Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới bắt đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn tiểu thuyết “Giấc ngủ mười năm”, tiên đoán rằng quân ta sẽ kết thúc cuộc chiến bằng một trận đánh dữ dội ở một vùng rừng núi xa xôi. Không ngờ chín năm sau nó được định danh tại Điện Biên Phủ. Và chính nơi đây đã thể hiện tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đối đầu với những tên tướng thực dân tham vọng nhất.
Điểm hẹn lịch sử Điện Biên Phủ
Tháng 5 năm 1953, Pháp điều tướng bốn sao Henry Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Đây là viên tổng chỉ huy thứ 7 của đội quân viễn chinh. Báo chí phương Tây lúc bấy giờ ca ngợi Navarre như một danh tướng có thể xoay chuyển lại tình hình Đông Dương, nơi đội quân thực dân đang ngày càng sa lầy. Nava đề ra một kế hoạch trong vòng hai năm sẽ giành thắng lợi cơ bản trên chiến trường.
Kế hoạch gồm 2 bước: trong năm 1954 sẽ tập trung binh lực, tiến công vào vùng tự do Liên khu 5 chiếm giữ vùng đất này, sang năm 1955 đưa quân phản công ở chiến trường chính Bắc Bộ, giành lại thế chủ động, giúp chính phủ Pháp kết thúc chiến tranh bằng lối thoát danh dự. Đế quốc Mỹ sau khi thất bại ở Trung Quốc càng can thiệp mạnh vào Đông Dương, giúp Pháp nhưng đồng thời cũng tìm cách thế chân. Viện trợ quân sự của Mỹ đã chiếm 73% chiến phí, quân Pháp được Mỹ cung cấp vũ khí khá dồi dào và hiện đại.
Ngày 20/11/1953, Navarre cho 4.500 quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Thế rồi sự diễn tiến của tình hình đã đưa Điện Biên Phủ thành “điểm hẹn lịch sử”, nơi xảy ra cuộc đấu trí, so gan giữa tướng sĩ quân đội ta và đội quân xâm lược Pháp. Thực ra Biên Phủ ban đầu không có trong ý đồ chiến lược của tướng Navarre, nhưng rồi cùng với sự tập trung các đại đoàn chủ lực của ta lên Tây Bắc, Navarre càng dồn sức xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm rất hùng mạnh. Navarre hy vọng đây là “chiếc nhọt tụ độc” hút hết các binh đoàn chủ lực của Việt Minh, nhờ đó ông ta có thể chủ động tiến công trên các chiến trường khác.
Binh lực địch gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh tinh nhuệ nhất, 2 tiểu đoàn pháo 105 mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120 mm (20 khẩu), 4 khẩu pháo 155 mm, 1 đại đội xe tăng gồm 10 chiếc. Không quân thường trực tại sân bay Mương Thanh và Hồng Cúm có 17 máy bay gồm trinh sát, ném bom, vận tải. Ngoài ra địch sẽ giành 2/3 máy bay ném bom, 100% máy bay vận tải yểm trợ cho Điện Biên Phủ khi bị tiến công. Tổng quân số của Pháp khoảng 12.000 người, bố trí thành 3 phân khu: bắc, trung tâm, nam. “Không có một nhà chức trách dân sự hoặc quân sự nào đến thăm tập đoàn cứ điểm mà lại không choáng ngợp trước sức mạnh phòng thủ của nó”. Nhà báo Rôbe Ghilanh trong cuốn Hết ảo tưởng cũng viết: “Ngay cả trong đại chiến thứ hai vừa qua, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ dựng lên hệ thống phòng ngự lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ”. Vì kiểu phòng ngự thành tập đoàn cứ điểm kiên cố nên nó còn được gọi là “con nhím” Điện Biên Phủ.
Về lực lượng ta, quân số gồm 27 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn sơn pháo 75 mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn pháp 105 mm (24 khẩu), 4 đại đội súng cối 120 mm (16 khẩu), 1 trung đoàn cao xạ 37 mm (24 khẩu) và 2 tiểu đoàn công binh. Tướng tá Pháp thấy rõ khó khăn của ta khi chấp nhận cuộc chiến tại Điện Biên Phủ vì đây là chiến trường rất xa hậu phương. Vận chuyển lương thực, vũ khí ngoài số ô tô do Liên Xô viện trợ vẫn còn phải dựa vào xe đạp thồ và đôi vai của dân công; khi mùa mưa đến việc tiếp tế sẽ trở nên nan giải.
Theo kế hoạch ban đầu, 17h ngày 25/1/1954 các đại đoàn sẽ cùng lúc tiến công tập đoàn cứ điểm, mũi chủ công sẽ lướt qua các cụm phòng ngự vòng ngoài, thọc sâu vào phân khu trung tâm nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, làm rối loạn chỉ huy của địch, kết thúc trận đánh. Quân Pháp cũng đã giải mã được điện mật của ta, nắm rõ ngày giờ tiến công và đã sẵn sàng đối phó. Theo người Pháp, khi Việt Minh húc đầu xung phong vào tập đoàn cứ điểm có thể dẫn đến những thiệt hại hết sức nặng nề, thậm chí có thể gây ra sự sa sút tinh thần không thể cứu vãn của binh lính”. De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm thậm chí còn cho máy bay rải truyền đơn thách tướng Giáp tiến công.
Sau khi phân tích thực tiễn chiến trường Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhận thấy sự phiêu lưu nếu đánh tổng lực vào tập đoàn cứ điểm đã được kẻ địch phòng ngự rất kiên cố so với lúc khởi đầu. “Trận này rất quan trọng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh!” – lời căn dặn của Bác Hồ là kim chỉ nam để ông hành động.
“Trận này rất quan trọng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh!”
Cuộc đấu trí ngoạn mục
Sau nhiều ngày suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra một “quyết định khó khăn nhất trong đời làm tướng của mình”, đó là chuyển từ “tốc chiến tốc thắng” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thực hiện phương châm chuyển cách đánh, Tướng Giáp đã khắc phục điểm yếu, phát huy tối đa sức mạnh của ta ở Điện Biên Phủ. Và đặc biệt nhất là Tướng Giáp đã nhận ra và khoét sâu vào những điểm yếu chết người tập đoàn cứ điểm: “Nhược điểm rất lớn của tập đoàn cứ điểm là trong khi kẻ địch tự vây kín từng đại đội bằng những bãi dây thép gai và mìn để vô hiệu hóa những cuộc tiến công của ta thì chúng cũng tự giam giữ, tự cô lập mình trong những chiếc củi sắt, làm mất đi sức mạnh của trên 16 nghìn quân cơ động tinh nhuệ”.
Theo Đại tướng, đó là điều mà Navarre và các nhà quân sự phương Tây lúc ấy không nhận ra. Tướng Giáp cũng thấy rõ rằng Điện Biên Phủ nằm cô lập giữa một vùng rừng núi mênh mông giờ đây hoàn toàn do ta làm chủ, việc tiếp viện chỉ có thể thực hiện bằng đường hàng không. Một khi ta không chế, đi đến cắt đứt hoạt động của sân bay Mường Thanh, kẻ địch sẽ lâm vào tình thế khó khăn.
Thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu trí của Tướng Giáp là việc giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ của lực lượng pháo binh tại Điện Biên Phủ. Không phải Navarre không biết Việt Minh lần đầu tiên đưa lựu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm vào chiến dịch. Nhưng đường kéo pháo và trận địa pháo được quân ta ngụy trang và nghi binh tài tình. Mặt khác các cuộc hành binh trinh sát của quân Pháp cũng bị chặn đánh quyết liệt nên kẻ địch không tài nào phát hiện ta các trận địa pháo 105mm, cao xạ 37mm đang bố trí trên các dãy núi quanh thung lũng. Chính người Pháp cũng thừa nhận: “Sự khéo léo đặc biệt của của quân địch (tức Việt Minh) trong việc ngụy trang vị trí đặt súng cũng như bố trí quân của mình làm cho máy bay trinh sát cũng như mặt đất không thể phát hiện được”. Các khẩu pháo đã trở thành tai họa treo lơ lửng trên đầu quân đồn trú bởi nó có thể nhả đạn xuống các cứ điểm từ khoảng cách khá gần.
Ngày 13/3/1954, cuộc tiến công vào phân khu phía Bắc bắt đầu, ngay trong đêm quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam được phòng ngự rất kiên cố. Địch hoảng sợ không dám phản kích vì sợ tổn thất thêm. Tiếp sau đó cứ điểm Độc Lập bị diệt, rồi Bản Kéo ra hàng. Những khẩu pháo 105 mm ngay từ đầu đã tiêu diệt phần lớn máy bay Pháp tại sân bay Mường Thanh, làm tê liệt hoàn toàn sân bay này; khống chế có hiệu quả các trận địa pháo của địch, yểm trợ đắc lực cho bộ binh. Pháo cao xạ đã “tàn sát” (lời của Bernard.B.Fall) các loại máy bay vận tải, ném bom Pháp. Đại tá Pirốt, chỉ huy pháo binh của tập đoàn cứ điểm sau ba đêm chứng kiến những khẩu đội pháo của mình bị pháo Việt Minh lần lượt tiêu diệt cùng sự bất lực của binh lính dưới quyền trong việc phản pháo đã tự sát bằng lựu đạn.
Thất bại nhanh chóng của phân khu bắc khiến Cô nhi, chỉ huy quân Pháp ở chiến trường Bắc Bộ phải thú nhận với một số nhà báo: “Điện Biên Phủ quả là một cái bẫy, nhưng không phải là cái bẫy với Việt Minh nữa mà đã thành cái bẫy với chúng ta” .
Sang đợt tiến công thứ 2, cách đánh bóc vỏ các cứ điểm trên những dãy núi quanh lòng chảo Điện Biên tiếp tục giành thắng lợi giúp quân ta hình thành thế trận bao vây. Chiến thuật siết vòng vây của Tướng Giáp đưa quân Pháp vào tình thế khốn quẫn: “Siết vòng vây sẽ hạn chế được uy lực của không quân, pháo binh địch, giảm nhẹ thương vong của bộ đội. Siết chặt vòng vây sẽ cho phép ta tiêu diệt địch bằng mọi loại vũ khí… tạo nên một hỏa lực áp đảo… Siết chặt vòng vây sẽ giúp ta tranh đoạt tiếp tế của địch, giành lấy lương thực nhất là đạn dược mà ta đang cần. Siết chặc vòng vây cũng chính là quá trình thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch”.
Với chiến thuật này, “con nhím” Điện Biên Phủ ngày càng bị siết chặc. Đặc biệt là việc uy hiếp rồi cắt đứt sân bay Mường Thanh đã đưa quân Pháp vào tình thế không lối thoát. Từ đây toàn bộ việc tiếp viện quân số, đạn dược, lương thực, thuốc men cùng vô số các nhu yếu phẩm khác phải thực hiện bằng việc thả dù. Thương binh Pháp ngày càng tăng, trong đó có rất nhiều ca nặng nhưng không thể chuyển về Hà Nội. Họ buộc phải nằm trong những căn hầm hôi thối, lép nhép bùn đất, dòi bọ lúc nhúc trong vết thương. Người chết chôn cạnh kẻ sống. Nhà báo Mỹ, Bernard.B.Fall quả rất đúng khi gọi Điện Biên Phủ là một góc địa ngục.
Cuộc đấu trí của Tướng Giáp tại Điện Biên Phủ đã khởi đầu một cách ngoạn mục và ngày càng đẩy Navarre cùng các chính khách, tướng tá Pháp, kể cả Mỹ vào tình thế cay đắng. Điện Biên Phủ đã thực sự thành “cái nhọt tụ độc” buộc Nava phải vét các binh đoàn dù cơ động trên khắp các chiến trường để ném xuống đây. Đến lúc này kế hoạch Navarre nhằm giành lại quyền chủ động trên toàn chiến trường Đông Dương coi như đã phá sản. Tập đoàn cứ điểm vẫn được Navarre tiếp viện nhưng theo lối nhỏ giọt và hoàn toàn không có chút hy vọng giành chiến thắng. Vòng vây của ta đã làm cho “con nhím Điện Biên Phủ” kiệt sức và gục ngã vào chiều ngày 7.5.1954 lịch sử.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ trước hết là thắng lợi của tinh thần chiến đấu anh dũng, thông minh và sáng tạo của bộ đội ta, thắng lợi bởi bản lĩnh và tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về nguyên nhân sâu xa, thắng lợi bắt nguồn từ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, tài tình của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Điện Biên Phủ – nơi diễn ra cuộc đấu trí ngoạn mục mà phần thắng thuộc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã đi vào lịch sử quân sự thế giới như một trận đánh kinh điển. |
Duy Hiển