Trang chủE-MagazineE - Magazine: Mùa xuân theo chân người nghệ sĩ…

E – Magazine: Mùa xuân theo chân người nghệ sĩ…

Khi tiếng loa phát thanh vang lên giọng rao đầy mời gọi của người phụ trách văn hóa xã cũng là lúc những khán giả nhiệt tình đầu tiên với chiếc đèn pin trên tay hối hả đi về phía sân khấu được dựng lộ thiên nơi trung tâm công cộng xã Duy Hòa – huyện Duy Xuyên. Người dân vùng quê Duy Hòa rất yêu thích ca kịch bài chòi và hát Tuồng. Bởi loại hình âm nhạc này đã gợi lại trong tâm khảm họ biết bao kỷ niệm về những ngày xa xưa trong những đêm trăng sáng nơi bến sông hay đình làng cùng nhau hò khoan đối đáp. Rồi những năm chống Pháp, chống Mỹ những điệu lý, câu hò luôn là nguồn động viên, khích lệ người người hăng hái giữ làng, giữ đất…

Ở Duy Hòa đến bây giờ nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhắc nhớ câu chuyện những ngày mới giải phóng. Để khôi phục lại vốn quý âm nhạc truyền thống xứ Quảng, trong đó chủ yếu là Tuồng và dân ca kịch, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng bấy giờ là ông Hồ Nghinh đã cùng với giáo sư Hoàng Châu Ký, Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh – nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, ông Mười Quỳnh – nguyên Bí thư huyện Duy Xuyên… đã có nhiều buổi lặn lội về khắp làng quê, ngõ xóm Duy Hòa, nói chuyện Tuồng, gợi lại ký ức tươi đẹp một thuở một thời câu hò khoan đối đáp.

Họ đã nhiều đêm ăn ngủ cùng dân, lấy trụ sở Ủy ban xã còn tạm bợ làm chỗ trú chân, ngủ nghỉ, ban ngày lại đi nói chuyện Tuồng, dân ca kịch…Vậy mà, ngày đó, Duy Hòa trở thành một chiếc nôi đầu tiên gầy dựng lại Tuồng trên đất Duy Xuyên rồi giữ mãi truyền thống cho đến ngày hôm nay.

Nghệ sĩ ca kịch biểu diễn bài chòi phục vụ các em học sinh

Có dịp theo anh chị em nghệ sĩ – diễn viên Đoàn ca kịch Quảng Nam về các vùng quê biểu diễn phục vụ nhân dân, mới thấy trân trọng và khâm phục sự tận tâm và tình yêu nghề nơi họ. Năm nào cũng vậy, giữa lúc mọi người, mọi nhà đang sum vầy với tết cổ truyền của dân tộc thì cũng là thời điểm mà anh chị em nghệ sĩ phải tất bật với lịch biểu diễn. Từ các địa phương vùng ven trung tâm tỉnh lỵ như Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên cho đến các điểm diễn xa như Nông Sơn, các huyện miền núi… Năm nay cũng vậy, bắt đầu từ mùng 5 Tết Giáp Thìn, các nghệ sĩ ca kịch lại tất bật cho hành trình biểu diễn với hơn 20 suất đã được “đặt hàng” suốt giêng hai…Vậy mà khi trò chuyện với chúng tôi trong lúc bận bịu chuẩn bị mọi thứ cho đêm diễn, nụ cười vẫn nở trên môi anh chị em nghệ sĩ.

Cảnh diễn ca kịch công chúa Huyền Trân diễn tại xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên
Vở diễn “Người mẹ Quảng Nam”

Đến với nhiều vùng quê xứ Quảng những ngày giêng hai, Đoàn ca kịch Quảng Nam biểu diễn những vở dân ca kịch như “Nhà có ba chị em gái” , “Nỗi đau tình mẹ” và đặc biệt là vở diễn mới vừa được dàn dựng để chào đón mùa xuân này: “Người mẹ Quảng Nam”. Vở diễn lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Tác giả kịch bản văn học – nhà văn Nguyễn Toàn Thắng, Chuyển thể ca kịch bài chòi – Nguyễn Sĩ Chức, Đạo diễn – NSND Triệu Trung Kiên – Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam…Chọn một đề tài lịch sử hiện đại, về hình ảnh một Người mẹ đã trở nên bất tử và được thể hiện bằng một đội ngũ diễn viên trẻ, đầy nhiệt huyết…là cách để ca kịch Quảng Nam khẳng định vị trí, hướng đi của mình trong bối cảnh bùng nổ của nghệ thuật và giải trí đương đại…

Có lẽ vì điều này mà suốt thời gian vở diễn được “vỡ” những cảnh đầu tiên trên sân khấu, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng đã từ Hà Nội vào “ăn ở” cùng anh chị em Đoàn ca kịch và cùng với đạo diễn Triệu Trung Kiên đến thắp hương trên bàn thờ Mẹ Thứ tại xóm Rừng – Thanh Quýt, Điện Bàn để được đắm chìm trong không gian vườn xưa của mẹ, trong cảm xúc dạt dào giữa bảng lãng khói hương… Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho rằng, mặc dù khi bắt tay dàn dựng vở diễn “Người mẹ Quảng Nam”, anh cùng ê kíp thực hiện gặp không ít thách thức về tính chất đặc biệt của đề tài, của chủ đề tư tưởng…nhưng bù lại, chất liệu âm nhạc, mà cụ thể ở đây là ca kịch bài chòi lại như một thứ men hữu hiệu, làm nồng nàn câu chuyện suốt chiều dài 150 phút trên sân khấu và góp phần đưa vở diễn đến gần hơn với người xem xứ Quảng.

Để thể hiện được thành công các nhân vật trong vở diễn, các nghệ sĩ trẻ của Đoàn ca kịch Quảng Nam đã phải dày công tìm hiểu về các nhân vật mà mình đảm nhận vai diễn. Về âm nhạc trong vở diễn, nhạc sĩ Trọng Đài đã dày công sáng tác phần âm nhạc có sự kết hợp giữa dân gian và hiện đại, trong đó chú trọng khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống xứ Quảng. Cùng với đó, hệ thống các làn điệu dân ca Quảng Nam được đưa vào vở diễn rất phong phú đã tạo nên sự hấp dẫn cho vở diễn này. Với một đề tài đương đại, dàn diễn viên trẻ, có năng lực diễn xuất và chất liệu âm nhạc phong phú, “Người mẹ Quảng Nam” đã đem đến cho công chúng Quảng Nam một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa. Điều đặc biệt, vở diễn “Người mẹ Quảng Nam” lại được diễn ngay trên đất Thanh Quýt, Điện Bàn trong dịp xuân này lại càng làm cho câu chuyện đất, chuyện người, chuyện âm nhạc truyền thống càng thêm phần ý nghĩa.

Lại một mùa xuân nữa Đoàn ca kịch Quảng Nam “kín lịch” biểu diễn…

Đặng Trương

1.8/5 - (5 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây