Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn thân mến, tháng sáu mùa thi gợi bao kỉ niệm, khi ai đó đang sắp bước qua dấu mốc quan trọng của cuộc đời, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp tương lai. Chặng đường phía trước của các bạn hãy thật tự tin, cố gắng hết mình, và nhớ rằng kết quả của mọi sự cố gắng đều tốt. Hôm nay, Kim Quảng xin chia sẻ thêm một điều nhỏ trên chặng đường của các bạn, về sức mạnh của những lời động viên, mời bạn cùng nghe.
Những ngày tháng sáu khiến bạn nhớ đến điều gì? Đâu đó trong kí ức những tiếng ve râm ran đầu hè, cảm giác ngái ngủ những ngày miệt mài bên sách vở, những lo lắng về chặng đường phía trước… thật khó quên. Năm nay cũng vậy, sĩ tử khắp trên mọi miền Tổ quốc đang tập trung nước rút cho chặng đường quyết định 12 năm đèn sách.
Tôi nhớ mình từng đi qua những thành công, cả thất bại, và nhớ mình từng cần lắm những lời động viên, an ủi khi chẳng may. Bạn có từng nghĩ, lời động viên luôn mang trong nó những phép màu hay không?
Trên hành trình cuộc đời ai rồi chẳng có lúc thất bại. Nhất là khi bạn ở vào cái tuổi non nớt, chưa đủ bản lĩnh tự mình đối mặt với những lần thua, thậm chí có bạn yếu đuối đến suy sụp và gục ngã. Cũng vì vậy họ rơi vào hố đen của thất bại, đánh mất cơ hội đi tiếp với tương lai.
Nhưng nếu có ai đó nói với họ những lời động viên tích cực vào những thời khắc quan trọng, có thể sẽ giúp họ vực dậy tinh thần mà tiếp tục cố gắng. Nội lực trong mỗi con người mạnh mẽ lắm, chỉ cần chúng ta không ngừng phấn đấu, nhất định chúng ta sẽ thành công.
Có thể bạn đã biết tới nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison và con số 10.000 thí nghiệm thất bại, song bạn có biết đâu là nguồn cảm hứng giúp ông trở nên thành công như vậy không? Đó là một giai thoại về mẹ của ông, bà Nancy Elliott.
Khi Thomas Edison 7 tuổi, có một ngày cậu cầm trên tay lá thư của thầy giáo chủ nhiệm về, háo hức đưa cho mẹ, bà Nancy Elliott “Mẹ ơi, thầy bảo con đưa mẹ cái này!” Bà Nancy mở ra đọc. Bỗng nước mắt bà giàn giụa khiến cậu bé Thomas đứng ngẩn người kinh ngạc “Thầy viết gì thế mẹ?” Ngập ngừng một lát, bà Nancy đọc to lá thư “Con trai của ông bà là một thiên tài! Vì ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.
Nhiều năm sau, Thomas trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, nhờ những sáng chế thiên tài cống hiến cho nhân loại. Một ngày khi Thomas xem lại các kỷ vật của gia đình đã vô tình nhìn thấy một tờ giấy gập nhỏ được cất trong ngăn kéo bàn. Edison tò mò mở ra đọc, thì nhận ra bức thư của thầy giáo năm nào. Trên đó viết “Con trai ông bà là đứa trẻ rối trí. Chúng tôi không thể chấp nhận cho trò ấy đến trường được nữa”. Thomas đã khóc hàng giờ sau khi đọc lá thư ấy. Về sau, ông viết trong nhật ký: “Thomas Alva Edison là đứa trẻ rối trí, mà nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”. Bạn nghĩ sao về câu chuyện đó? Có lẽ điều đầu tiên là chúng ta thán phục một người mẹ vĩ đại đã dùng tình yêu của mình nuôi dưỡng cho nhân loại một thiên tài. Nhưng có một điều rõ ràng là chính những lời nói dối tích cực theo cách cổ vũ con trai của người mẹ đã tiếp thêm cảm hứng, sức mạnh cho cậu con trai bé nhỏ vốn đang bị nhận định kém trí. Nếu như thời khắc đó, người mẹ khóc oà thất vọng, trách móc và bảo với con rằng con đã bị đuổi học, thì liệu chúng ta có được một Thomas Edison thiên tài không? Bạn hay tôi đều không thể chắc chắn. Cho nên, dù hoàn cảnh bên ngoài có tệ đến mấy, thì chính phản ứng của chúng ta mới quyết định tới kết quả cuối cùng. Chỉ cần chúng ta luôn tư duy tích cực thì sẽ làm chủ kết quả cuộc đời mình.
Trước kia tôi từng đối mặt với những cuộc thi quan trọng có “tỉ lệ chọi”, nghĩa là có thắng thua, đậu hay rớt, sẽ có người vui nhưng chắc chắn cũng sẽ có người buồn. Nhớ lúc mình thất bại, tôi cảm giác trống rỗng, mông lung, chỉ mong có ai đó ngồi lặng yên bên cạnh, đừng hỏi vì sao, đừng nói về chuyện thất bại… cho đến khi tôi đủ khả năng kể lên câu chuyện của mình. Hoặc ít nhất là nói với tôi vài câu ngắn gọn ” không sao đâu” ” cố gắng lên”, đủ để tôi vượt qua những đoạn khó khăn đời mình. Nếu bạn có người thân đang đối mặt với những lần như vậy, thì hãy sẵn sàng đồng hành với những thất bại của họ.
Có người sẽ cho rằng nếu không đặt ra mục tiêu chiến thắng thì làm sao có động lực phấn đấu? Chi bằng nói với nhau rằng hãy cố gắng hết sức có thể, kết quả sau đó hoàn toàn vui vẻ. Như vậy dễ dàng hơn. Và khi tâm trạng không bị chi phối bởi bất kì mục tiêu lớn lao nào, năng lực của bản thân sẽ bộc phát thoải mái, mạnh mẽ nhất. Chưa hẳn áp lực nào cũng tạo nên kim cương.
Tôi có người anh họ học giỏi có tiếng trong vùng, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Quê tôi thời xưa việc học của con cái là niềm kiêu hãnh của ba mẹ, nên việc anh thi rớt Đại học lần đó là một chuyện không thể chấp nhận được. Tôi nhớ hôm đó xế chiều, anh đi coi điểm về báo rớt, tôi đang ở chơi phụ dì lựa mấy loại rau để hôm sau đem ra chợ xã bỏ sỉ. Dì tôi khi ấy lặng người một lúc, trong ánh mắt đựng cả vạt nắng chiều rưng rưng, ôm lấy anh tôi, vỗ vỗ mấy cái trên vai ” ùm, thôi lỡ rồi, từ từ tính, vô tắm miếng cho khoẻ người đi con”. Dì nói nghe nhẹ nhàng, bình dị. Gió rung mấy vạt lá chuối ngoài giếng nước nghe rõ mồn một. Không gian lặng đi.
Tối đó dì bảo tôi ở lại ăn cơm, dì nấu mấy món anh tôi thích ăn nhất. Mâm cơm tối có cá rô nướng than dầm mắm ớt tỏi, rau sam luộc, tô canh cá lóc đồng nấu rau tập tàng hái mót quanh vườn. Bữa cơm khá trầm lắng, nét mặt anh không giấu được vẻ buồn bã, chén cơm lúc đó dường như nặng lắm…Bổng dì nói ” thi mà con, có đứa đậu đứa rớt chớ, coi như con chưa may mắn, mai mốt con học thi lại, đền cho má cái trường ngon ngon thì má nấu cơm cho ăn mà ôn thi”. Dì vừa nói vừa cười, anh với tôi cũng cười xòa theo. Năm sau anh đậu vào Bách khoa Đà Nẵng, rồi xuất sắc săn được học bổng qua Nhật học tiếp, thành danh rạng rỡ. Năm được một, hai lần về quê, lần nào anh cũng đòi dì nấu cho mâm cơm quê hồi ấy.
Dẫu năm tháng có dài rộng bao nhiêu, mâm cơm ngày anh thất bại đó vẫn cứ mặn mòi trong tiềm thức, niềm an ủi động viên anh trên mọi nẻo đường sau này. Chia vui thì dễ, sớt buồn mới khó. Yêu thương thì dễ, cảm thông mới là chuyện cần nhiều hơn. Năm nay mùa thi của các bạn, mong rằng các bạn luôn có người ở phía sau chờ đợi, động viên, đồng hành với bạn dù thành công hay thất bại. Chỉ cần bạn tin mình làm được, thì ngày đó nhất định sẽ đến.
K.Q