Hiện nay, Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích trên 64.000 ha. Tuy nhiên, ngoài cây sân Ngọc Linh thì các cơ chế, chính sách hỗ trợ chỉ mới thực hiện 3 loại là đẳng sâm, ba kích tím, sa nhân. Thực tế này chưa thể phát huy hết giá trị và bảo tồn các loại dược liệu quí tại Quảng Nam. Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá và đề xuất thêm 30 loại dược liệu đang phát triển tại Quảng Nam.
Sâm Ngọc Linh được trồng ở các huyện miền núi Quảng Nam.
Trong tổng diện tích trên 64 ngàn ha cây dược liệu thì diện tích hiện có gần 2,5 ngàn ha, diện tích quy hoạch trồng mới trên 61 ngàn ha. Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên cơ sở xây dựng các vùng cây dược liệu ổn định, phát triển nguồn giống dược liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và khai thác chế biến dược liệu. Theo các nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam chỉ tập trung phát triển 3 cây dược liệu chủ lực là cây sa nhân, đẳng sâm và ba kích. Các doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ 25 tỷ đồng mỗi năm khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu. Tỉnh Quảng Nam cũng ưu tiên dành nguồn kinh phí 30 tỷ đồng/năm để hỗ trợ thực hiện các dự án hợp tác, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, dược liệu nói riêng.
Đến nay, diện tích hỗ trợ trồng đẳng sâm, ba kích tím, sa nhân của người dân đạt hơn 426ha, các địa phương xây dựng 4 khu vực trồng bảo tồn chủ động, kết hợp sản xuất 3 loại cây đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím với diện tích 25ha; hỗ trợ 12.900 cây giống sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác với tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng. Cây dược liệu tại khu vực vùng cao Quảng Nam đã góp phần tạo thu nhập ổn định, cải thiện sinh kế cho người dân.
Tấn Châu – Trần Chiến