Tỉnh Quảng Nam đang tập trung hỗ trợ các địa phương lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhằm phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng vùng nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 128 điểm du lịch nông thôn đã được công nhận, góp phần thu hút du khách và bảo tồn văn hoá truyền thống.
Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh cho biết, Chương trình đã hỗ trợ hơn 20 mô hình du lịch nông thôn tại các địa phương. Các mô hình cơ bản đã hoàn thiện, bước đầu cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và tạo ra giá trị tăng thêm cho người dân thông qua phát triển du lịch nông thôn bền vững. Đến nay, tỉnh đã công nhận 22 điểm du lịch nông thôn mới, đây là tiền đề để nhân rộng chương trình trong giai đoạn sau năm 2025.
Ngân sách trung ương hỗ trợ mỗi năm 6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí thêm 18 tỷ đồng cho giai đoạn 2021–2025 nhằm thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn. Quảng Nam đặt mục tiêu: mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng sẽ xây dựng ít nhất một sản phẩm/dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; đồng thời phấn đấu 50% số điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên sau năm 2025.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 128 điểm, khu, làng du lịch nông thôn đã được công nhận. Một số địa phương có nhiều điểm du lịch nổi bật như: huyện Nam Trà My với 32 điểm, Đông Giang 17 điểm; các huyện Đại Lộc, Bắc Trà My và TP. Hội An có gần 10 điểm thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hoá làng quê.
Nhiều địa phương và hộ dân đã đầu tư bài bản, có hướng đi sáng tạo. Du lịch nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP đang trở thành “lực đẩy” quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Quảng Nam.
Tấn Châu – Quốc Thành