Trang chủPhóng sựHội làng Pơr'ning

    Hội làng Pơr’ning

    Ngày hội đại đoàn kết, sắc màu văn hóa như bao trùm cả không gian làng truyền thống Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang). Lấp lánh theo giọt nắng, là nụ cười tươi của đồng bào Cơ Tu, hòa theo nhịp trống và điệu múa tân tung, da dá đầy quyến rũ.
    Đồng bào Pơr’ning mặc trang phục truyền thống đến chung vui ngày hội đoàn kết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
    Đồng bào Pơr’ning mặc trang phục truyền thống đến chung vui ngày hội đoàn kết. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

    Tờ mờ sáng, tiếng trống k’thu thúc giục như gọi bước chân của lũ làng cùng về tập trung tại gươl truyền thống. Một chương trình lễ hội được “soạn” sẵn theo ý tưởng của già làng Clâu Nhấp, sau đợt tham vấn ý kiến từ hội đồng già làng. Trước sân gươl, con bò được buộc sẵn, già Nhấp đại diện cho dân làng thực hiện cúng tế thần linh (giàng) theo phong tục truyền thống. Lời báo cáo giàng xoay quanh câu chuyện tri ân của người làng với các vị thần, trong một năm qua đã chở che, bảo bọc con dân được sống khỏe, thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Một năm tiếp theo, cầu mong dân làng luôn được bình an, mạnh khỏe, no ấm.

    Tiếng trống chiêng tiếp tục vang lên, câu hát chà-chập (dân ca Cơ Tu) hòa theo vũ điệu dâng trời, réo rắt theo nhịp khèn của các nghệ nhân trong làng. Già Nhấp nói với tôi, rằng năm nào dân làng Pơr’ning cũng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết, sau thời điểm thu hoạch lúa mùa trên nương rẫy. Ngày hội chung nên con cháu khắp nơi cùng về hội tụ, chung vui với dân làng. “Hàng năm, ngoài Tết Nguyên đán, Ngày hội đại đoàn kết chính là dịp để bà con sum họp, ôn lại những nét đẹp truyền thống. Ai có gì thì mang nấy, rất vui và ý nghĩa” – già Nhấp bộc bạch.

    Cả làng Pơr’ning có 143 hộ với 500 nhân khẩu, đều là đồng bào Cơ Tu sinh sống từ lâu đời. Nhiều năm qua, Pơr’ning luôn được biết đến như một làng văn góa kiểu mẫu ở địa phương, có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống. Những năm gần đây, từ mô hình phát triển cây dược liệu ba kích, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần xuống còn dưới 66%. Nhiều con em trong làng có trình độ đại học, tham gia công tác ở các phòng, ban của huyện Tây Giang.

    Sau phần thực hiện lễ nghi của dân làng, con bò sẽ được mang ra để mổ thịt. Những thanh niên Cơ Tu góp sức hỗ trợ nhau chế biến thành các món ẩm thực truyền thống, chuẩn bị cho bữa tiệc chung của làng. Mỗi người một công việc, không ai bảo ai, cả làng Pơr’ning rộn ràng theo câu chuyện trong ngày hội kết đoàn.

    Trưởng thôn Pơr’ning – Bh’ling Phát cho hay, trong bất kỳ ngày hội làng vùng cao, tinh thần đoàn kết, đóng góp công sức cho việc chung luôn được đồng bào quan tâm, xem đó như một phần trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Vì thế, trước khi ngày hội diễn ra, bà con mang đến góp vui với làng từng lon gạo nếp, từng hủ rượu cần, từng con gà… để cuộc vui được dài thêm.

    “Năm nay, ngày hội đại đoàn kết tiếp tục được tổ chức trong niềm vui của dân làng, sau vụ mùa thu hoạch lúa rẫy. Vì thế, đến với ngày hội, bà con đều rất phấn khởi, tươi vui. Ngoài bữa tiệc chung, sau lễ hội, thịt bò sẽ được chia đều cho từng hộ gia đình theo phong tục chia phần, một nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Cơ Tu mà chúng tôi còn gìn giữ” – ông Phát chia sẻ.

    Một ngày trước khi ngày hội diễn ra, đồng bào Pơr’ning cùng nhau chung vui theo nghi thức “giuuc” truyền thống, hàm nghĩa báo cáo với thần linh về việc tổ chức lễ hội. Lễ “giuuc” chỉ có nội bộ trong làng, với nhiều hoạt động văn hóa được diễn ra lồng ghép. Dân làng vui đến tận khuya. Giữa nhịp trống chiêng rộn rã, vũ điệu tân tung, da dá được các chàng trai, cô gái Cơ Tu thể hiện, ấm cúng trong cuộc vui của dân làng.

    Ông Arất Blúi – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, năm nay ngày hội đại đoàn kết được tổ chức đầu tiên tại làng Pơr’ning, khởi động bằng nhiều hoạt động văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu. Đây được xem là ngày hội điểm của địa phương, giúp bà con có thêm không gian vui chơi, sum họp, phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao giá trị cộng đồng ở miền núi.

    “Sau một năm làm lụng vất vả, ngày hội là dịp để bà con chia sẻ với nhau về câu chuyện cuộc sống. Từ mô hình kinh tế hiệu quả, cho đến câu chuyện bảo tồn văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, vận động con em đến trường học tập… được bà con chia sẻ trước cộng đồng, giúp không gian ngày hội thêm ý nghĩa, thiết thực” – ông Blúi nói.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU