Các đơn vị đã mang về Liên hoan nhiều thể loại nghệ thuật như: hát múa, múa, hòa tấu nhạc cụ, đơn ca, tốp ca, tiểu phẩm dân ca, kịch, hò khoan đối đáp…Các tiết mục tập trung phản ánh những mô hình, điểm sáng, tinh thần chung sức chung lòng xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa trong giai đoạn hiện nay. Bức tranh xứ Quảng từ vùng núi cao, nông thôn trung du, đồng bằng và thành thị…trên sân khấu Liên hoan nghệ thuật lần này tuy vẫn chưa đầy đủ các địa phương trong tỉnh tham gia bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng vẫn mang đến cho người xem những ấn tượng rất đẹp và không kém phần lộng lẫy từ tiếng hát lời ca, điệu múa, tiếng đàn tiếng trống, đạo cụ, trang phục đa sắc màu các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc xứ Quảng, được bày ra trên…sân khấu.
Từ miền núi cao phía Tây Quảng Nam là các huyện Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn những người con của đồng bào Cơ-tu, Giẻ Triêng, Ve, Tà Riềng, Bhơ noong…như điểm xiết cho sân khấu Liên hoan nét đẹp của trang phục và trang sức, đạo cụ truyền thống được truyền nối từ này qua đời nọ, được tạo tác bởi bàn tay tài hoa và điêu luyện của các nghệ nhân bản làng với nghề dệt truyền thống dù cho thời gian và cuộc sống hiện đại trôi qua vùn vụt…vẫn không thể bào mòn. Nhưng câu chuyện mà các diễn viên nơi đại ngàn mang đến Liên hoan không chỉ đơn thuần là sắc màu lộng lẫy của trang phục và trang sức, mà còn gởi gắm vào từng tiết mục nét đẹp riêng có của đời sống văn hóa – nghệ thuật dân tộc mình. Những lời ca điệu lý dân ca, điệu múa, âm vọng của tiếng đàn, tiếng khèn hay sáo…đều ẩn chứa biết bao thủ thỉ, nhắn nhủ với người xem về một truyền thống ngàn đời tồn tại giữa mây ngàn gió núi để hôm nay lại tiếp tục được vang lên, tô thắm sắc hương cho công cuộc dựng xây thôn văn hóa trên từng bản làng.
Bức tranh xứ Quảng dọc dài qua những địa phương đồng bằng từ Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn hay Hội An…là những “phối cảnh” đẹp đầy màu sắc ánh lên từ chính thực tế công cuộc xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu những năm qua. Đó là những cái tên thôn, tổ dân phố nhiều năm nay để lại dấu ấn đẹp về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa như: thôn Trung Hạ, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, khối phố Đông Trà, phường Hoà Thuận, thành phố Tam Kỳ, thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, khối phố Hà My Đông A, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, thôn Tam Hòa, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc…
Những lợi thế địa phương, những bản sắc vùng miền hay trầm tích văn hóa có từ ngàn đời được gìn giữ cho đến ngày hôm nay…đều được khai thác dưới nhiều góc độ. Mỗi thôn, tổ dân phố, khối phố văn hóa…vùng trung du và đồng bằng, thành thị mang đến liên hoan không chỉ là lời ca, tiếng đàn, điệu múa, câu chuyện sân khấu…mà còn thể hiện bản lĩnh tiên phong, tinh thần chịu thương chịu khó vượt qua những khó khăn thách thức do điều kiện khác nhau của từng địa phương để hoàn thành những tiêu chí khắc khe của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng thôn, tổ dân phố, khối phố văn hóa để trở thành tiêu biểu. Không chỉ là nét đẹp từ cảnh sắc thiên nhiên, từ tinh thần lao động, ý chí vươn lên làm giàu cho gai đình, làm đẹp xã hội…thể hiện rõ nét qua các tiết mục múa và hát nhiều thể loại được dàn dựng công phu, có ý nghĩa nội dung sâu sắc…mà Liên hoan còn là không gian để các đơn vị thể hiện quan điểm, tình cảm, thái độ cũng như nêu bậc những hạn chế tồn tại trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua, từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm cho tương lai.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các đoàn nghệ thuật đã có sự đầu tư công phu nên đã góp phần vào thành công chung cho liên hoan. Thông qua các tiết mục của các đoàn giúp người xem hiểu và yêu hơn quê hương, con người ở miền quê đó. Chương trình của thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh thành Hội An nổi bật lên chủ đề xuyên suốt gồm các tiết mục khá đặc sắc như: “Hát múa: Trong tiếng hòa quê hương ngày mới”; “Độc tấu đàn Tơ-rưng & đàn bầu: Mùa hái quả”; “Lý kéo chài”; “Múa: Cẩm Thanh ngày mùa” và “Tiểu phẩm dân ca: Thanh Đông – Hương sắc một miền quê”.
Chương trình của khối phố Đông Trà, phường Hoà Thuận, thành phố Tam Kỳ mang đến cho người xem một bức tranh đẹp của làng quê vừa trẻ trung, năng động và cũng không kém phần thơ mộng bên trong một đô thị trẻ. Đó là những tiết mục được đầu tư công phu, tập luyện chu đáo bằng tình thần trách nhiệm của mỗi cư dân trong khối phố. Người xem như được hòa mình vào câu chuyện xây dựng khối phố văn hóa, nếp sống văn minh Đông qua các tiết mục: “Tốp ca, múa phụ họa: Khát vọng hùng cường”; “Độc tấu sáo trúc: Trên đường chiến thắng”; “Múa độc lập: Hương lúa” và “Kịch dân ca: Đông Trà ta đẹp, xanh”…Tất cả đều mang đến cho người xem thêm yêu quý quê xứ mình nhiều hơn…
Đây là sân chơi để các địa phương thể hiện, bày tỏ niềm tin thắng lợi với kết quả tích cực đạt được sau nhiều năm triển khai xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời nhằm khuyến khích, động viên phong trào ca hát ở các địa phương, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa trên hành trình xây dựng nếp sống văn hóa văn minh bền vững ở Quảng Nam.