Trang chủPhóng sựNông dân xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn “được mùa” với giống tằm kén vàng VNT1

    Nông dân xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn “được mùa” với giống tằm kén vàng VNT1

    Những ngày này người dân tại xã Điện Quang (TX Điện Bàn), vô cùng phấn khởi vì giống tằm Lưỡng thể  kén vàng  VNT1 do Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cung cấp, rất phù hợp với điều kiện nắng hạn tại nơi đây. Bước đầu đã cho kết quả khả quan, mang lại tín hiệu vui cho nghề trồng dâu nuôi tằm Xứ Quảng.

    Niềm vui được mùa

    Dự án thí điểm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, do HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An hỗ trợ tại xã Điện Quang, triển khai trong hai năm 2018 – 2019 thu hút 10 hộ dân của  thôn Bến Đền tham gia. Từ 5.2018, dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại xã Điện Quang trên diện tích 3ha. Các hộ dân tham gia trồng dâu được dự án hỗ trợ 100% giống tằm, giống dâu, máy làm đất, giếng tưới, hỗ trợ nong tằm, vỉ né, dụng cụ tống kén để phục vụ chăn nuôi. Người dân còn được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm trên cơ sở ứng dụng một số kỹ thuật mới, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, giảm nhân công lao động. Toàn bộ kén tạo ra được bao tiêu sản phẩm.

    Giống tằm Lưỡng thể kén vàng VNT1 có tỷ lệ nở cao, tằm phát dục đều, con tằm to, ăn dâu khỏe, năng suất cao.

    Qua nhiều lần thử nghiệm giống, đến nay những người dân nơi đây vô cùng phấn khởi vì giống tằm Lưỡng thể kén vàng VNT1 do Trung tâm nghiên cứu dâu tằm Trung ương cung cấp rất phù hợp và bước đầu cho kết quả tích cực. Bà Cao Thị Nga (thôn Bến Đền, Điện Quang) cho biết, đây là lứa tằm đầu tiên khi gia đình bà sử dụng giống mới, đạt hiểu quả cao. Đây là loại giống có tỷ lệ nở lớn hơn 95%, tằm phát dục đều, con tằm to, ăn dâu khỏe, năng suất cao. Những né tằm đầu tiên gia đình chị Nga  cho ra hơn 40kg kén vàng ước tính thu về hơn 6 triệu đồng” Bà nga nói.

    Bà con nông dân phấn khởi vì giống tằm Lưỡng thể kén vàng VNT1 bước đầu cho kết quả tích cực.

    Tín hiệu vui cho ngành dâu tằm Xứ Quảng

    Theo ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, bước đầu mang lại kết quả tích cực. “Với việc trồng thí điểm giống dâu  S7CB có nguồn gốc từ Lâm Đồng rất phù hợp điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, nên cây dâu xanh tốt ở ven sông Thu Bồn, ngoài ra những hộ tham gia trồng dâu được HTX hỗ trợ giống tằm kén vàng VNT1 rất hiệu quả. Từ đó sẽ nhân rộng ra các hộ dân khác trên địa bàn xã. Hi vọng rằng việc khôi phục lại nghề truyền thống này sẽ thành công hơn trong tương lai”.

    Kén tằm vàng của nông dân được Công ty CP Tơ lụa Hội An phối hợp với HTX Điện Quang bao tiêu sản phẩm đầu ra.

    Bên cạnh những thuận lợi về giống dâu tằm thì đầu ra cho sản phẩm của nông dân cũng vô cùng thuận lợi, khi Công ty CP Tơ lụa Hội An phối hợp với HTX Điện Quang bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.  Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Hội An cho rằng, việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Nam thì chúng ta phải đi song song, trước hết chúng ta phải nuôi lại cái giống kén vàng ngày xưa của ông bà để lại vì nó phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, song song với việc đó chúng ta phải nghiên cứu và chuyển giao công nghệ từ Nhật bản để nuôi giống kén trắng. Ngoài sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương thì giá cả, thị trường đầu ra sản phẩm đảm bảo sẽ là cơ sở tốt cho nghề trồng dâu nuôi tằm Điện Bàn nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung sớm phục hưng. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm đầu ra, do đó tôi tin tưởng triển vọng phục hồi nghề này là rất lớn” – ông Vũ nói.

    Với những tín hiệu tích cực ban đầu, hi vọng trong tương lai không xa, nghề trông dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa vang bóng một thời của Xứ Quảng sớm được phục hồi và phát triển mạnh hơn.

    Ngô Hòa

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU