Trang chủXã hộiTheo con nước mùa hái mứt biển

Theo con nước mùa hái mứt biển

Mỗi khi vào mùa mứt biển, người dân xã Tam Quang và Tam Hải (Núi Thành) lại kéo nhau ra các gành đá, nơi những bãi đá xếp chồng lên nhau, trải dài hàng kilomet, để hái “lộc biển”.

Một buổi sáng hái mứt ở gành đá Bà Tình – Tam Quang

Người dân Tam Hải thường ra gành Bàn Than, trong khi bà con Tam Quang lại ra gành đá Bà Tình, Biển Rạng. Nghề hái rong biển này theo con nước cạn: chỉ khi thủy triều rút, các gành đá mới lộ lên khỏi mặt nước. Mỗi đợt con nước kéo dài khoảng 1 tuần đến 10 ngày, và mỗi ngày con nước cạn khoảng 4-5 giờ.

Lộc biển

5 giờ 30 sáng, tôi có mặt tại cảng biển Kỳ Hà cùng anh Phúc, một người thu mua rong mứt, để ra gành Bà Tình xem bà con hái mứt biển. Ra đến bãi biển, nơi có gành đá tương đối phẳng và kéo dài gần 1 km, trong làn hơi nước, tôi loáng thoáng thấy những bóng người lom khom làm việc từ đầu gành đến cuối bãi.

Bà Nguyễn Thị Lộ rửa sạch rong mứt chuẩn bị đem về

Nhìn đôi tay thoăn thoắt của các chị lặt những cọng mứt bám trên đá, tôi trò chuyện với một vài người. Tôi hỏi nghề này có từ bao giờ? Bà Nguyễn Thị Lộ, 68 tuổi, người lớn tuổi nhất trong nhóm hái mứt, cho biết: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy nghề này rồi. Lúc 13-14 tuổi, tôi đã theo người lớn ra gành hái mứt về bán. Đến nay đã hơn 50 năm rồi. Nghe nói nghề này có từ xa xưa, thời ông bà tôi đã làm rồi. Cái nghề này giống như truyền thống của làng vậy.” Bà còn nói thêm: “Mứt biển ở đây rất ngon, ngon hơn ở những nơi khác.” Chắc hẳn vì vậy mà mứt biển Tam Quang, Tam Hải được ưa chuộng khắp nơi.

Chị Ngọc phấn khởi khi thu hoạch được nhiều rong mứt

Chị Phạm Thị Bay, thôn An Hải Tây (Tam Quang), bộc bạch: “Nhờ trời thương, mỗi mùa gành đá Bà Tình lại xuất hiện nhiều mứt biển. Những năm gần đây, giá mứt biển rất cao, dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/kg mứt tươi. Chính vì giá cao nên nhiều người trong xã đi hái mứt ngày càng đông, nhất là những người làm nghề tự do, tranh thủ theo con nước để kiếm thêm thu nhập.”

Năm nay, mứt biển xuất hiện sớm hơn những năm trước. Thêm vào đó, thời tiết thuận lợi, ít mưa to và sóng lớn, khiến người dân Tam Quang rất vui mừng, hào hứng. Các chị có kinh nghiệm cho biết, những ngày đầu tháng 10 âm lịch năm nay là lúc mứt biển nhiều nhất, và trong một buổi sáng, những người hái mứt lành nghề có thể thu hoạch từ 2-3 kg, thu nhập có khi lên đến 400-600 ngàn đồng một buổi, điều này trở nên phổ biến.

Anh Bùi Ngọc Phúc, thôn Trung Toàn, Tam Quang, người thu mua rong mứt, cho biết: “Lúc 15 tuổi, tôi đã theo ba mẹ ra gành để phụ hái mứt. Mứt biển mọc phủ kín các gành đá ven biển khi trời lạnh và mưa. Thời gian sinh trưởng của mứt biển rất nhanh, thu hoạch xong nghỉ vài ngày là có thể thu hoạch lại. Năm nay, thời tiết không có bão, sóng lớn hay mưa nhiều, là một trong những lý do khiến người hái mứt biển ở Tam Quang được mùa. Trừ những hôm biển động quá mạnh, người dân mới không đi hái.”

Mứt biển là một loại rong biển mọc bám trên các gành đá ven biển, thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch. Mứt biển có giá trị kinh tế cao, là món quà mà người dân vùng biển coi như là “lộc biển” ban tặng.

Cũng lắm nhọc nhằn….

Dù nhìn có vẻ đơn giản, nghề hái mứt biển thực sự không dễ dàng. “Mứt biển chỉ có vào mùa lạnh, năm nào mưa và lạnh nhiều thì mứt sẽ mọc nhiều. Chính vì vậy, làm nghề này phải chấp nhận dầm mưa và chịu rét” bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Trung Toàn) cho biết.

Đi hái mứt biển không chỉ phải dựa vào con nước, mà còn phải xem thời tiết. Mứt biển bám nhiều trên các tảng đá ngâm trong nước và chỉ khi thủy triều rút mới lộ ra. Thường thì con nước sẽ cạn vào buổi sáng, khi trời vẫn chưa đủ nắng để làm mứt khô, đây là thời điểm lý tưởng để thu hoạch.

Chị Phạm Thị Luyến, thôn An Hải Tây, một người buôn bán nhỏ, chia sẻ: “Hôm nay trời đẹp, mưa nhẹ, không có sóng lớn nên tụi em hái dễ dàng. Những hôm sóng to thì vừa hái vừa phải cảnh giác, sóng ập vào gành là phải bước vào né. Bước nhanh trên gành đá, anh thấy đấy, loạng quạng là ngã ngay.”

Chị Xuân, chị Luyến hái rong mứt với nụ cười trên môi dưới thời tiết thuận lợi

Chị Nguyễn Thị Xuân, một người làm thuê, cũng tranh thủ con nước ra gành hái mứt, cho biết: “Một buổi hái được một kg mứt tươi là đủ mua 12 kg gạo, ăn được cả tuần. Cứ thế mà sống, không cần chi nhiều.”

Cũng có người hái mứt về dùng cho gia đình, như chị Mai Thị Huyền Trang, lần đầu tiên tham gia hái mứt. Chị là thợ cắt tóc ở thôn Trung Toàn, nhưng hôm nay ham vui theo mấy chị ra hái mứt về ăn.

Theo anh Phúc, người hái mứt biển thường dậy từ 3-4 giờ sáng để theo con nước. Khi trời chưa sáng, họ dùng đèn pin để hái mứt, lúc này gành đá rất đẹp. Họ tranh thủ hái nhanh để đến 9-10 giờ sáng mang về chợ bán hoặc bán cho các thương lái.

Tuy nhiên, vào mùa đông, với cái lạnh cắt da cắt thịt, thức dậy từ 3-4 giờ sáng không phải là chuyện dễ dàng, nhất là với người lớn tuổi. Thêm vào đó, lao động trên các gành đá dọc bờ biển rất trơn trượt, dễ xảy ra tai nạn. Những cơn sóng dữ trong mùa biển động là một thử thách không nhỏ đối với những người hái rong biển.

Khi chúng tôi đến Gành Bà Tình, không khỏi bất ngờ vì những người đi thu hoạch mứt biển hầu hết là phụ nữ, chỉ có vài người đàn ông. Nhìn đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ mới hiểu được tại sao đàn ông ít ai làm nghề này. Vì đôi bàn tay của người phụ nữ mềm dẻo, linh hoạt nên họ hái nhanh, nên năng suất cao hơn người đàn ông.

Chia tay gành đá Bà Tình với những con người nhỏ bé, tần tảo với đôi tay nhẹ nhàng gỡ từng sợi rong biển trong tiếng sóng vỗ,  tôi chỉ biết cầu cho trời yên biển lặng để họ an vui với nghề hái rong mứt để cho đời có thêm món ngon, sạch, bổ…

Lê Văn Huân

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU