Trang chủPhóng sựCÁC CON VỀ THĂM MẸ

    CÁC CON VỀ THĂM MẸ

    Kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sỹ 27.7.1947-27.7.2020

     

    Chồng mất rồi người con trai độc nhất hy sinh, một mình mẹ chon von gánh cả giang sơn to lớn trên đôi vai gầy mà không hề quỵ xuống. Chẳng có nỗi đau nào so sánh với nỗi đau nào, mà chỉ có thể tựa vào nhau khi người mở trang lịch sử quá khứ sẽ hiểu hơn đất nước mình có những người mẹ anh hùng như thế…

    CÁC CON VỀ THĂM MẸ

                                                         Võ Văn Trường

    1/ Lặng lẽ bên xóm hàng dương

    Theo con đường ven biển từ thành phố Tam Kỳ đi Hội An áng chừng 5km về phía đông có một lối rẻ về xóm nhỏ ven biển đó là thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ. Lội bộ mươi phút chúng tôi đã tìm được nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Quân, năm nay tuổi đời vừa đúng 100. Cát nóng bỏng dưới chân trong cái nắng chát chói tháng 7 lặng im phủ lên những hàng dương thẳng đứng, hiên ngang như những người con nơi đây bao đời hy sinh bám trụ, giữ đất giữ làng. Và điều không phải ai cũng thấu hiểu, nơi đây mẹ Quân đã thắt ruột, tan nát tim gan trước nỗi đau mất chồng, mất đi người con trai độc nhất chỉ trong vòng mấy tháng giữa năm 1968, sau cái tết Mậu Thân ác liệt. Mặc dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng nỗi đau thương như vẫn còn len lỏi âm thầm trong căn nhà nhỏ mẹ ở. Mẹ nắm tay tôi, nước mắt ứa ra từ hai khóe mắt…

    Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP. Hà Nội thăm, tặng quà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Quân nhân 27.7.2019

    Chồng làm cán bộ xã hoạt động bí mật, ở nhà cũng như bao người vợ, người mẹ khác, mẹ Quân luôn chắt chiu, chịu thương chịu khó, làm ra hạt lúa củ khoai, mong ngày đất nước đánh đổ được Mỹ ngụy để gia đình được công khai đoàn tụ. Nhưng điều ấy mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực. “Có hồi bố ráp, cả tháng trời ổng mới ghé về nhà gây lát giữa khuya rồi lại đi”. Thương mình thì ít, lo lắng cho chồng thì nhiều, một tiếng cú kêu giữa khuya cũng làm mẹ giật mình thon thót. Bon ác bá, hội đồng tề ngụy địa phương bao lần hăm dọa, bà có chồng theo cộng sản thế nào cũng bị “hốt đồn”, cắt chim, cắm cọt beo đầu…nếu bà không khuyên ổng ra đầu thú. Đã bao lần mẹ Quân đứng ở đầu ngõ trông về hương núi. Rồi cái tin đau đớn ấy cũng đã đến khi giặc sát hại chồng trong một lần về địa bàn hoạt động… rồi con trai mẹ cũng vậy. Chồng và con trai hy sinh mẹ không tìm thấy xác, mãi sau này mới tìm được đưa về chôn cất, nhưng khi ấy sức khỏe mẹ Quân yếu quá nên mẹ vẫn chưa một lần biết đến nơi an nghỉ hai con người thân yêu nhất đời mẹ.
    Ngồi bên cạnh mẹ, thi thoảng mẹ lại nắm tay tôi đặt lên má mẹ. Giọng đã yếu nhưng đượm buồn. Uống lưng hớt sữa, như sựt nhớ điều gì, mẹ gượng dậy để bắt đầu cho một câu chuyện. Vùng quê Tam Phú trong chiến tranh ác liệt lắm, xuất thân trong một gia đình cách mạng truyền thống, mẹ Quân và chồng là ông Trần Quang tham gia cách mạng từ rất sớm. Ngay thời Pháp thuộc, rồi tổng khởi nghĩa thắng lợi chưa được bao lâu, hết Pháp đô hộ đến Mỹ ngụy thay chân. Nhà mẹ Quân trở thành cơ sở cách mạng. Mẹ nhiều lần tổ chức nuôi giấu cán bộ tại hầm bí mật của gia đình để hoạt động và còn nhận nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội. “Hồi đó, ác liệt lắm, bọn biệt kích, lính ngụy lùng sục xóm ấp suốt ngày đêm để tìm diệt Việt Cộng. Nếu ai che giấu mà chúng bắt được bị tra tấn rất dã man, nhưng không ai chịu khuất phục”. Lòng yêu nước, căm thù giặc của người dân làng Quý Ngọc vẫn lặng lẽ như những hạt cát, nhưng sáng ngời bên trong chất ngọc trong suốt những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh.

    2- Những trang đời mẹ

    Câu chuyện buồn đầu tiên đã đến với mẹ Quân vào khoảng giữa năm 1961. Trong một lần tổ chức đưa bộ đội, đội công tác của ta cắt vòng vây trở lại căn cứ thì bị một tay “chiêu hồi” chỉ điểm, nên chồng mẹ và 3 chiến sĩ du kích nữa đã rơi vào ổ phục kích của tiểu đoàn biệt kích ngụy. Cả 4 người đã chiến đấu quyết liệt gây nhiều tổn thất cho địch và 3 người đã anh dũng hy sinh. May mắn lần đó chồng mẹ thoát chết. Còn với 3 du kích của ta, sau khi sát hại, bọn biệt kích ngụy không cho các gia đình mang xác người thân về chôn cất, chúng để phơi nắng, phơi sương 2 ngày, 2 đêm để răn đe người dân nơi đây không đi theo cách mạng. Sau đó, bà con dân làng đến đấu tranh quyết liệt, chúng mới chôn qua loa các thi thể ba du kích cạnh đồn. Sau ngày miền Nam giải phóng, hài cốt các anh mới được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.
    Lần đó, không rõ năm nào, bọn tề ngụy bắt được một cán bộ của ta khi xăm hầm bí mật. Không từ một thủ đoạn dã man nào, chùng liền mổ rụng, cắt cổ giữa làng rồi tập họp dân chúng đến xem. Sàng lọc những người được cho là có chồng con theo cộng sản, chúng bắt mẹ Quân cùng một số dân làng nữa phải đến liếm máu để xem máu cộng sản nó tanh thế nào…Theo lời chị Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ LĐ-TBXH xã Tam Phú: “Mẹ chừ dễ xúc động lắm, mỗi khi nghe ai đến thăm, nhắc đến chồng đến con, mẹ lại khóc”. Mẹ Quân nhớ người con trai duy nhất của mẹ, khi hy sinh nó mới trao nhẫn cưới cho người con gái làng bên nó yêu thương, khi việc tổ chức lễ cưới vẫn chưa diễn ra. Đôi trai gái hẹn cưới vào mùa trăng. Nhưng trăng chưa kịp tròn, lúa chưa kịp gặt, thì người con trai duy nhất của mẹ đã vĩnh viễn ra đi.
    Chị Dương Thị Có, 52 tuổi, là cháu dâu hiện là người đang ở chăm sóc mẹ Quân cho biết, suốt từ 1992 đến nay chị đã sống với mẹ nên chị hiểu và thương mẹ lắm. Tuổi cao, mẹ ăn không nhiều, thích nhất là có người gần bên trò chuyện. Khi vui mẹ bảo, ngó rứa mà mẹ có phúc hơn nhiều người, bởi thẳng hai rất giỏi tìm dâu cho mẹ. Chuyện là, khi anh Trần Trọng Quân, con trai mẹ hy sinh khi mới trao nhẫn cưới cho một người con gái…những người con gái ấy nên đã có chồng con ở xa nhưng dịp lễ, tết năm nào cũng về thăm mẹ, rồi thì những đơn vị nhận phụng dưỡng là Ngân hàng phát triển nông thôn tỉnh, các đơn vị ở tận thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng về thăm mẹ. Anh Nguyễn Văn Lương- Bí thư Đảng ủy xã Tam Phú cho biết, mỗi lần dắt những đoàn cán bộ về thăm, mẹ vui lắm, mẹ bảo con mẹ chừ làm to cả, có đứa làm đến chức chủ tịch thành phố. Đó là nhắc lại câu chuyện mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ đến thăm mẹ. Mẹ món mém cười, trông rất đẹp, nụ cười đã đi qua trọn thế kỷ gian khổ, đau thương, uất hận…vui buồn.

    Mẹ Nguyễn Thị Quân là một trong số 5 mẹ VNAH hiện còn sống ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tất cả đều có tuổi đời xấp xỉ 100. Phải chăng đây là những Mẹ VNAH cuối cùng. Bởi hiện giờ sự sống với các mẹ phải tính từng ngày từng tháng. Đó là suy nghĩ của chúng tôi khi chia tay mẹ Quốc – người mẹ của làng quê Quý Ngọc mà hôm nay tôi mới có dịp nghe qua những trang đời như thế.

    V.V.T

     

     

     

     

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU