Sáng 11/6, tại TP. Tam Kỳ diễn ra hội nghị tham vấn lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc lồng ghép các nội dung hỗ trợ người khuyết tật trong kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương giai đoạn 2026-2030. Đây là hoạt động thuộc “dự án hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam gồm 3 địa phương: Quảng Nam, TP. Huế và Quảng Trị” do Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) – Chủ dự án và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) – nhà tài trợ thực hiện.

Phiên tham vấn đưa ra những góc nhìn đa chiều, thiết thực. Theo đó, các đại biểu đề xuất: để thực hiện tốt việc hỗ trợ người khuyết tật (NKT) phòng chống thiên tai trong giai đoạn đến cần phải khảo sát, cập nhật cơ sở dữ liệu về loại hình khuyết tật, mức độ tiếp cận, nhu cầu hỗ trợ tại cộng đồng. Theo đó đảm bảo NKT được tiếp cận thông tin cảnh báo sớm qua đa kênh, đồng thời tạo điều kiện để NKT và đại diện của họ tham gia tập huấn kỹ năng phòng chống thiên tai…Về hạ tầng, khi nâng cấp hoặc xây dựng mới các công trình tránh trú bão/lũ phải tính đến yếu tố tiếp cận cho NKT, như đường dốc, lối đi rộng, phương tiện sơ tán hỗ trợ…Đây là các yếu tố cốt lõi, mang lại hiệu quả dài hạn khi được lồng ghép trong kế hoạch phòng chống thiên tại của từng địa phương.

“Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn. Trong khi đó, người khuyết tật là nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề, dễ bị tổn thương nếu không có kế hoạch ứng phó một cách cụ thể. Việc tiếp cận thông tin, khả năng sơ tán, phương tiện hỗ trợ, kỹ năng ứng phó, không đảm bảo, sẽ khiến nguy cơ thiệt hại đối với NKT luôn cao gấp nhiều lần so với các nhóm khác. Vì vậy, việc lồng ghép các nội dung hỗ trợ NKT không chỉ là thực hiện đúng theo Luật phòng chống thiên tai mà quan trọng hơn, đó là sự khẳng định về trách nhiệm cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau”. |
Trung Hiếu