Trang chủPhóng sựThơm ngon bánh tráng Phú Triêm

    Thơm ngon bánh tráng Phú Triêm

    Với những điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ đang mở rộng…, bánh tráng Phú Triêm (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển và đang hướng đến tạo dựng thành công sản phẩm mang thương hiệu OCOP.
    Người dân làng bánh tráng Phú Triêm mong được hỗ trợ nhiều khâu để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: H.N
    Người dân làng bánh tráng Phú Triêm mong được hỗ trợ nhiều khâu để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: H.N

    Từ đầu thế kỷ 20, người dân xã Điện Phương phát triển nghề tráng bánh với mong muốn kiếm thêm nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Đi tiên phong trong nghề này là các bà Nuôi, bà Lương, bà Ký, bà Liêu… Cứ thế, nghề bánh tráng Phú Triêm phát triển cho đến tận ngày nay, tập trung chủ yếu ở các thôn Triêm Đông, Triêm Trung. Nguồn nguyên liệu là gạo có hàm lượng tinh bột cao như 13/2, Xi23, Q5… được sản xuất ngay tại địa phương và thu mua bổ sung tại các vùng lân cận, đảm bảo sản xuất ổn định trong tương lai.

    Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân trong nghề, để tạo ra một chiếc bánh thơm, ngon, đảm bảo chất lượng thì gạo phải được ngâm từ 2 – 3 tiếng đồng hồ và vuốt sạch qua nhiều nước. Sau đó, gạo đem đi xay mịn thành bột nước. Bột tráng bánh được cho thêm vào một ít muối tăng vị đậm đà và thêm bột lọc để bánh dẻo. Đối với bánh tráng nướng, bột bánh sẽ cho thêm vào nguyên liệu đường và mè giúp bánh thơm, vàng đẹp hơn. Nhờ không dùng bất cứ chất bảo quản nào nên bánh tráng Phú Triêm đang được thị trường ưa chuộng.

    Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, qua khảo sát đánh giá cho thấy, hiện hoạt động sản xuất – kinh doanh bánh tráng Phú Triêm có bước phát triển ổn định. Toàn xã Điện Phương có 170 hộ tham gia, bình quân mỗi ngày tráng được 20kg bánh/hộ, sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho các đầu mối lớn để cung cấp cho những nhà hàng, đại lý ở các huyện lân cận và TP.Đà Nẵng, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 2,8 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, địa phương tạo điều kiện thành lập một tổ hợp tác gồm 25 hộ tham gia với mục đích hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có cơ hội tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu tiên khác…

    Tuy nhiên, theo ông Chơi, khó khăn lớn nhất hiện nay là sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Quy mô còn nhỏ lẻ nên sản lượng sản phẩm không đủ cung ứng ra thị trường, nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ, máy móc còn hạn chế. Đến nay, chỉ có vài cơ sở sản xuất bằng máy, còn lại bằng thủ công.

    “Để xây dựng thành công sản phẩm OCOP, các ngành liên quan của thị xã Điện Bàn và chính quyền địa phương luôn đồng hành với các cơ sở, tích cực hỗ trợ các hộ dân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô và đầu tư máy móc, dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất đạt sản lượng lớn, đem lại hiệu quả cao. Đồng thời sớm hỗ trợ xây dựng hoàn thành nhãn hiệu tập thể cũng như tem chứng nhận…” – ông Chơi nói.

    Có thể nói, bánh tráng Phú Triêm tồn tại và truyền đời suốt một thời gian dài, được tạo ra bởi đôi bàn tay khéo léo của người lao động cần cù, ghi dấu ấn đậm nét trong văn hóa ẩm thực xứ Quảng. Vì vậy, sản phẩm cần có thêm cơ hội và sự tiếp sức từ phía các cấp, ngành liên quan để không ngừng nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường, hướng đến phát triển bền vững.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU