Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Bạn thân mến, đã bao lâu bạn chưa nói cảm ơn mẹ? Ngày sinh nhật của mình bạn chọn mua quà tặng cho bản thân, hay là tặng quà cho người đã sinh ra mình với lòng biết ơn vô vàn, người luôn dõi theo bạn từ những bước đi đầu tiên… Mời bạn cùng chia sẻ với tôi những cảm xúc không thể viết hết thành lời…
Như bao nhiều bà mẹ khác trên đời, má tôi cũng yêu thương và hy sinh hết tất cả mọi thứ cho những đứa con của mình…
Má có bốn đứa con, má bảo đó là bốn “ cục vàng” của má. Ngày tôi có bạn về nhà chơi, bạn xin phép chở tôi vào lại trường học, má dặn “ chở cẩn thận kẻo trầy xướt viên kim cương của cô nghe”… tôi đỏ mặt vì ngượng, nói “má sến quá má ơi”. Má tôi cực kì sến sẩm trong cách nói chuyện, nhất là khi nói về mấy đứa con của mình, không giống bất kì bà mẹ nào ở quê tôi.
Dẫu cuộc sống vất vả, khó khăn, nhưng má vẫn luôn để ý đến tâm lý các con, hy sinh đến những gì mình không thể làm chứ không hẳn là tất cả thứ mình có. Má tần tảo sớm hôm với đủ nghề bán buôn nhỏ lẻ để nuôi con, vì mấy sào đất khô cằn ba cày cuốc không đủ thấm vào đâu. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại tôi không biết ba má thời đó xoay xở thế nào với bốn đứa con từ ăn mặc đến học hành. Nhớ mỗi đầu năm học, mấy anh em lần lượt đem phiếu nộp “ tiền xây dựng” về đưa trong bữa cơm tối ( hồi xưa học sinh đi học đó là khoảng tiền “cứng” phải nộp đầu tiên ), trẻ con không để ý được, nhưng có lẽ hôm ấy có đến hai tiếng thở dài. Rồi năm nào trước buổi tựu trường cũng lần lượt dẫn mấy anh em đi may quần xanh áo trắng mới tinh tươm đợi đến ngày khai giảng. Tết cũng phải đi may mấy bộ đồ mới. Chưa nói từng bữa cơm cho gia đình đông người. Mà tôi nhớ là má phải chạy lo từng bữa, vất vả không kể hết. Vậy chứ đứa nào buồn hay vui má đều ngó ngó rồi hỏi sao đó, bữa nay ở trường sao hả con?
Thằng út sau này có người yêu chia tay, uống say khướt về nhà má thấy xót đứt ruột, lén mở ví coi nó còn tiền tiêu không để bỏ vô ít, lén nghe nó gọi điện thoại cho ai nói gì. Những câu chuyện về má có lẽ tôi kể bằng mấy pho tiểu thuyết… Nhưng má tôi có hai vết sẹo cả đời này tôi mang theo và nhớ mãi.
Vết sẹo đầu tiên có tôi trong đó. Rất xa xưa thời tôi còn bé. Những ngày tháng chạp má chạy buôn bán khắp nơi, sáng sớm đến tối mịt mới về. Hôm đó tầm đâu cũng đến hăm mấy tháng chạp rồi, má chở tôi và anh hai trên chiếc xe đạp xuống chợ Hà Lam dưới huyện để mua quần áo mặc Tết. Tôi háo hức phải biết! Ba má con quần trong chợ cả buổi sáng xong thì hai anh em cũng có được hai bộ đồ đẹp đem về. Để cho nhanh, má đèo hai đứa trên xe đạp men theo đường kênh nhánh đi tắt về nhà, lúc đó gần trưa, má vội về nấu cơm. Đường kênh bờ đất sét gập gềnh chứ chưa tráng bê tông như bây giờ, chiếc xe chở nặng qua khúc đường khó bị dập gãy phụt xe đột ngột làm ba má con ngã lăn. Cú ngã va chạm làm má bị rách sâu mảng da trên khóe miệng, anh hai tôi bứt cỏ bên đường, ở quê tôi có bày là loài cỏ Cầm The, tôi nhớ họ gọi vậy, có tác dụng cầm máu, anh nhai nhỏ đắp lên vết thương cầm máu cho má. Rồi sau đó nhờ mấy cô bác nhà bên đường giúp đưa xe đi sửa, mấy mẹ con dắt nhau về. Chắc là má đau lắm. Còn tôi khi ấy chẳng biết nghĩ ngợi gì hơn ngoài việc trông về nhà ướm thử lại bộ đồ rồi ra trước cửa kiếng bắt ghế lên soi dáng. Không hiểu sao tôi ngơ ngơ vậy nữa, tôi nhớ mãi lúc tôi ngoái đầu ra sau hỏi má thấy đẹp không, má mệt nằm trên giường, nghiêng người lại ngó ra, gương mặt má lúc đó, khóe miệng hơi sưng lên, vết đắp cỏ cầm máu hình như khô lại thành màu nâu, má cười nói “ ùm, đẹp lắm”. Đó là hình ảnh tôi nhớ mãi. Do không đi bệnh viện xử lí kĩ mà chỉ dùng lá quanh nhà đắp lên, chỗ đó để lại vết sẹo đến tận bây giờ.
Vết sẹo thứ hai, tôi không biết gọi là vết sẹo có đúng không, nhưng cách má tôi nhắc lại mỗi lần như kiểu một vết nứt không bao giờ lành trong lòng má. Đó là anh hai tôi, đã bỏ gia đình ra đi ở tuổi đôi mươi trong một vụ tai nạn giao thông. Tôi nhớ mãi cái cảm giác lạnh lẽo suốt một năm trời trong nhà. Lúc đưa anh đi, họ dìu má ra đến sân là má ngất, phải đưa lại vào nhà, để bác sĩ ở cạnh chăm sóc. Đến lúc xong hết tôi ôm di ảnh của anh về lại nhà thì má tỉnh lại đi ra hiên nhìn tôi rồi tự dưng nói “ bé đẹp quá”. Mọi người im lặng, mấy cô dì nói má “ nói sảng”. Kiểu như đau lòng quá độ khiến má mất thăng bằng mà nói hay hành động trở nên vô thức trong chốc lác. Ba kể lúc bà ngoại mất má cũng có biểu hiện như vậy.
Rồi sau này dần dà mọi người nguôi ngoai, nhà trở lại bình thường, má cũng lại đi bán buôn khắp nơi lo cho ba đứa con. Nhưng cứ nhắc đến anh là má khóc. Má nói hồi đó chưa lo gì được cho anh, chưa cho anh ngày nào đủ đầy… Mười năm, mười lăm năm… trôi qua. Năm nào đến giỗ anh má cũng khóc. Lần nào qua mộ cũng thẩn thờ. Má dặn tôi “sau này ba má mất mấy con không cần lo cúng kiếng gì hết, chỉ cần con nhớ đừng quên lo ngày giỗ của anh hai, lo chăm phần mộ cho nó. Con gộp ba má vô giỗ chung ngày với anh hai nghe”. Tôi với mấy đứa la má vì chẳng ai muốn nghĩ đến ngày đó cả. Có điều má cứ hay nhắc đi nhắc lại mỗi lần qua mộ anh thắp hương. Mỗi lần mấy chị em đem thứ gì về biếu má là má bảo để lên bàn thờ anh con đi. Có lẽ với má, việc mất đi anh tôi là một vết sẹo sâu trong lòng không bao giờ lành lại được. Tết vừa rồi về tôi vẫn thấy mắt má rưng rưng trước nấm mộ đã bạt màu.
Má. Cả một đời tần tảo cho mấy đứa con. Cả một bầu trời bao la, yên bình…