- CÁC THUẬT NGỮ DÙNG TRONG NGHIỆP VỤ DỰ BÁO, CẢNH BÁO THUỶ VĂN
1.1. Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống.
1.2. Cảnh báo lũ là đưa ra thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra lũ có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường.
1.3. Dự báo lũ là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái, quá trình diễn biến lũ trong tương lai ở một khu vực, vị trí với khoảng thời gian xác định.
1.4. Thời hạn dự báo lũ là khoảng thời gian tính từ thời điểm quan trắc cuối cùng của trị số thực đo dùng để dự báo lũ đến thời điểm xuất hiện trị số dự báo.
1.5. Thời hạn cảnh báo lũ là khoảng thời gian tính từ thời điểm quan trắc cuối cùng trị số thực đo dùng để cảnh báo lũ đến thời điểm xuất hiện hiện tượng lũ.
1.6. Trị số thực đo là giá trị quan trắc được của mực nước hoặc lưu lượng lũ tại một vị trí ở một thời điểm hoặc đặc trưng của lũ trong một khoảng thời gian trong quá khứ.
1.7. Trị số dự báo là giá trị tính toán được của mực nước hoặc lưu lượng lũ tại một vị trí ở một thời điểm hoặc đặc trưng của yếu tố đó trong một khoảng thời gian trong tương lai.
1.8. Sai số dự báo lũ là khoảng chênh lệch giữa giá trị dự báo và giá trị thực đo của mực nước hoặc lưu lượng lũ tại thời điểm dự báo.
1.9. Đỉnh lũ thực đo là mực nước/lưu lượng cao nhất quan trắc trong một trận lũ tại một tuyến đo. Đỉnh lũ năm là đỉnh lũ cao nhất đã quan trắc được trong năm. Đỉnh lũ trung bình nhiều năm là trị số trung bình của các đỉnh lũ năm trong thời kỳ quan trắc.
1.10. Cường suất lũ là trị số biến đổi mực nước lũ hoặc lưu lượng trong một đơn vị thời gian, thường lấy đơn vị là cm/h (cm/giờ) hoặc m/ngày và đêm. Cường suất lũ trên các sông ở vùng núi có thể lên đến 2-5 mét/giờ, ở đồng bằng hạ lưu các sông, có thể 10 – 20 cm/giờ.
1.11. Thời gian một trận lũ (t) là khoảng thời gian từ khi lũ bắt đầu lên đến khi kết thúc. Thời gian lũ lên là khoảng thời gian từ khi lũ bắt đầu lên đến khi đỉnh lũ xuất hiện. Thời gian lũ xuống là khoảng thời gian từ khi xuất hiện đỉnh lũ đến khi lũ kết thúc (t = tl + tx).
1.12. Chân lũ lên là giá trị thấp nhất của mực nước/lưu lượng tại thời điểm lũ bắt đầu lên.
1.13. Lũ lên (hoặc xuống) nhanh là lũ có cường suất lên (hoặc xuống) vượt quá cường suất lũ lên (hoặc xuống) trung bình nhiều năm tại một vị trí.
1.14. Lũ lên (hoặc xuống) chậm là lũ có cường suất lên (hoặc xuống) nhỏ hơn cường suất lũ lên (hoặc xuống) trung bình nhiều năm tại một vị trí.
1.15. Dao động là hiện tượng mực nước (hoặc lưu lượng) lên, xuống với biên độ nhỏ hơn độ lệch chuẩn của mực nước (hoặc lưu lượng) tại một vị trí.
1.16. Xu thế lũ là trạng thái lũ lên (hoặc xuống) nhanh (hoặc chậm) hoặc dao động.
1.17. Lụt là hiện tượng ngập nước của một vùng lãnh thổ do lũ gây ra. Lụt có thể do lũ lớn, nước lũ tràn qua bờ sông, đê hoặc làm vỡ các công trình ngăn lũ vào các vùng trũng; có thể do nước biển dâng khi gió bão làm tràn ngập nước vùng ven biển.
1.18. Úng là hiện tượng ngập do nước mưa gây ra. Ngập úng thường xuất hiện do mưa lớn ở các vùng đồng bằng trũng, thấp, hoặc ở các đô thị do mưa lớn hệ thống thoát nước kém.
1.19. Phương án dự báo, cảnh báo lũ là cách thức cụ thể được xây dựng từ một hoặc nhiều phương pháp dự báo, cảnh báo để phân tích, tính toán, dự báo, cảnh báo lũ tại một vị trí, khu vực hoặc một lưu vực sông.
2.ĐẶC ĐIỂM LŨ TRÊN ĐỊA BÀN QUẢNG NAM
2.1. Đặc điểm lũ
Tỉnh Quảng Nam có địa hình phần lớn là đồi núi dốc chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên nên khả năng tập trung nước nhanh. Lượng mưa trong mùa lũ lớn, sông suối ngắn và dốc do đó mà lũ ở lưu vực xảy ra rất ác liệt với cường suất lũ lớn. Lũ trên các sông trên lưu vực có đủ các dạng lũ đơn, lũ kép, có lũ kép tới 3 – 4 đỉnh.
2.2. Chế độ lũ:
Lũ chủ yếu tập trung vào 2 tháng 10 và 11. Trên hệ thống sông Thu Bồn – Vu Gia trung bình hàng năm có 4 trận lũ từ báo động I trở lên, năm nhiều nhất có 8 đến 9 trận. Lũ từ báo động II trở lên, trung bình mỗi năm có 2 trận, năm nhiều nhất có đến 6-7 trận như các năm năm 1996, năm 2007 và năm 2020. Lũ trên báo động III trung bình mỗi năm có khoảng 1 trận, năm nhiều nhất có đến 3 trận.
2.3. Phân cấp lũ.
2.3.1. Phân cấp lũ dựa trên độ lớn của đỉnh lũ
+ Lũ nhỏ: Khi đỉnh lũ (Hmax) nhỏ hơn mực nước đỉnh lũ ứng với tần suất 70% trên đường tần suất đỉnh lũ (HmaxP70%);
+ Lũ trung bình: Khi Hmax trong khoảng giá trị từ HmaxP70% đến HmaxP30%;
+ Lũ lớn: Khi Hmax lớn hơn HmaxP30%.
+ Lũ đặc biệt lớn là lũ có đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc;
+ Lũ lịch sử là lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.
2.3.2. Phân cấp lũ theo quy định về cấp báo động lũ
Độ lớn đỉnh lũ được phân định thành 3 cấp (báo động 1, báo động 2, báo động 3) theo Quyết định số 05/2020/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước.
BẢNG MỨC BÁO ĐỘNG VÀ ĐẶC TRƯNG ĐỈNH LŨ Ở QUẢNG NAM
Trạm | Mức báo động | Đặc trưng nhiều năm | Lũ 1964 | Ghi chú | |||
I | II | III | Max | Ngày tháng | |||
Thành Mỹ | 15.0 | 19.0 | 22.0 | 27.14 | 29/9/2009 | Sông Vu Gia | |
Hội Khách | 14.5 | 15.5 | 16.5 | 18.53 | 29/9/2009 | ||
Ái Nghĩa | 6.5 | 8.0 | 9.0 | 10.77 | 30/9/2009 | 10.56 | |
Hiệp Đức | 26.0 | 28.0 | 30.0 | 30.07 | 20/11/1998 |
Sông Thu Bồn | |
Nông Sơn | 11.0 | 13.0 | 15.0 | 18.65 | 16/11/2007 | ||
Giao Thủy | 6.5 | 7.5 | 8.8 | 9.75 | 30/9/2009 | 10.06 | |
Câu Lâu | 2.0 | 3.0 | 4.0 | 5.39 | 17/11/2007 | 5.48 | |
Hội An | 1.0 | 1.5 | 2.0 | 3.28 | 17/11/2007 | 3.40 | |
Tam Kỳ | 1.7 | 2.2 | 2.7 | 3.69 | 05/12/1999 | Sông Tam Kỳ |
3. KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN LŨ LỤT
Thông tin lũ, lụt được phát hành từ các nguồn như sau:
+ Tin từ Trung tâm KTTV Quốc Gia
+ Tin từ Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ
+ Tin từ Đài KTTV tỉnh Quảng Nam
Thông tin KTTV được thông tin trên các hệ thống sau:
+ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PTTH Quảng Nam, Đài PTTH địa phương..
+ Trang thông tin điện tử: https://nchmf.gov.vn/
+ Trang thông tin: http://quangnam.kttvttb.vn/
+ Trang thông tin điện tử: http://pctt.quangnam.vn
+ Trang thông tin điện tử: https://qrt-test.domdom.net.vn/
+ Trang Fanpage “Thời tiết Quảng Nam
4. KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU LŨ LỤT
4.1. Trước lũ
+ Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ
+ Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà dể ở tạm, cất giữ đồ đạc phòng lũ.
+ Di chuyển gia súc, gia cầm, đồ đạc lên nới cao để tránh ngập.
+ Bảo vệ nguồn nước sạch; dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, các vận dụng cần thiết đủ dùng ít nhất 7 ngày.
+ Tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
+ Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
+ Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
+ Đề phòng lũ xảy ra vào ban đêm.
4.2. Trong lũ
+ Cắt hết các nguồn điện sinh hoạt.
+ Di chuyển đến nơi cao dáo, an toàn.
+ Không chơi đùa, bơi lội hoặc đi lại trong nước lũ.
+ Không vớt củi, đồ vật trôi trên sông.
+ Không đi vào khu vực nguy hiểm.
+ Khi di chuyển phải sử dụng ao phao hoặc các đồ vật nổi khác.
+ Ăn uống hợp vệ sinh
+ Hỗ trợ nhau theo truyền thống “Lá lành đùm lá rách”.
+ Bảo vệ người già yếu, trẻ em, người khuyết tật.
4.3. Sau lũ
+ Kiểm tra các trang thiết bị trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
+ Khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.
+ Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương.
+ Tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường.