Trang chủPhóng sựChia sẻ cùng nữ công nhân

Chia sẻ cùng nữ công nhân

 

Buổi đối thoại với chủ đề “Giáo dục đời sống gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trong công nhân lao động” được Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đã giúp nữ công nhân (CN) mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ những nỗi lòng, giúp họ có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc.

Các công nhân nữ có được cơ hội tư vấn về xây dựng hạnh phúc gia đình và kiến thức phòng chống bạo lực gia đình từ buổi đối thoại.Ảnh: D.L
Các công nhân nữ có được cơ hội tư vấn về xây dựng hạnh phúc gia đình và kiến thức phòng chống bạo lực gia đình từ buổi đối thoại.Ảnh: D.L

Mạnh dạn nói lên nỗi niềm

Đối thoại với CN về pháp luật lao động đã diễn ra không ít, nhưng khu biệt trong nội dung về hạnh phúc gia đình, đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình là lần đầu tiên Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Thoạt đầu, nhiều nữ CN tỏ ra e ngại, không dám nói lên vấn đề của gia đình mình, bởi sợ người khác biết nhưng sau khi nghe chuyên gia tư vấn tâm lý giải thích, nhiều nữ CN của Công ty TNHH may mặc Onewoo (xã Bình Phục, Thăng Bình) đã mạnh dạn nói lên chuyện buồn của gia đình để nhờ sự tư vấn. Chị H.T.B. có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị đi làm CN, còn chồng làm phụ hồ để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Từ ngày chị đi làm CN cũng là lúc người chồng của chị liên tục say xỉn sau mỗi ngày đi làm về. Lúc đầu, người chồng về nhà nổi máu ghen tuông, la mắng, sau thẳng tay đánh đập chị. “Đau đớn hơn là 2 đứa con bị ảnh hưởng bởi cuộc sống gia đình thường xuyên xảy ra chuyện cha đánh mắng mẹ. Các con tôi học hành sa sút…”. Chuyện xảy ra đã hơn 5 năm nay nhưng người phụ nữ này không biết tìm đến ai để có thể tìm hướng giải quyết. Cho đến hôm nay, chị như được giải tỏa nỗi lòng, muốn tìm một hướng giải quyết nào đó êm thấm mà không ảnh hưởng đến các con.

Hay như một CN trẻ tuổi giấu tên cho biết chị vừa lập gia đình, để tăng thu nhập gia đình và đáp ứng yêu cầu của công ty, chị phải tăng ca thường xuyên. Chuyện đi khuya về sớm thất thường đã khiến hạnh phúc gia đình chị ít nhiều ảnh hưởng, người chồng thường ghen tuông vô cớ. Chị phải đưa điện thoại cho chồng kiểm tra thường xuyên, nhưng chồng vẫn không tin, cho rằng chị gọi điện hay nhắn tin đã xóa hết thì có gì để kiểm tra. Hạnh phúc gia đình của một CN trẻ tuổi bị lung lay, chị không biết phải giải quyết câu chuyện gia đình như thế nào cho yên ổn khi người chồng quá ghen tuông. Đến với buổi đối thoại, chị cũng mong muốn tìm được một lối thoát cho cuộc hôn nhân dù mới bắt đầu nhưng đã sắp sửa rơi vào điểm kết thúc.

Sẻ chia cùng chị em

Tại buổi đối thoại, bà Bùi Thị Lân – giảng viên Trường Đại học Quảng Nam,  chuyên gia tư vấn tâm lý đã cùng chia sẻ với các chị em CN rằng, người phụ nữ Việt Nam có các đức tính mẫu mực nên thường nín nhịn vì con cái, vì hạnh phúc gia đình. Vai trò của người phụ nữ trong xây dựng tổ ấm vô cùng quan trọng, nhưng trách nhiệm của người đàn ông với gia đình cũng quan trọng không kém để “giữ lửa” hạnh phúc. Theo bà Lân, trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước, mô hình gia đình truyền thống đã dần thay đổi và người phụ nữ phải đi làm nhiều hơn, ít có đủ thời gian cần thiết để có thể chăm sóc tốt nhất cho tổ ấm của mình. Chính áp lực về công việc nên nhiều chị em cảm thấy bối rối, không có phương pháp giải quyết nhằm vừa đảm đương công việc tại công ty vừa có thể quán xuyến chuyện “hậu phương” cho gia đình. Và cũng từ đây, mâu thuẫn trong các gia đình CN trẻ xuất phát dẫn đến nhiều trường hợp bạo lực gia đình hoặc ly hôn. Từ những câu chuyện mà các CN nêu ra, bà Lân đã chia sẻ cùng chị em về nhiều phương pháp để có thể chăm lo tốt nhất cho gia đình với các CN nữ.

Theo bà Lân, mô hình gia đình hiện nay các thành viên trong gia đình ít được gặp gỡ nhau hơn vì thời gian làm việc đôi khi “chéo” nhau nên sự sẻ chia, tâm sự cũng ít dần. Vì vậy, người phụ nữ cần chủ động tâm sự để người chồng thông cảm, thấu hiểu những khó khăn của vợ. Và quan trọng nhất là sự thủy chung phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời người đàn ông trong gia đình cũng phải thấu hiểu cho người phụ nữ, vừa phải làm dâu, làm vợ, làm mẹ, vừa lo đi làm để cùng với chồng nuôi sống gia đình. Sau buổi đối thoại, chị Nguyễn Thị Hạnh nói: “Lần đầu tiên tôi có được một buổi tư vấn về cách chăm sóc chồng con, quán xuyến việc nhà… như thế này. Những người vợ trẻ như tôi rất thiếu kinh nghiệm để vừa chăm sóc con một cách tốt nhất mà vừa có thể đi làm để phụ giúp gia đình về kinh tế. Qua buổi đối thoại này, tôi đã học được nhiều bài học để có thể áp dụng trong việc chăm lo cho gia đình nhỏ của mình”. Còn chị Đỗ Thị Thu Hà – Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH may mặc Onewoo nói: “Gần 1.000 CN nữ của công ty thường xuyên đi làm rồi về nhà, công việc nối tiếp công việc nên cơ hội sẻ chia, tâm tình với nhau ít lắm. Nhiều chị em có nỗi niềm trong cuộc sống vẫn không biết nói cùng ai, giải tỏa vấn đề như thế nào. Từ các cuộc nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ, làm vợ của các chuyên gia tôi thấy rất hữu ích cho các CN nữ”. (Nguồn: baoquang.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU