Trang chủPhóng sựTấm lòng của một đại tá về hưu

Tấm lòng của một đại tá về hưu

 

Sau khi về hưu, ngoài là nông dân sản xuất giỏi, Đại tá Nguyễn Phước Cương (SN 1956, trú thôn Trung Viên, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) còn có nhiều việc làm ý nghĩa vì cộng đồng, được mọi người quý mến.

Ông Cương chăm sóc trang trại nấm của gia đình. Ảnh: T.D
Ông Cương chăm sóc trang trại nấm của gia đình. Ảnh: T.D

Ông Cương nhớ lại, sau gần 35 năm công tác tại Huyện đội Hiệp Đức, năm 2011 ông về hưu với quân hàm đại tá. Thời điểm về hưu thì xã Quế Trung (huyện Nông Sơn) bắt đầu xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Là người có uy tín nên ông được người dân tín nhiệm bầu là Trưởng ban dự án phát triển vùng do tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ tại thôn Trung Viên (xã Quế Trung). Ngay từ khi tham gia hoạt động, ông Cương đã xin nguồn vốn hỗ trợ và vận động bà con nhân dân đóng góp tiền để xây dựng sân chơi cho trẻ em. Với số tiền 13 triệu đồng sau khi vận động, ông cùng bà con xây dựng sân chơi cho trẻ em tại thôn Trung Viên. Cũng trong thời gian này, tuyến đường dây điện làm trụ bằng tre bắc qua thôn Trung Viên có nguy cơ gãy đổ nên ông Cương đứng ra xin kinh phí để làm trụ điện. Từ năm 2014 đến 2016, ông đã xin được kinh phí xây dựng 75 cột điện (cao 4,5m). Có nguồn vốn, ông tiếp tục cùng chính quyền địa phương đi đến từng hộ dân vận động bà con góp công và liên hệ đơn vị bộ đội giúp dân, thực hiện dựng trụ, bắc dây, bóng đèn để thắp sáng trục đường chính của thôn. Nhờ đó, hơn 3km đường điện kiên cố đã được lắp đặt, phục vụ cho bà con. Sau đó, ông Cương còn xin hỗ trợ để xây dựng 30 công trình vệ sinh cho các hộ trên địa bàn. Không những vậy, khi địa phương phát động làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng để xây dựng nông thôn mới, việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn khi người dân đã ít đất sản xuất, nay lại làm đường bê tông trúng đất làm ruộng, ông đã bàn với vợ đem miếng đất 300m2 của gia đình đổi cho hộ dân đó để lấy đất làm đường. Hiện nay ông Cương còn xin được kinh phí xây dựng một cái giếng cộng đồng để giúp người dân địa phương có nước vào mùa khô. “Trước đây làm trong quân đội, là người đi tiên phong nên sau này về sống với bà con thì mình cũng nên làm gương, đi trước. Cái gì làm được, giúp được cho bà con là mình làm” – ông Cương nói.

Ở địa phương, ông Cương còn là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Ông đã xây dựng và duy trì mô hình trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, sau khi tìm hiểu cơ bản về kỹ thuật trồng loại nấm bào ngư, ông quyết định xây dựng 3 trại để làm nấm nhằm phát triển kinh tế gia đình. Trung bình mỗi lứa gia đình ông làm 1.000 – 1.200 bịch nấm bào ngư cung cấp ra thị trường, mỗi tháng gia đình ông Cương thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng từ nấm. Ngoài ra ông cũng đang chăm sóc 3ha rừng, qua 4 năm gia đình ông lãi hơn 80 triệu đồng/ha. Hiện nay ông tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình trồng tiêu Tiên Phước với diện tích gần nửa héc ta. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU