Quảng Nam hiện có 45 làng nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, tỉnh tập trung ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, hướng đến phục hồi phát triển bền vững các làng nghề một cách bền vững.
Làng nghề gốm Thanh Hà.
Quảng Nam hiện có 45 làng nghề, làng nghề truyền thống, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, đan lát và cơ khí… với 3.341 cơ sở sản xuất, chế biến đã tạo việc làm cho hơn 6.500 lao động.
Để khôi phục và giúp các làng nghề phát triển, từ năm 2011 đến nay, bằng nguồn vốn ngân sách, Quảng Nam đã đầu tư gần 110 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Quảng Nam triển khai nhiều chủ trương bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát triển sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Quảng Nam tập trung quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề đã được quy hoạch. Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề./.
Ngọc Trang – Minh Quân