Trang chủChưa được phân loại“Cơ thể” mới cho cây gừng tại Tiên Phước

“Cơ thể” mới cho cây gừng tại Tiên Phước

Người dân các xã vùng bán sơn địa Sơn-Cẩm-Hà huyện Tiên Phước xem gừng là một loại cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, lâu nay cây gừng nơi đây thường bị nhiễm bệnh rất nặng, gây thối củ và lây lan rất nhanh dẫn đến hiệu quả thấp.

Người dân các xã vùng bán sơn địa Sơn-Cẩm-Hà huyện Tiên Phước xem gừng là một loại cây trồng truyền thống. Tuy nhiên, lâu nay cây gừng nơi đây thường bị nhiễm bệnh rất nặng, gây thối củ và lây lan rất nhanh dẫn đến hiệu quả thấp. Điều này đang được cải thiện khi dự án “Nông lâm kết hợp định hướng thị trường góp phần giảm nghèo tại Quảng Nam – giai đoạn mở rộng” do tổ chức FAO tài trợ đã quan tâm vào cuộc.

Các chuyên gia hướng dẫn bà con nông dân quy trình trồng gừng.

Trong quá trình triển khai Dự án “Nông lâm kết hợp định hướng thị trường góp phần giảm nghèo tại Quảng Nam” trên địa bàn huyện Tiên Phước, các nhà quản lý và chuyên gia dự án phát hiện người dân các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Hà rất chuộng trồng gừng nhưng thường lúng túng và chịu thiệt thòi trước tình trạng cây gừng sắp cho thu hoạch thì bị thối củ hàng loạt. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình – Chuyên gia dự án GCP/VIE/035/ITA tại Quảng Nam cho biết: Chúng tôi nhìn nhận đây là vấn đề phải giúp đỡ cho dân, chúng tôi đã xây dựng 7 mô hình giúp dân trồng gừng, mời tiến sỹ Nguyễn Vĩnh Trường – Đại học Huế vào trực tiếp tập huấn về quy trình thâm canh gừng: từ chọn củ giống, xử lý củ giống, xử lý đất trồng, chăm sóc và phòng trừ bệnh.

Từ tháng 6-2012, dự án bắt đầu tập huấn kỹ thuật cung cấp cây gừng giống, phân bón, thuốc và chi phí công lao động cho 7 chủ mô hình được lựa chọn. Tại mô hình trồng gừng của ông Lê Văn Phúc ở thôn 5 xã Tiên Sơn, từ tháng 9-2012 bắt đầu trồng trên diện tích 350m2, đến 85 ngày gừng bắt đầu có bệnh, song nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn nên ông Phúc đã khống chế được bệnh, không gây thối củ. Ông Lê Văn Phúc  – Thôn 5, xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước cho biết thêm: Đặc biệt năm nay về kỹ thuật, so với địa phương làm, thông thường khi bị thối thì mất hết; còn cái này bị thối nhưng lây lan rất chậm. Đó là điều người dân chúng tôi rất mừng. Còn kỹ thuật, tôi theo hướng dẫn không dùng nhiều phân hóa học như trước, chỉ sử dụng phân NPK, ngoài ra dùng phân chuồng, xử lý vôi trước 7 ngày rồi dùng. Từ đó, gừng này so với các năm thì không tốt, nhưng năng suất và chất lượng hơn hẳn.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật cây gừng cho năng suất cao.

Cũng theo ông Phúc, trồng theo hướng dẫn kỹ thuật, mỗi bụi gừng cho trọng lượng từ 8 lạng đến 1kg, trong khi cách trồng gừng truyền thống trước đây chỉ đạt khoảng 3 lạng/1 bụi. Ông Lê Văn Phúc nhận xét: theo thị trường tại đây, gừng so với giống ban đầu mua 20 ngàn, do không có thị trường tiêu thụ, giá hiện chỉ có 15 ngàn. Nhưng so làm gừng với làm lúa thì làm gừng lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Rõ ràng, cũng với giống gừng địa phương, nhưng được trang bị kiến thức kỹ thuật đưa vào áp dụng thâm canh, cây gừng Tiên Phước như được thay mới “cơ thể”, tạo cho người trồng khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Việt Hảo – Tấn Châu

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU