Sáng 20/6, Bộ GD-ĐT hội nghị trực tuyến với 63 địa phương để nghe công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia chủ trì. Tại Quảng Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường chủ trì, cùng đại diện lãnh đạo Công an, Y tế, Điện lực tham dự.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã đạt được trên các phương diện. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024 và công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.
Năm nay, cả nước có hơn 1 triệu 071 ngàn thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 47 ngàn thí sinh so với năm 2023, trong đó thí sinh tự do gần 47 ngàn, thí sinh chỉ xét tốt nghiệp hơn 42 ngàn, thí sinh chỉ xét tuyển đại học hơn 43 ngàn và thí sinh vừa xét tốt nghiệp và tuyển sinh là hơn 1 triệu 029 ngàn, chiếm 96,11% tổng số thí sinh. Toàn quốc bố trí 2.323 điểm thi, với hơn 45 ngàn phòng thi.
Đoàn công tác của Bộ trưởng và 4 đoàn kiểm tra của Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia đã trực tiếp đi kiểm tra 12 tỉnh, thành phố từ ngày 8-18/6/2024. Công tác kiểm tra là một trong những phương pháp, công cụ để tăng cường công tác phối hợp, cùng cộng đồng trách nhiệm; tinh thần nghiêm túc, nhưng thân thiện nhằm đảm bảo chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho kỳ thi.
Công tác phối hợp đã được triển khai thực hiện tốt giữa các bộ, ngành, địa phương. Ở cấp bộ là phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin – Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải…
Các tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo và phối hợp tốt giữa các sở, ngành địa phương. Ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ thí sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả, tổ chức thi thử…thể hiện tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các thầy cô giáo với phương châm không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn, đường sá xa xôi, cách trở mà không dự thi được.
Hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức kỳ thi cơ bản hoàn thiện. Ở cấp tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị của tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản hướng dẫn; đặc biệt có các kế hoạch đầy đủ, chi tiết, bài bản, bao quát được các công đoạn, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ nội dung, rõ sản phẩm và rõ thời gian.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT đề nghị chuẩn bị đầy đủ, tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm về điện cho kỳ thi; đặc biệt công tác in sao đề thi, làm phách, chấm thi – trong đó, cán bộ làm công tác thi phải bảo đảm sức khỏe, thoải mái về tinh thần để làm tốt.
Đối với nhân lực tham gia kỳ thi, dù cơ sở vật chất chuẩn bị tốt, đầy đủ đến đâu, nhưng quyết định, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, từ khâu lựa chọn đến tập huấn, nhắc nhở giám sát… Với quy mô lớn như kỳ thi tốt nghiệp THPT, phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu chung là vì học sinh.
Ly Lan – Quốc Thành