Trang chủPhóng sựNhọc nhằn khôi phục vùng sản xuất sau lũ

Nhọc nhằn khôi phục vùng sản xuất sau lũ

 

Những ngày nắng ráo, nông dân vùng chuyên canh ở Đại Lộc bắt tay vào cải tạo vùng sản xuất bị hư hại, chuẩn bị xuống giống rau quả vụ đông. Song, nhiều nơi của xã Đại Minh, Đại Nghĩa, việc khôi phục sản xuất sau lũ gặp khó bởi tình trạng đất sản xuất bị rửa trôi, xói lở hay bồi cát nặng nề.

Vùng trồng cây màu tại thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa biến thành con lạch sâu do ảnh hưởng của lũ lụt. Ảnh: H.LIÊN
Vùng trồng cây màu tại thôn Mỹ Thuận, xã Đại Nghĩa biến thành con lạch sâu do ảnh hưởng của lũ lụt. Ảnh: H.LIÊN

Ngổn ngang đất lở, đất bồi

Tại vùng đất màu của xã Đại Nghĩa, tình trạng lở, bồi đan xen khiến nhiều vùng đất sản xuất của thôn Phiếm Ái 1, Mỹ Thuận, Hòa Mỹ, Đại Lợi bị biến dạng nham nhở. Tại thôn Mỹ Thuận, đợt lũ vừa qua khiến đất sản xuất bị xói mòn, hình thành hàng chục vũng nước sâu và nguy cơ một con lạch từ sông sẽ tiếp tục “xé đôi” vùng sản xuất này. Con đường nội đồng phục vụ việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản rộng 5m ở cánh đồng này cũng bị xói lở nặng, chiều dài hơn 20m với những hục hang nham nhở. Để khắc phục, không chỉ với sức dân mà phải cần đến xe cơ giới. Hàng loạt trụ điện thủy lợi hóa đất màu bị ngả đổ do lũ cần sớm khắc phục kịp thời. Theo ông Trương Nhành – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, toàn xã có 4ha đất bị xói mòn ở các thôn Mỹ Thuận, Phiếm Ái 1; có hơn 3ha bị bồi lấp ở thôn Hòa Mỹ, Đại Phú; có 0,3ha bị bồi lấp do bèo phủ dày ở thôn Đại Lợi. Nhiều vùng bồi lấp, người dân có thể tự cải tạo, đưa máy móc vào cải tạo lớp đất bề mặt để sản xuất trở lại. Song, mấy héc ta sản xuất ở thôn Mỹ Thuận bị xói lở, rửa trôi, biến dạng nặng, khắc phục rất khó khăn, cũng khó bố trí được cây trồng, nguy cơ người dân bỏ đất là rất cao.

Từ Đại Nghĩa, qua cánh vùng B Đại Lộc, theo chân lão nông Ngô Châu Hòa (60 tuổi, thôn Ấp Bắc, xã Đại Minh) đến vùng chuyên canh rau màu của hai thôn Ấp Bắc, Phước Bình (xã Đại Minh), trước mắt chúng tôi là cảnh tiêu điều với hơn 30ha đất sản xuất vòng 1 của hai thôn đã bị bồi lấp, rửa trôi nặng nề. Thôn Ấp Bắc bị cắt ngang bởi con lạch sâu, qua lũ, con lạch lại càng sâu và khoét rộng thêm vào đất sản xuất của làng. Theo lão nông Ngô Châu Hòa, ít nhất có 3 – 4ha nằm sát con lạch bị xói lở, rửa trôi nặng, không trồng được cây gì. Còn vùng chuyên canh lại mênh mông cát trắng trồi sụt, nham nhở. Nhìn vùng sản xuất màu mỡ vốn trồng các cây chủ lực ớt, thuốc lá, đậu xanh, các loại cây la ghim xác xơ tiêu điều, chỉ toàn cát trắng, lão nông Ngô Châu Hòa và nhiều nông hộ xót xa. Không chỉ tiếc vì những sào đất trồng ớt hay dưa leo, rau xanh, khổ qua đang bò choái xanh rờn đã bị lũ cuốn mà họ còn ngao ngán không biết xoay xở ra sao với vùng cát bồi dày, nham nhở. Như ông Hòa, dù mất 3 sào ớt vừa xuống giống cũng không xót bằng cả  7 sào đất bị cát bồi trên 5 tấc. Lão nông nói giọng buồn buồn: “Thấy thời tiết ổn định, chúng tôi ra dọn dẹp, gom toàn bộ choái, lưới, bạt lại thành đống để giải phóng đất, kịp thời xuống lứa rau, ớt, đậu tây phục vụ tết, nhưng đất như thế này thì chịu chết rồi. Chừ muốn trồng cây gì cũng phải cải tạo lớp cát này đi”. Bà Vỹ Thị Mai (trú Ấp Bắc) chia sẻ, vùng này bà con sống nhờ cây ớt, mỗi sào ớt có thể cho thu nhập tới 30 triệu đồng/vụ, giờ nhiều hộ chưa biết xoay xở ra sao, không biết trồng cây gì trên đất cát này. Còn ông Nguyễn Đài (cùng thôn với bà Mai) thì mong mỏi: “Làm nông chỉ trông vào miếng đất, bám vào đất mà sống. Bọn trẻ đi hết rồi, chỉ còn lại người già. Chừ có ra răng thì cũng cố gắng cải tạo chứ chẳng lẽ bó gối. Mong Nhà nước hỗ trợ chi phí cải tạo, giống để bà con có điều kiện khắc phục, cải tạo bớt lớp cát bề mặt để trả lại đất và gieo trồng tái sản xuất cho kịp vụ mùa”.

Vùng chuyên canh xã Đại Minh (Đại Lộc) bị cát vùi lấp. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Vùng chuyên canh xã Đại Minh (Đại Lộc) bị cát vùi lấp. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cần hỗ trợ cấp thiết

Theo ông Nguyễn Năm – Chủ tịch UBND xã Đại Minh, hơn 30ha bị xói lở, bồi lấp nặng của hai thôn Ấp Bắc và Phước Bình là toàn bộ đất sản xuất vòng 1 của hàng trăm hộ dân hai thôn. Vùng chuyên canh này vốn cho năng suất cao, nhiều nông hộ đổi đời cũng nhờ đây. Song, đất sản xuất đã bị biến động nặng nề sau lũ, nhiều chỗ vẫn còn ngập nước, chờ nước rút hết xã sẽ phải thống kê lại toàn bộ để báo cáo huyện chỉ đạo hướng khắc phục. Về định hướng cây trồng cũng rất khó vì cát bồi quá dày, từ 5 tấc đến cả mét, không trồng được cây gì. Còn để cải tạo hết lớp cát bề mặt trả lại hiện trạng đất sản xuất cũng phức tạp, cần phải có chủ trương, phương án cải tạo và có chỉ đạo từ cấp trên cũng như sự đồng thuận của nhân dân. Cũng theo ông Năm, không chỉ bị biến động hiện trạng đất sản xuất, nguy cơ tiếp tục mất đất hiển hiện khi con lạch sâu từ sông Vu Gia tiếp tục ăn sâu vào đất sản xuất, làm mất đất vòng 1 của thôn Ấp Bắc nếu không kịp thời có giải pháp. Xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xây dựng tuyến kè sông ngắn ngay đầu thôn Ấp Bắc vừa giữ làng, vừa giữ đất nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng sông xé lạch, xâm thực làm mất đất sản xuất cũng là nỗi lo ở thôn Mỹ Thuận (xã Đại Nghĩa).

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, toàn huyện có hơn 200ha đất sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng xói lở, bồi lấp sau lũ; trong đó có 14,4ha bị sạt lở, 19,15ha bị xói mòn, 170ha bị bồi lấp. Bên cạnh nỗ lực của nhân dân và chính quyền địa phương, rất mong trung ương và tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí giúp địa phương khắc phục, sửa chữa một số công trình thủy lợi hóa đất màu, cải tạo đồng ruộng bị xói lở, bồi lấp nặng kịp thời để đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân 2017 – 2018. Huyện cũng đề xuất cấp trên hỗ trợ giống cây trồng rau màu để nông dân có điều kiện khắc phục, ổn định sản xuất cũng như hỗ trợ gạo cho nhân dân vùng sản xuất đất màu bị thiệt hại trong đợt lũ vừa qua. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU