Dự án “tủ sách thông minh” của Trương Duy Nhất và Nguyễn Lương Duy, học sinh lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) năm học 2016-2017 được hình thành từ ý tưởng xây dựng một tủ sách dùng chung của Câu lạc bộ (CLB) sách Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dự án này đã đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Với kết quả này, cả Nhất và Duy đều được tuyển thẳng vào đại học.
Trương Duy Nhất và Nguyễn Lương Duy (hàng ngồi, bìa trái) cùng thầy giáo Phan Công Thành tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
Nói về ý tưởng thực hiện dự án “tủ sách thông minh”, Trương Duy Nhất cho biết, từ khi ra đời (năm 2015), CLB Sách của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tập hợp được nhiều bạn trẻ ham đọc sách. Ngoài đam mê đọc sách, các thành viên trong CLB còn mong ước tình yêu sách lan tỏa đến nhiều người. Chính điều này đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng tủ sách dùng chung, vận hành dựa trên sự tự giác của bạn đọc mà không cần thủ thư, nhằm đem lại những trải nghiệm thuận lợi và thú vị trong việc đọc sách. Nhất và Duy còn chia sẻ, từ những năm học THCS, hai bạn đã là độc giả thường xuyên của thư viện tỉnh và thư viện trường. Tuy nhiên, việc chỉ có thể mượn sách ở thư viện trong giờ hành chính, đối với học sinh có phần không thuận tiện. Với “tủ sách thông minh”, học sinh có thể mượn sách ngoài giờ, kể cả buổi tối. “Vì đây là tủ sách của cộng đồng và phục vụ cộng đồng nên việc phục vụ mượn – trả sách càng linh hoạt càng tốt. Nhiều người không có điều kiện mua sách để đọc nên việc ra đời một tủ sách cho mượn sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc” – Lương Duy chia sẻ.
Tủ sách mở cho người đọc
Khi xây dựng dự án “tủ sách thông minh”, điều đầu tiên Nhất và Duy nghĩ đến là đối tượng độc giả, ở đây phần lớn là học sinh trong trường, các giáo viên, nhân viên và con em họ; sau đó mới đến khả năng đáp ứng tài chính, khả năng đáp ứng công nghệ. “Rất may, trong quá trình tìm kiếm giải pháp vận hành tủ sách, bọn em đã được Công ty CP Hệ Thống Việt V-SYS – nhà sáng chế ra ngôn ngữ lập trình đơn giản gần với ngôn ngữ tự nhiên V-SYS LOGIC và hệ phần cứng điều khiển I-O Easy cho các hệ thống tự động thông minh trong môi trường internet của vạn vật (IoT) đã hỗ trợ thiết bị để xây dựng tủ sách” – Duy cho biết. Từ đó, 2 bạn xây dựng quy trình vận hành tủ sách dựa trên hệ thiết bị của V-SYS.
“Tủ sách thông minh” của Nhất và Duy gồm một ngăn chứa sách và một ngăn điều khiển, đóng mở bằng khóa từ, các quyển sách được đặt trên các khay định vị gắn công tắc hành trình. Tủ sách và website phiên bản thử nghiệm đã được xây dựng và hoạt động tốt, hầu như đáp ứng các yêu cầu của quy trình vận hành đã đặt ra. Theo đó, mỗi người dùng sẽ được định danh bằng một số ID thông qua một thẻ từ. Mỗi quyển sách sẽ được định danh bằng một số ID thông qua một khóa mà các tín hiệu đóng mở khóa được thực hiện nhờ một công tắc tiếp điểm. Hệ thống thông minh I-O Easy hoạt động trên ngôn ngữ V-SYS LOGIC sẽ quản trị các số ID định danh. Khi người dùng dùng thẻ từ nhập mã pin hợp lệ để mở khóa tủ, mượn và trả sách thì hệ thống I-O Easy sẽ cập nhật các trạng thái này (người dùng, sách mượn, sách trả, thời điểm mượn/trả, thời điểm mở/đóng tủ) lên website của hệ thống. Muốn biết tình trạng lưu hành của một cuốn sách, người dùng chỉ cần truy vấn trên website. Qua đó sẽ biết sách đó đã được mượn hay chưa, ai đang mượn, khi nào đến hạn trả. Thông qua group facebook của hệ thống, một người có thể nhắn tin đến một thành viên đang mượn cuốn sách về ý định của mình muốn mượn cuốn sách đó. Theo Duy Nhất, tuy rằng hệ thống dựa vào tính tự giác của người dùng, như người dùng tự mở tủ, tự mượn và tự trả nhưng vẫn có tính kiểm soát cao vì hệ thống lưu lại được các thông tin ai đó đã mở, đóng tủ và mượn – trả những gì vào thời điểm nào.
Nhiều ưu điểm
Thầy Phan Công Thành – giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, người bồi dưỡng, hướng dẫn học trò của mình thực hiện dự án “tủ sách thông minh” chia sẻ, việc xây dựng quy trình quản lý cho tủ sách được học sinh của trường thực hiện, và nhà trường hỗ trợ việc đóng tủ. “Quy mô của tủ là 500 quyển sách, hướng đến các loại sách phát triển kỹ năng sống, giúp học tiếng Anh, giúp tìm học bổng, các tác phẩm văn học kinh điển; các sách có hàm lượng học thuật cao gồm sách phổ biến khoa học, lịch sử, kinh tế, chính trị và triết học với tinh thần khai phóng, cũng góp mặt. Dự kiến sau này sẽ phát triển tủ sách quy mô lớn hơn, mở rộng địa bàn ra ngoài nhà trường và sẽ tự động hóa hoàn toàn” – thầy Thành cho biết. Một ưu điểm của bộ giải pháp này là giúp một người bình thường (không phải là chuyên gia hay chuyên viên về tự động hóa hay công nghệ thông tin) có thể dễ dàng kết nối và giao tiếp với các thiết bị cảm biến đầu vào và các thiết bị chấp hành đầu ra trong cùng hệ thống. Sau đó, dễ dàng thiết lập các quy trình tự động. “Mục tiêu của dự án là để một người không chuyên, không rành công nghệ thông tin cũng có thể thao tác được. Điều này rất thuận tiện cho học sinh phổ thông tiếp cận” – Nhất nói.
Có thể nói, dạng tủ tương tác bán tự động được phát triển trong dự án này có thể mang lại trải nghiệm đọc thú vị ở các cộng đồng nhỏ như trường học, khu nội trú sinh viên, góp phần phát triển văn hóa đọc. Duy chia sẻ, năm học tới, tủ sách thông minh sẽ được áp dụng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; đồng thời sẽ tăng thêm nhiều tính năng trong website như: đăng ký thành viên, cho phép bình chọn, bình luận; thêm tính năng nuốt và nhả thẻ ở đầu đọc/ghi thẻ từ; thêm tính năng tương tác với I-O Easy Center bằng điện thoại. Còn những ngày này, Nguyễn Lương Duy và Trương Thanh Nhất đang bắt tay vào làm robot để tham dự cuộc thi Robodnic tại Đà Nẵng sắp tới. (Nguồn: baoquangnam.vn)