Trang chủPhóng sựDành trọn yêu thương cho trẻ khuyết tật

    Dành trọn yêu thương cho trẻ khuyết tật

    Gần một thập kỷ qua, cô Lê Thị Lý (54 tuổi) và cô Phạm Thị Kim Dung (53 tuổi) bám trụ ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh (thị trấn Phú Thịnh) để chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho các trẻ khuyết tật. Trung tâm là nhà, trẻ khuyết tật là con – sự tận tâm của các cô đã giúp nhiều trẻ khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

    Cô Lê Thị Lý áo xanh đang tập vật lý trị liệu cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh. Ảnh: THANH THẮNG
    Cô Lê Thị Lý (bên trái) tập vật lý trị liệu cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh. Ảnh: THANH THẮNG

    Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh là căn nhà chừng 200m2, làm nơi tập vật lý trị liệu cho gần 50 trẻ khuyết tật. Ngày nắng cũng như mưa, dưới mái nhà này luôn có tiếng gọi mẹ khá thân thương. Mẹ – từ mà hầu hết trẻ khuyết tật gọi các cô làm công tác tập vật lý trị liệu cho trẻ như cô Lý, cô Dung bởi các cô chăm sóc trẻ khuyết tật như con cái của mình.

    Cô Lý kể, 2 cô gắn bó với Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh từ ngày đầu khi cơ sở mới thành lập năm 2010. Ban đầu, huyện cử 11 người đưa đi tập huấn kỹ năng về phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, nhưng sau một thời gian thì chỉ còn 2 cô gắn với trung tâm. Các cô vừa là kỹ thuật viên tập luyện vật lý trị liệu vừa làm mẹ chăm sóc cho trẻ khuyết tật.

    “Khi cơ sở mới thành lập chỉ có một phòng tập cho hàng chục trẻ nên rất chật chội. Buổi trưa, cô cháu cùng nằm với nhau. Có hôm nắng nóng, cô cháu phải tránh nắng dưới gầm bàn…” – cô Lý kể.

    Gần 10 năm qua, Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh trải qua nhiều thăng trầm, có lúc như rơi vào bế tắc nhưng các cô vẫn cố gắng duy trì để các trẻ khuyết tật tiếp tục được tập luyện.

    Họ nhớ như in, tháng 4.2015, nhà tài trợ không tiếp tục hỗ trợ bữa ăn trưa của trẻ nên trung tâm rơi vào khó khăn. Các cô phải kêu gọi nhiều nơi, viết bài đăng trên mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ các em.

    “Nhiều người muốn giúp đỡ các cháu. Chúng tôi muốn các mạnh thường quân đến tận nơi để tận mắt chứng kiến điều kiện sinh hoạt của các cháu để có được sự quan tâm, hỗ trợ kéo dài. Từ đó, những nhu yếu phẩm như tã, sữa, thức ăn… cho được hỗ trợ thường xuyên hơn cho các em. Với những gia đình khó khăn khi gửi con cháu vào trung tâm, đây là nguồn viện trợ rất hữu ích giúp họ vơi bớt đi nỗi lo về vật chất. Cũng trong lúc khó khăn đó, một người tên Tony (sống tại Đà Nẵng) đã tìm về cơ sở và quyết định hỗ trợ kinh phí mở rộng, sắm thêm nhiều vật dụng để cơ sở hoạt động ổn định” – cô Lý tiếp lời.

    Cô Phạm Thị Kim Dung (áo trắng) chăm sóc cho trẻ khuyết tật. Ảnh: THANH THẮNG
    Cô Phạm Thị Kim Dung (giữa) chăm sóc cho trẻ khuyết tật. Ảnh: THANH THẮNG

    Theo cô Phạm Thị Kim Dung, để có nhiều thời gian cho trẻ khuyết tật, họ còn nhờ phần lớn vào sự chia sẻ, động viên từ phía gia đình mình.

    Gần 10 năm nay, rất nhiều trẻ khuyết tật đến Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh để tập luyện phục hồi chức năng. Điều khiến các cô vui nhất là lúc được nhìn thấy các cháu từ gọi tiếng “mẹ” và bước đi trên chính đôi chân của mình – điều mong đợi nhất của gia đình các cháu.

    Cứ 3 năm, cơ sở sẽ có một lần cho những bé có sức khỏe tốt hồi gia, nhiều em đã nỗ lực vươn lên, tự tìm nghề để tự lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình. Nhiều em thi đậu đại học và ra trường có việc làm ổn định.

    “Vừa rồi gia đình tôi dành dụm ít tiền mua được căn nhà ở xã Tam Phước, Phú Ninh. Tôi định năm sau sẽ dùng làm nơi cho trẻ khuyết tật làm một số việc để kiếm thu nhập” – cô Lý nói.

    Nhớ nhất là trường hợp Phan Thị Kim Vân (SN 1991, xã Tam Lộc, Phú Ninh) bị yếu một chân phải đi bằng xe lăn và từng tham gia tập luyện tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật huyện Phú Ninh. Sau thời gian cố gắng tập luyện, Vân còn nỗ lực để vươn lên trong học tập. Sau khi tốt nghiệp tại một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh, em xin vào làm tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật tại TP.Hồ Chí Minh. Một ngày tình cờ nhận cuộc điện thoại từ cô Lý, bên kia đầu dây vang lên giọng Vân: “Con nghe đây mẹ ơi, con đã có việc làm rồi”. Những tiếng gọi mẹ làm cô Lý thấy ấm lòng biết bao.

    Ngoài việc chăm sóc và tập luyện cho trẻ khuyết tật, những lúc rảnh các cô còn dạy cho trẻ nhận dạng mặt chữ, đọc viết để nâng cao nhận thức. Nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đưa đến cơ sở được thì 2 cô thay phiên nhau đến nhà đưa đón trẻ khuyết tật đến cơ sở để tập luyện… Bằng sự tận tâm, hết lòng vì trẻ em khuyết tật mà cô Lý, cô Dung đã giúp bao cảnh đời, bao gia đình trẻ khuyết tật có được niềm vui, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

    Nguồn: baoquangnam.vn

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU