dần, đi học xa ít khi về được giỗ ngoại. Mãi cho đến sau này lên phổ thông, đường về nhà dì khác hẳn. Những đồi sim, chà là đã thay bằng bạt ngàn rừng keo, một nguồn kinh tế mới của bà con quê ngoại. Hố bom không còn nữa. Có thể thời gian đã bồi lấp, hay do con người cải tạo đất trồng rừng, những dấu tích chiến tranh dần được thay thế bằng những rừng cây. Má không còn kể nhiều về những ngày nhỏ nữa.
Hố bom đã được lấp, như những vết thương hở đã được chữa lành bằng màu xanh hòa bình. Ông ngoại mà tôi chưa từng biết mặt, cùng với bao nhiêu thế hệ cha ông ngày trước đã ngã xuống, để đổi về cho hôm nay cuộc sống bình yên. Những ngày tháng bảy, người dân cả nước lại hướng về quá khứ với lòng biết ơn vô hạn.
K.Q