Sáng 15/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam phối hợp với Ban Điều hành Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên gia mô hình điểm du lịch xanh. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình tham dự hội thảo.
Hội thảo còn thu hút hơn 120 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức du lịch cộng đồng, các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế.
Quảng Nam là địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch, với 2 di sản văn hóa thế giới, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và các Di sản văn hóa phi vật thể, bờ biển dài trên 125 km với nhiều bãi biển đẹp, cùng hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, kho tàng văn hoá lâu đời gắn với các làng nghề truyền thống…. Những năm qua, các điểm đến Quảng Nam được nhận diện gắn liền với thương hiệu “Du lịch xanh”, và xu hướng này ngày càng mạnh mẽ kể từ sau đại dịch Covid-19.
Gần 3 năm lại đây, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ – SECO, Dự án Du lịch bền vững Thụy Sỹ tại Việt Nam đã giúp Quảng Nam trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình là khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng.
Qua thời gian triển khai đến nay đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành được UBND tỉnh cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh với cấp độ 2/3 và 3/3 lá sâm Ngọc Linh. Những mô hình du lịch xanh của tỉnh mới chỉ ở bước khởi đầu nhưng đóng góp giá trị lớn về mặt truyền thông định hướng du lịch xanh của tỉnh, từng bước định hình và phát triển rộng rãi thương hiệu “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”.
Dù vậy, mục tiêu phát triển xanh vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xanh quốc tế, cũng như mong muốn của doanh nghiệp, người dân và du khách. Việc đổi mới, phát triển du lịch xanh Quảng Nam theo cách tiếp cận kinh nghiệm của quốc tế; đổi mới phát triển sản phẩm và tiếp thị cho du lịch xanh Quảng Nam; kinh nghiệm quốc tế xây dựng chứng nhận du lịch bền vững của Quảng Nam; chính sách du lịch xanh cho Quảng Nam nhìn từ Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam… đã được nhiều ý kiến tham vấn, chia sẻ, gợi mở các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh; và là cơ sở để ngành Du lịch xây dựng phương án, đề xuất HĐND, UBND ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam trong những năm tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình nhấn mạnh, dựa trên lợi thế và giá trị đặc trưng du lịch văn hóa của Quảng Nam, ngành du lịch và địa phương cần xác lập nền tảng văn hóa trong phát triển du lịch xanh dựa trên giá trị to lớn của 02 di sản văn hóa thế giới, cùng với những giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị văn hóa cộng đồng, giá trị làng nghề thủ công truyền thống… xuyên suốt trong việc xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch để phát huy tối đa giá trị du lịch văn hóa, chú trọng giảm áp lực đến di sản và giữ gìn, tái tạo môi trường sống cho giá trị văn hóa truyền thống.
Dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao chứng nhận đơn vị đạt Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam cho 12 điểm tham quan, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Các đại biểu dự hội thảo cũng chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hội An – Điện Bàn – Duy Xuyên và ký kết biên bản thỏa thuận phối hợp giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Công Thương về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam.
Hiền Viên – Trần Đức