Trang chủVăn hóa 20 NĂM CHỢT NHỚ MỘT NGƯỜI

     20 NĂM CHỢT NHỚ MỘT NGƯỜI

     

     

    “Kazik đã giới thiệu đô thị cổ Hội An gần như còn nguyên vẹn với thế giới, góp phần làm Hội An hồi sinh như hôm nay. Ông cũng là người tiên phong trùng tu Mỹ Sơn sau chiến tranh, rồi suốt mười mấy năm ròng sống chết với nơi này. Kazik từng nói: “Sống tôi vốn là cư dân Mỹ Sơn, khi chết hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn”.  

    (Trích “Kazik ký ức bạn bè”, NXB Đà Nẵng 1999)

     

    Bài 1: Người khổng lồ của Mỹ Sơn

    Khi Đài phát thanh truyền hình Quảng Nam thực hiện phim tài liệu “Hiệp sĩ Kazik” chúng tôi có may mắn tìm và được gặp gỡ những nhà nghiên cứu, báo chí, văn nghệ sỹ đã từng có những năm tháng sống và gắn bó với KTS Kazimierz Kwiatkowski, tên thân mật là Kazik. Khi kể về Hội An, Mỹ Sơn họ đều không quên nhắc đến một người với tình cảm trìu mến, trân quý. Người đó không ai khác chính là Kazik. (1944-1997). Ông là người đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng để khu đền tháp Mỹ Sơn và khu phố cổ Hội An được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới cách đây 20 năm (1999-2019)

    Còn nhớ có lần cùng về Mỹ Sơn phản ánh công tác trùng tu di tích ở đây, khi ngồi lai rai trò chuyện, nhà báo Lê Trung Việt nói đại ý, chừ ở Mỹ Sơn, Hội An đều có tượng của Kazik với bản đá bán thân nhưng đó là bản đá bán thân của một con người khổng lồ. Và tôi chợt nghĩ, với Mỹ Sơn sẽ không nói quá khi gọi ông là người khổng lồ.

    Theo GS Hoàng Đạo Kính, Kazik không chỉ là một nhà khoa học mà còn là nhà phẫu thuật di tích tài ba. Ông luôn quan sát kỹ, bên cạnh những thành phần gốc đã được gia cố, người ta có thể nhận biết được những vết tích can thiệp của nhà trùng tu – nhà phẫu thuật – nhằm giúp di tích trước hết không sụp đổ. Nhà nghiên cứu Trần Phương Kỳ và ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam gắn bó nhiều năm với công tác trùng tu nhìn nhận “Nghề trùng tu làm một họ cãi mười bởi có hàng nghìn phương pháp khác nhau”. Nhưng với những công trình của Kazik ở Mỹ Sơn, các nhà nghiên cứu, nhà kiến trúc đánh giá là chuẩn”. Kazik luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc “trùng tu khảo cổ học”, di tích gốc sẽ được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa, việc trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng.

    Một điều đặc biệt nữa, chuyên nghề kiến trúc sư nhưng Kazik cũng rất có tài họa. Chỉ vài nét bút thôi, ông đã phác họa ra người trước mặt mình với những nét đặc trưng của con người ấy. Nhìn vào bức họa, ta nhận ra ngay. Ông cũng phác họa công việc hằng ngày bằng hình vẽ. Trong công việc lao động của mình, đã có hàng trăm bản vẽ, hàng nghìn trang ghi chép, hàng ngàn bức ảnh đã ghi lại hiện trạng các di tích Chăm ở Việt Nam đang là phế tích sau bao năm chiến tranh và sự tàn phá của thời gian là tài sản vô giá của khoa học, nhất là cho mai sau. Riêng với Mỹ Sơn, kiến trúc sư Kazik đã dành cho một tình yêu mà cả những người trong cuộc cũng phải bất ngờ gọi ông là người bạn thủy chung, công dân danh dự của Mỹ Sơn. Ngày ông ra đi GS Hoàng Đạo Kính, một người bạn thân thiết của ông đã xúc động: Anh, vợ con anh, cả chúng tôi nữa, chẳng ai biết trước rằng suốt 17 năm liền, 17 mùa, anh sẽ sang Việt Nam. Anh, vợ con anh, và  cả chúng tôi nữa chưa ai tiên đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành tổ quốc thứ hai của anh, là sự nghiệp của đời anh.

    Họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ – người nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn đã có những kỷ niệm thật đẹp với Kazik, vào những ngày cuối năm 1994, thung lũng Mỹ Sơn như quánh lại bởi sương lạnh vùng núi. Rồi anh có sáng kiến phơi cỏ khô chiều dồn lại thành đống để chống cái lạnh trong đêm và Kazik cũng ủng hộ làm theo. Anh có những dòng nhật ký thật dễ thương khi cùng làm việc với vị kiến trúc sư Ba Lan. “Ngày 8 tháng 3 năm 1994 làm việc với Kazik tại Mỹ Sơn. Ngày 13 tháng 3 công trường bắt đầu mở…dọn dẹp nền móng tháp, hạ thấp code phần đất sau lưng tháp B1+ 20cm. Ngày 24 tháng 3 năm 1994 xếp dọn gạch bờ sau tháp C1…Xếp lại các hiện vật rơi vãi sau hố bom các tháp  B1 và B3…Mùa xuân Bính Tý…” Bây giờ họa sỹ Nguyễn Thượng Hỷ vẫn không quên nhắc nhớ về Kazik với kỷ niệm khó quên, đầy yêu thương, đó là những đêm dưới màn sương lạnh, trong thung lũng Mỹ Sơn, bên đống lửa, chén rượu cuốc lủi, Kazik vẫn say sưa với bạn bè. Những lúc ấy ông vẫn kề vai bảo rằng “sống là công dân Mỹ Sơn, khi tôi chết mong ước được chôn ở Mỹ Sơn, để tan chảy tấm thân này cùng giun dế…”

    Có một câu chuyện cảm động trong huy động kinh phí để trùng tu Mỹ Sơn, Ngọc Báu – một người bạn của kiến trúc sư Kazik kể, mùa hè năm 1985, một buổi tối thứ bảy, tại quán cà phê trong khách sạn Phương Đông, thành phố Đà Nẵng, Kazik tình cờ nghe được câu chuyện rôm rả của một tốp khách du lịch Tây Đức bàn về tháp Chàm. Anh chủ động làm quen. Vị khách tâm  đắc nhất là bà Annalise Wulf, nhà báo đã nghỉ hưu. Biết bà có thế lực trong chính giới Đức, và quan trọng hơn là tình yêu nồng nàn đối với nền văn hóa Việt Nam, Kazik thuyết phục bà tài trợ chương trình tu bổ tháp Chàm. Như bị thôi miên, sau cuộc gặp gỡ với Kazik trở về Đức, bà Wulf đứng ra thành lập tổ chức “Những người bạn văn hóa Chàm Việt Nam” ở thành phố Stutgart, quê hương bà, gom tiền lập quỹ.

    Đến mùa thu 1991 đã có quỹ lớn, tổ chức “Những người bạn văn hóa Chàm Việt Nam” tổ chức cuộc thi chọn đề án tối ưu cho chương trình trùng tu di tích Mỹ Sơn. Kazik gửi bài tham dự, và tất nhiên anh đã thắng cuộc. Thế rồi cuối tháng 11/1992, anh cầm tấm ngân phiếu 11 ngàn USD đầu tiên bay sang Việt Nam tiếp tục sự nghiệp của mình…Chẳng có ai trả lời tại sao Kazik từ chối hợp đồng phục chế tháp Piramit ở Ai Cập với tiền công 200USD mỗi giờ làm để được bà Wulf trả 20 USD cả ngày công lao động ở Mỹ Sơn.  Tiền bạc quý lắm Kazik thành thật bộc bạch, nhưng quý hơn tất cả vẫn là tình yêu. Và Kazik đã bộc bach, với tôi, Việt Nam giống như một thiếu nữ. Khi đã yêu một cô gái, ít anh trai nào để tâm xem người đẹp ấy giàu hay nghèo. Và không ai hy vọng cưới vợ để thành triệu phú…                                                                                                                    .                   Những ký họa về Mỹ Sơn của Kazik

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An nói như khẳng định, những năm 1989 – 1990 Ba Lan thay đổi hệ thống chính trị, chương trình hợp tác trùng tu của tiểu ban Việt Nam – Ba Lan bị khủng hoảng. Thế nhưng Kazik vẫn tiếp tục cống hiến cho những di tích Chăm ở Việt Nam, ở Mỹ Sơn bằng cách tự đi tìm kiếm những nguồn tài trợ từ bạn bè quốc tế. Việc làm ấy đáng quý trọng biết bao. Từ tình yêu của người cha dành cho Việt Nam dành cho Mỹ Sơn, cậu bé Ba-rơ-tếch, con trai Kazik, bị cuốn hút bởi những câu chuyện hấp dẫn của người cha, đã chọn Mỹ Sơn làm nơi thực tập luận án tốt nghiệp đại học, theo con đường của cha làm kiến trúc sư và tiếp tục sự nghiệp gắn bó, gìn giữ làm hồi sinh các di tích ở Việt Nam, và tiếp sau người con gái của ông cũng vậy

    Nhà báo Vĩnh Quyền có những dòng cảm động về Kazik “Mùa này Mỹ Sơn lai rai có khách. Tôi tự hỏi có bao nhiều người trong số họ biết đến một Mỹ Sơn của những ngày cởi bỏ lớp áo cành gai lá sắc, thoát xác thân phận phế tích hoang lạnh trăm năm? Mấy ai còn nhớ những ngày ảm đạm Mỹ Sơn với tiếng nổ trong hòa bình, giết chết 6 con người sống sót sau hơn 20 năm chiến tranh và làm tàn phế suốt đời 11 con người khác trong đội tháo gỡ bom mìn “giải phóng” cho Mỹ Sơn. Họ chết cho Vũ khúc Apsara bất tử, cho nghệ thuât đá và đất nung độc đáo của con người tồn tại trên mặt đất. Họ tàn phế cho Mỹ Sơn không là phế tích. Và cũng có thể nào quên được Kazik, một con người  làm việc hết mình cho Mỹ Sơn “Làm sao quên hình ảnh anh đánh trần, da cháy đỏ, tóc râu bết bát mồ hôi, hùng hục làm việc dưới nắng tháng tư và trong bầu không khí oi bức thung lũng? Làm sao quên điếu thuốc Đà Lạt cong queo anh hút, chai rượu đế nhạt thếch anh uống ngày chia sẻ cam khổ, làm sao quên đêm leo lét đèn cầy…Kazik đã lao động khoa học- nghệ thuật, đã ngã xuống vì Mỹ Sơn, vì thiết tha bảo tồn giá trị nhân văn của loài người”.

    Những lần về Mỹ Sơn tức tốc cho những tin bài thời sự, dù rất vội vã nhưng tôi vẫn cố gắng hình dung về một con người rất đặc biệt từng gắn bó nơi đây dù chỉ qua những lời kể… và tôi nghĩ cả tôi và nhiều người nữa sẽ chẳng bao giờ hiểu hết về ông, một kiến trúc sư nhưng cũng là một nghệ sỹ tài ba, lãng mạn.

    Tin buồn kiến trúc sư Kazik mất đột ngột vào 16 giờ ngày 19.3.1997, ở tuổi 53 tại Huế sau đợt làm việc quá căng thẳng trùng tu Thế Miếu để lại niềm tiếc thương trong lòng nhiều người, đặc biệt là những người cộng sự, bạn bè với ông. GS Hoàng Đạo Kính phát biểu trong nước mắt tại lễ truy điệu: “Kazik đã cùng chúng ta cứu một số di sản văn hóa, nhưng giờ đây không ai trong chúng ta có thể cứu được Kazik.

    Chợt nhớ mấy câu thơ trong bài “Chạm trổ” của nhà thơ Nguyễn Tấn Cả in trong tập thơ “Chạm trổ suy tư”, tiếc thương người kiến trúc sư Ba Lan đã có công “phục sinh” những ngôi tháp ở Mỹ Sơn. “Ký ức vấp tàn cây nhào ngã/ Ông hiện lên dìu đỡ bước tôi đi”, hay “Chiều Mỹ Sơn nghiêng ướt khóm cỏ cằn/ Viên gạch âm dương gắn đời ông vào tháp”

     V.V.T

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU