Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 75% dân số trên địa bàn tham gia mua sắm trực tuyến; cùng với đó, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 70%. Đến năm 2045, các con số tương ứng lần lượt là 90% và 85%. Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong kế hoạch “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quảng Nam phấn đấu 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến sau 10 năm.
Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống và cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại trong vòng 5 năm tới theo hướng phát triển trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị, cửa hàng bán lẻ hoạt động theo mô hình hiện đại.
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Nam kêu gọi doanh nghiệp và tổ chức ứng dụng mô hình quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website bán hàng điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại thông qua các trang diễn đàn, mạng xã hội (facebook, zalo,…); thí điểm và triển khai nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Vpostcode, các ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Khu vực nông thôn sẽ được hỗ trợ và vay vốn để thực hiện thương mại điện tử, đưa hàng hóa khu vực nông thôn lên các sàn thương mại điện tử.
Hiền Viên – Trung Hiếu