Trang chủChính TrịKỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913-2023)

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913-2023)

Sáng nay 16.2, tại nhà thờ Cử nhân Hán học Hồ Hoàng (thân sinh) của đồng chí Hồ Nghinh tại làng Phú Bông (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng phối hợp với tộc Hồ Duy Trinh tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913-2023).

Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913-2023)
Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện Duy Xuyên và xã Duy Trinh tham dự lễ.

Trước khi bước vào lễ chính thức, các đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị, dòng tộc, gia đình đã thành kính viếng hương tại nhà thờ để tưởng nhớ về đồng chí Hồ Nghinh, một người con ưu tú của đất Quảng suốt đời cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương đất nước và cả thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước.

Đồng chí Hồ Nghinh đã từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng; Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương giai đoạn đổi mới đất nước.

Diễn văn tại lễ kỷ niệm do ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng trình bày đã điểm lại những dấu mốc lịch sử của quê hương đất Quảng và rộng hơn là cả nước với cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Hồ Nghinh.

Đồng chí Hồ Nghinh (1913-2007)

Ông là một trí thức cách mạng uyên thâm, đặc biệt trong chiến tranh Hồ Nghinh được xem như người thầy về lãnh đạo cách mạng xứ Quảng. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh sau năm 1975, với tư cách Bí thư Tỉnh ủy, ông có công lớn trong chỉ đạo cải cách công thương nghiệp, không rập khuôn giáo điều như nhiều nơi khác và đạt được những thành tích lớn.

Điều không phải ai cũng biết, sau giải phóng, di sản phố cổ Hội An có nguy cơ bị hủy hoại nếu không có vị Bí thư Tỉnh ủy khả kính lúc bấy giờ là Hồ Nghinh.

Ông là người có tầm nhìn rộng mở, tư duy sáng tạo, đổi mới có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng, đổi mới đất nước.

Nói như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí Hồ Nghinh là người ghét các loại cơ hội, bảo thủ và lý luận suông không gắn với thực tiễn cuộc sống đất nước; dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Trần Bạch Đằng khi còn sống đã gọi Hồ Nghinh là người quân tử của thời hiện đại, một “sỹ phu đất Quảng”.  Điều cũng rất đặc biệt, cả ba anh em ruột con của Cử nhân Hán học Hồ Hoàng là Hồ Nghinh, Hồ Thấu, Hồ Liên (tức Hoàng Bích Sơn) đều là những chiến sỹ cách mạng kiên trung, học hành đỗ đạt, sớm giác ngộ và đi theo con đường cách mạng và đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước.

Văn Trường – Quang Phi – Trung Anh

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU