Chiều 29/5, Viettel Quảng Nam kỷ niệm 20 năm Ngày truyền thống (14/5/2004 – 14/5/2024); dự lễ kỷ niệm có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết; PCT HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thuỳ Dung; PCT UBND tỉnh Hồ Quang Bửu; PCT UBND tỉnh Trần Anh Tuấn; Trung tá Nguyễn Trọng Tính – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel cùng tập thể cán bộ, lãnh đạo, nhân viên Viettel Quảng Nam qua các thời kỳ.
Ngày 14/05/2004, Viettel Quảng Nam đã chính thức được thành lập với tên gọi POP Quảng Nam. Từ một chi nhánh với quy mô tổ chức nhỏ, chỉ có 4 cán bộ nhân viên, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, hạ tầng mạng lưới còn rất sơ khai.
Ngày 15/10/2004, mạng di động Viettel ra đời, một năm sau, Viettel Quảng Nam khai trương cung cấp dịch vụ internet tại Quảng Nam. Đến năm 2017, dịch vụ 4G chính thức được khai trương tại Quảng Nam với 607 trạm thu phát sóng 4G, phủ 100% huyện, thị, thành phố và 100% xã trên địa bàn tỉnh. Sóng 4G của Viettel hiện đã phủ rộng đến vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa của tỉnh như Ga Ry, Ch’Ơm (Tây Giang), Trà Linh (Nam Trà My), Đắc Pre, Zuôih (Nam Giang)… phục vụ nhu cầu kết nối internet siêu tốc độ của nhân dân.
Đến nay, Viettel Quảng Nam có trên 1.000 trạm phát sóng di động, 20.000 km cáp quang, 160 ngàn thuê bao Internet băng thông rộng, 500 nghìn thuê bao 4G, phổ cập việc thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân. Đặc biệt 70% số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, giải pháp của Viettel, đã đưa Viettel Quảng Nam đã trở thành doanh nghiệp viễn thông đa dịch vụ, cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, dịch vụ số, đóng góp quan trọng trong việc chuyển đổi số của tỉnh Quảng Nam.
Đồng hành, thực hiện nghĩa vụ cùng địa phương, hàng năm, Viettel Quảng Nam nộp ngân sách tỉnh gần 27 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
Trong giai đoạn mới, Viettel Quảng Nam đặt mục tiêu hướng đến doanh nghiệp có doanh thu 1.000 tỷ và phát triển bền vững, là lá cờ đầu trong việc chuyển đổi số của địa phương.
Trung Hiếu – Quang Phi