Trang chủXã hộiHội thảo công bố bộ chữ viết Cơ Tu

Hội thảo công bố bộ chữ viết Cơ Tu

Sáng 19/3, tại khách sạn Bàn Thạch (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Ngôn ngữ học – thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo công bố bộ chữ viết Cơ Tu, với sự tài trợ của Quỹ Frostfondet (Na Uy).

Hội thảo công bố bộ chữ viết Cơ Tu

Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại Việt Nam. Hội thảo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn và TS. Đặng Thị Phượng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đồng chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn và TS. Đặng Thị Phượng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đồng chủ trì

Người Cơ Tu là một trong số các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Tuy có ngôn ngữ riêng, nhưng trong nhiều năm qua, chữ viết của người Cơ Tu chưa được thống nhất và công nhận chính thức, gây nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, giảng dạy và phát huy văn hóa dân tộc. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia Viện Ngôn ngữ học – thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Huế cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện bộ chữ viết Cơ Tu. Hội thảo lần này là dịp công bố chính thức bộ chữ viết, đồng thời đề xuất lộ trình đưa vào giảng dạy và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Việc công bố bộ chữ viết Cơ Tu không chỉ mang ý nghĩa ngôn ngữ học mà còn là một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu. Đây là thành quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các nhà khoa học và chính đồng bào Cơ Tu. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ để bộ chữ viết này được đưa vào giảng dạy, sử dụng rộng rãi, góp phần nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đồng bào Cơ Tu tại Quảng Nam và các địa phương lân cận.

Trao đổi tại hội thảo, các nhà nghiên cứu về dân tộc Cơ Tu, chuyên gia ngôn ngữ học và cán bộ quản lý thuộc tỉnh Quảng Nam, TP. Huế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn hóa chữ viết Cơ Tu trong hệ thống giáo dục. Bộ chữ viết Cơ Tu là thành quả nghiên cứu đầy tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với văn hóa các dân tộc thiểu số. Việc đưa bộ chữ này vào giảng dạy tại các trường học có đông học sinh Cơ Tu sẽ giúp các em tiếp cận tri thức dễ dàng hơn, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là bước đi quan trọng để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của bộ chữ trong thực tế giảng dạy.

Việc công bố và chuẩn hóa bộ chữ viết Cơ Tu không chỉ giúp đồng bào Cơ Tu bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn mở ra cơ hội tiếp cận giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác xóa mù chữ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng miền núi, nơi đồng bào Cơ Tu sinh sống. Ngoài ra, việc thống nhất chữ viết cũng góp phần vào công tác nghiên cứu, lưu trữ văn hóa, giúp thế hệ trẻ Cơ Tu hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc mình. Đây là bước đi quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số.

Hội thảo công bố bộ chữ viết Cơ Tu là dấu mốc quan trọng trên hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Sau hội thảo, các bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc triển khai ứng dụng trong giáo dục, truyền thông và đời sống cộng đồng. Hy vọng rằng, bộ chữ viết Cơ Tu sẽ góp phần giúp đồng bào Cơ Tu bảo tồn ngôn ngữ và phát triển văn hóa một cách bền vững trong thời đại hội nhập.

Phúc Lâm – Bnướch Bức

5/5 - (1 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU