Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn thân mến, bạn có lẽ từng được nghe thật nhiều những áng thơ, nhạc về mẹ và thi thoảng hiếm khi bắt gặp câu chuyện về cha. Dầu rằng đó vẫn là hình bóng vững chãi in hằng trong tâm trí mỗi người con. Hôm nay xin được chia sẻ với bạn đôi dòng suy nghĩ về hình ảnh của cha và con gái.
Sáng sớm nay chạy xe đi làm ngoài đường, bỗng dưng bắt gặp hình ảnh một người cha chở cô con gái nhỏ trên chiếc xe hon đa. Xe không có chỗ để chân thăng bằng nên cô bé ngồi có vẻ chênh vênh, cha vòng một cánh tay ôm lấy con gái bé nhỏ, tay còn lại cầm lái xe với tốc độ chậm, một cách cẩn thận, chắc chắn. Bất giác tôi như cảm nhận được vòng tay ấy mang tất cả sự an toàn, đầy bảo bọc mà người cha dành cho con gái. Như thể thế giới xung quanh sẽ không thể chạm đến cô gái nhỏ dù là một phần nửa sự tổn thương nào đó. Từ khoảnh khắc ấm áp ấy, tôi miên mãn nghĩ về cha và con gái…
Con gái vốn được mặc nhiên cho sự yếu đuối mỏng manh, còn cha thì luôn được ví như thái sơn to lớn đầy che chở. Cho nên cứ là con gái thì có đặc quyền dựa dẫm vào cha một cách tuyệt đối. Tôi tin hầu như tất cả những người cha trên đời này đều không nói nhiều lời yêu thương với con, nhưng mỗi một câu nói sẽ được trao đi vào những thời khắc ý nghĩa, thường cô đọng nhưng hàm chứa rất nhiều tình thương yêu của cha. Nhất là với con gái, cha thường sẽ nâng niu cưng chìu hơn. Có lẽ vì hơn ai hết ông ấy hiểu là con gái sau này trưởng thành rồi sẽ chịu nhiều thiệt thòi lắm, là phái yếu, năng lực tự bảo vệ bản thân không được như con trai. Vậy nên có người cha từng dặn dò con rể rằng, sau này về nếu con gái của cha có sai trái thế nào cũng đừng đánh nó, con có thể trả nó về lại đây cho cha…
Là con gái, chỉ cần lớn lên bốn, năm tuổi là cha đã không dám ôm ấp nhiều vì phải bắt đầu tập dần cho con những bài học giới tính, để bảo vệ con sau này. Từ đây ánh mắt ấy sẽ dõi theo con, nhìn sâu hun hút những lo lắng bất an trong lòng không thể thổ lộ hết. Lúc con đau, lúc con vấp ngã, cả những buồn vui hờn giận… làm sao để đến gần con.
Cách đây rất lâu tôi hay xem được một đoạn video ngắn chiếu trên VTV lặp đi lặp lại hình ảnh hai cha con, người cha to lớn đèo cô gái nhỏ đạp xe lên một con dốc, chạy xuống một lòng hồ, rồi ông vẫy tay tạm biệt cô bé để lên một chiếc thuyền con chèo đi, cô gái nhỏ vẫy tay tạm biệt rồi leo lên xe quay ngược lại quãng đường. Sau đó đoạn video chiếu cảnh cô gái lớn dần theo những lần đạp xe lên lại con dốc cũ, đến bên bờ hồ ngóng cha. Cô lớn thành thiếu nữ với mái tóc dài, thời gian mải miết bốn mùa tuần hoàn, và cô vẫn đến đó đợi cha. Cho đến một ngày nước hồ cạn, cô nhìn thấy chiếc thuyền con chìm dưới đáy hồ… Kết đoạn video là bánh xe đạp quay tròn… Video không lời và mỗi người xem tùy vào cách cảm của mình mà nghĩ về một câu chuyện, có thể đó là câu chuyện của sự đợi chờ, là thời gian, còn tôi cứa ray rứt nghĩ về những cảm xúc của một cô con gái nhỏ mong đợi cha trở về. Bóng dáng cha to lớn che được cả bầu trời ấy, có lẽ đã là điểm tựa cho con gái nhỏ lớn lên từng ngày.
Ba của tôi kiệm lời, đến mức ông chưa từng trò chuyện với tôi lấy một lần cho đến lúc tôi đi lấy chồng sinh con. Kỉ niệm của tôi với ba ít ỏi, không tràn lan vô vàng khó kể bằng hết như với má. Nhưng mỗi một sự nhớ lại khắc sâu trong lòng. Đó là lần tôi tuổi mẫu giáo, có hôm vì lẽ gì không thấy má đâu tôi chạy tìm khóc ầm lên, ba đang sửa lại mái nhà gần đó, ông vội bỏ chiếc đục gỗ trong tay, đi lại và ngồi xuống ngang mặt với tôi, tôi nhớ ông đã rất dịu dàng hỏi có chuyện gì, rồi chỉ tôi lên trên đầu vườn nhà nơi má đang múc nước giếng giặt đồ. Tôi nhớ ánh mắt ấy, sâu lắng và yêu thương.
Năm học cấp hai, tôi làm vỡ chiếc kính của ba và ông nổi giận quát lớn tiếng, tôi sợ, cộng thêm lẫy nên không chịu ăn cơm tối. Má trách ba có xíu vậy cũng la làm con nhỏ bỏ ăn. Ông không dỗ dành tôi. Má úp chiếc lồng bàn lên mâm cơm trên bàn ăn phần lại cho tôi. Ngồi học bài nhưng tôi thỉnh thoảng liếc thấy ở gian nhà trong ba nằm nghỉ, lâu lâu ông ngóc đầu lên ngó ra, cho đến lúc tôi lại chỗ bàn ăn chén cơm, sau đó mới không thấy ba ngó ra nữa.
Ngày lấy chồng tôi có trộm nghe ông nói với ba chồng lúc khề khà chén rượu sui gia “ tui gửi nó cho anh”… nghe mà nghèn nghẹn. Bạn có từng xem bộ phim “Về nhà đi con” do Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam thực hiện, khởi chiếu năm 2019 chưa? Bố Sơn có những câu nói với con gái của mình, khiến khán giả khi nghe không khỏi rưng rưng xúc động: “Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”, hay như một chút ích kỉ hiển nhiên của người làm cha “ Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác”. Và trong phim, nhân vật bố Sơn do Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh thủ vai đã rất thành công trong thể hiện diễn biến nội tâm người cha của ba cô con gái. Ông cũng trầm lặng dõi theo từng bước đi của các con, nặng lòng trước những cú vấp ngã của những cô con gái. Có lúc gương mặt ấy như thể bất lực trước những sóng gió cuộc đời mà các con gặp phải, nhưng cũng dáng người mảnh khảnh và gương mặt có phần khắc khổ ấy, lại có ánh mắt cương nghị, sẵn sàng dang rộng vòng tay làm một bến đợi yên bình cho các con có thể trở về. Đó là tình yêu thương vô điều kiện và không có giới hạn. Cha không thường xuyên ôm ấp vỗ về con, nhưng bất cứ lúc nào con gái cũng có thể chạy ào về mà ôm lấy cha vì ở đó cha luôn đợi. Cha và mái nhà dường như là một.
Không phải tự dưng người ta hay nói với nhau rằng con gái là mối tình kiếp trước của cha. Có lẽ họ không thể lí giải hết những yêu thương vô giá và kì lạ giữa cha và con gái. Ngôn ngữ giữa hai người thường nhiều hơn lời nói ra, vì đa phần người cha nào cũng hành động nhiều hơn nói. Chúng ta là con gái, chúng ta có thể chạy về nhà, lao vào phòng nằm ôm mẹ tỉ tê đủ chuyện, nhưng với cha thì khác. Có thể là cái xoa đầu, hay ngó ngó chiếc xe con đi rồi chỉnh sửa mấy chỗ cho an toàn, hay là mấy câu nói giản đơn “ ở lại ăn miếng cơm rồi về”, “ má mi coi ra lấy cho hắn mấy cái trứng gà nhà về ăn cho tốt”… nhưng bạn có biết đằng sau đó là cả một khoảng trời mênh mông dành cho bạn, những thương yêu không nói hết.
Lại nhớ hình ảnh cô con gái bé nhỏ ngồi gọn trong lòng người cha khi sáng, vòng tay ấy quý giá như đang ôm báu vật, chắc chắn và an toàn như chẳng còn sai số. Dòng người cứ hối hả ngược xuôi. Con gái nhỏ cứ lớn lên như vậy bình yên, và vòng tay ấy là bất tận…
K.Q